Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 19/09/2024 07:08 (GMT +7)
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý vào dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Thứ 3, 27/08/2024 | 22:57:56 [GMT +7] A A
Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 27/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày từ 27 đến 29/8.
Tại Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến đối với 12 dự án luật, bao gồm: 11 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, bao gồm: Luật Địa chất và khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phòng không nhân dân và 01 dự án Luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 là Luật Điện lực (sửa đổi), nếu được chuẩn bị tốt, Quốc hội thảo luận đạt sự đồng thuận cao, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.
Trong ngày đầu tiên làm việc, tại phiên thảo luận đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị tại Điều 28 về sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích cần làm rõ và phân loại tiêu chí, quy mô, loại hình công trình sửa chữa, cải tạo hoặc phải xác định tiêu chí về thủ tục hành chính; thời gian trả lời đối với từng loại công trình. Bởi, trong sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích để phân cấp cho UBND cấp tỉnh những công trình như: những công trình sửa chữa cải tạo nhỏ, nhằm bảo vệ di tích như sửa chữa hệ thống tiêu thoát nước, đường dẫn, lắp đặt cột thu lôi, chống sét, cột thu phát sóng... trong khu vực bảo vệ II của di sản thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt.
Đối với Điều 29 về dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới, tại khoản 1 dự thảo quy định “Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án đầu tư, triển khai xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ I của di tích và dự án đầu tư, xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích, dự án đầu tư, xây dựng công trình kinh tế - xã hội trong khu vực bảo vệ II của di tích chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới...”, đại biểu cho rằng, theo giải thích từ ngữ tại Điều 3 của dự thảo, công trình kinh tế - xã hội là công trình được thực hiện theo mục tiêu, quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, địa phương. Do đó có thể hiểu công trình kinh tế - xã hội đã bao quát toàn bộ các loại hình công trình xây dựng. Do đó, trường hợp công trình kinh tế - xã hội là khái niệm để phân loại một số công trình xây dựng nhất định, cần cụ thể hóa rõ các công trình/dự án có yêu cầu chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo việc thực thi Luật được đúng và đầy đủ.
Đại biểu đề xuất như ở điều 28, phân loại tiêu chí đối với các công trình ko có tác động trực tiếp đến di tích; công trình tạm, công trình để đảm bảo an toàn của di tích, di sản thế giới và di tích QGĐB nên phân cấp thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh, chủ trương đầu tư xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL. Đại biểu dẫn chứng thực tế, nhiều công trình mất rất nhiều thời gian để triển khai được, như cử tri và du khách bức xúc với việc giữa Vịnh Hạ Long không có sóng điện thoại; lúc thời tiết bão gió là không có sóng để liên lạc với các phương tiện trên vịnh. Do quy định không được xây dựng trong vùng lõi di sản khi chưa được Thủ tướng chính phủ phê duyệt; hay rãnh thoát nước, dẫn nước chảy trực tiếp vào di tích ở Yên Tử không thể xử lý được ngay do cũng mắc phải những quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Do đó, cần làm rõ việc đầu tư các dự án đầu tư, xây dựng công trình kinh tế - xã hội trong khu vực bảo vệ II của di tích có ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến di tích làm cơ sở quy định việc lấy ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh; đồng thời bổ sung thêm quy định về các nội dung lấy ý kiến.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung nội dung: "Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sửa chữa, cải tạo công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong khu vực bảo vệ I của di tích chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới”.
Tại khoản 2 Điều 29 Dự thảo quy định việc thực hiện “Việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình nhà ở riêng lẻ đã có trong khu vực bảo vệ di tích” đại biểu đề nghị nghiên cứu, sửa đổi quy định tại điểm b, khoản 2 Điều này theo hướng quy định công trình nhà ở riêng lẻ có những tiêu chí nào cụ thể khi thực hiện sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại (hoặc xây mới) phải xin ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh do phạm vi các công trình chịu ảnh hưởng của quy định này rất lớn, đặc biệt là đối với tỉnh Quảng Ninh có nhiều công trình di tích, phạm vi khu vực bảo vệ được xác định rộng như di tích quốc gia đặc biệt Vịnh Hạ Long…
Đại biểu cùng đề nghị đối với điều 30 về Dự án đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới, thẩm quyền vùng ngoài vùng đệm di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt giao cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quyết định; vùng đệm di sản giao UBND cấp tỉnh quyết định và báo cáo về Bộ VHTTDL…
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()