Tất cả chuyên mục

Hiện nay, vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học đang được quan tâm không chỉ ở phạm vi từng quốc gia mà là mối quan tâm chung của toàn nhân loại. Bởi vì bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia cũng như hạn chế các tác động của sự thay đổi khí hậu.
Đa dạng sinh học có vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì các chu trình tự nhiên và cân bằng sinh thái. Đó là cơ sở của sự sống còn và thịnh vượng của loài người và sự bền vững của thiên nhiên trên trái đất. Đối với Việt Nam, theo kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam thì nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trong các ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản hằng năm cung cấp cho đất nước trên 2 tỷ USD.
Gần đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của nước ta đã và đang bị suy giảm. Nhiều hệ sinh thái và môi trường sống bị thu hẹp diện tích, nhiều loài động vật đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng trong một tương lai gần. Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp, cùng với các chính sách kèm theo nhằm bảo vệ tốt hơn tài nguyên đa dạng sinh học của đất nước. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học cần phải giải quyết như quan hệ giữa bảo tồn và phát triển bền vững hoặc tác động của biến đổi khí hậu đối với bảo tồn đa dạng sinh học...
Quảng Ninh là địa phương có đa dạng sinh học nổi trội với cả 3 hệ sinh thái chính là hệ sinh thái trên cạn (hệ sinh thái rừng), hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái biển. Tỉnh đã nỗ lực thực hiện các biện pháp bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, như thực hiện các đề tài, dự án về điều tra các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giám sát, phục hồi, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.
Thời gian vừa qua, một số dự án bảo vệ đa dạng sinh học đã được tỉnh ưu tiên triển khai, như: “Nghiên cứu khả năng phục hồi hệ sinh thái san hô và triển khai mô hình quản lý cộng đồng tại quần đảo Cô Tô”; “Kiểm kê hiện trạng đất ngập nước tỉnh Quảng Ninh bằng công nghệ viễn thám đa thời gian và GIS để phục vụ đề xuất định hướng phát triển bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai”; “Nghiên cứu diễn biến tài nguyên rừng bằng tư liệu viễn thám đa thời gian để định hướng quy hoạch nuôi trồng thủy sản và phát triển tài nguyên rừng tỉnh Quảng Ninh”…
Đặc biệt, sau 9 năm triển khai Luật Đa dạng sinh học, việc quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên trong tỉnh đã được nâng cao và đang từng bước đạt hiệu quả. Theo đó, Quảng Ninh đã thực hiện các giải pháp bao gồm cả bảo tồn tại chỗ và bảo tồn chuyển chỗ nhiều loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm, có giá trị đã được phát hiện. Tại các khu bảo tồn thiên nhiên, nơi còn tập trung nhiều loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm, có giá trị, các cơ quan quản lý đã tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, bảo vệ ranh giới, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, môi trường sống của các loài sinh vật tại khu bảo tồn. Đồng thời, thực hiện các hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, thực hiện các chương trình, dự án bảo tồn tại chỗ đối với các loài thực vật, động vật quý hiếm.
Có thể khẳng định, việc bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường của tỉnh và quốc gia.
Lê Hải
Ý kiến ()