Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 21:05 (GMT +7)
Đại biểu Quốc hội: Cải cách tiền lương là điều mong mỏi nhất với đội ngũ công chức, viên chức
Thứ 2, 13/11/2023 | 16:56:21 [GMT +7] A A
Theo các đại biểu Quốc hội, việc thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 là điều mong mỏi nhất đối với đội ngũ công chức, viên chức, đặc biệt là những lao động trong ngành giáo dục, y tế.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua chính sách cải cách tiền lương. Theo đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, quyết nghị từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.
Từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước của Trung ương đang thực hiện các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù, từ ngày 1/1/2024 đến 30/6/2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).
Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Như vậy, với Nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương sẽ giúp hàng triệu công chức, viên chức được tăng lương từ ngày 1/7/2024.
Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công), thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: - Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương). - Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). - Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương/năm, không bao gồm phụ cấp). Nghị quyết cũng quy định xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. |
Tạo dựng sự an tâm cho cán bộ, công chức
Trao đổi bên hành lang Quốc hội liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 là điều mong mỏi nhất đối với đội ngũ công chức, viên chức.
Đại biểu đặc biệt lưu ý, từ kinh nghiệm trước đây có thể thấy, những tiêu cực xã hội có nguyên nhân rất lớn là thu nhập không bảo đảm cho đời sống, dẫn đến những hành vi không chuẩn mực như tham nhũng vặt hay sách nhiễu.
Theo đại biểu, cải cách tiền lương hướng tới lương, mức độ thưởng, mức độ phân công công việc bảo đảm công bằng. Từ đó, tạo ra sự công bằng trong thu nhập của những lao động cùng nhóm.
Điều này sẽ là một luồng chính sách tạo dựng sự an tâm rất lớn cho các cán bộ, công chức hiện nay. Đồng thời, các bộ máy Nhà nước sẽ tính đến việc tinh giản biên chế sao cho gọn nhẹ và phát huy năng lực từng cá nhân, từ đó bảo đảm vị trí việc làm, đúng người, đúng việc, đúng hưởng thụ.
Đề cập phụ cấp đặc thù, đại biểu Nguyễn Tạo nêu cụ thể, công chức, viên chức sẽ có 70% lương cứng, còn lại là 20% của chuyên trách chuyên ngành và 10% là khen thưởng.
“Chúng ta có ngành đặc thù và có phụ cấp. Thí dụ, chính tôi có phụ cấp của người làm nghị sĩ chuyên trách. Với những ngành đặc thù khác như bác sĩ y học hạt nhân, hằng ngày tiếp xúc với chất phóng xạ như vậy phải có phụ cấp tương xứng với công việc. Hay những công việc phải thực hiện trong điều kiện khắc nghiệt, những lao động đó phải có chế độ tương quan, phụ cấp độc hại... chứ không thể cào bằng phụ cấp. Như vậy mới có thể bảo đảm công bằng”, đại biểu nêu rõ.
Cần quan tâm đến phụ cấp đặc thù nghề nghiệp
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đánh giá, nội dung cải cách tiền lương nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc, đông đảo cử tri và nhân dân.
Đặc biệt, với bộ phận cán bộ, công chức viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì đây là nội dung được kỳ vọng rất lớn. Bởi vì, theo đánh giá với cách tính lương hiện nay thì tiền lương của những đối tượng này đang rất ít ỏi, lạc hậu so với mặt bằng giá cả và cuộc sống nói chung.
Theo đại biểu, đội ngũ bộ cán bộ, công chức, viên chức đều mong rằng, với sự nhìn nhận mới này, mức lương mới sẽ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Trong đó, phải kể đến lực lượng y bác sĩ, những người công tác trong ngành y và giáo viên. Đây là các lực lượng đang có mức lương thấp - nguyên nhân dẫn đến việc "chảy máu chất xám" ở 2 ngành nghề rất quan trọng này.
Đại biểu Nga cho rằng, sau cải cách tiền lương, mức lương của 2 ngành nghề này như thế nào sẽ là mối quan tâm rất lớn của những người trong nghề.
Đối với giáo viên, đại biểu cho rằng, Chính phủ đang nỗ lực xây dựng Luật Nhà giáo và sẽ trình Quốc hội vào năm 2024. Với những chế độ, chính sách được quy định trong Luật Nhà giáo, nữ đại biểu bày tỏ hy vọng thu nhập của giáo viên sẽ được cải thiện hơn.
Với đội ngũ ngành y, đại biểu cho rằng nếu tính lương thì rất khó để lực lượng này xếp lương cao hơn so với các lực lượng khác. Lý do bởi trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, họ vẫn chỉ là viên chức như các ngành bình thường.
“Do đó, đối với những ngành đặc thù như giáo dục và y tế, bên cạnh việc xếp lương, cần quan tâm đến phụ cấp đặc thù nghề nghiệp và điều quan trọng là phụ cấp này phải có tác dụng cải thiện thu nhập của những người trong ngành, chứ không chỉ có tác dụng động viên tinh thần", đại biểu Nga nhấn mạnh.
Hiện nay, dù phụ cấp giáo viên và phụ cấp cho ngành y vẫn có, song chưa có ý nghĩa nhiều trong việc cải thiện thu nhập mà chủ yếu ghi nhận sự đóng góp và cống hiến trong nghề.
Do vậy, nữ đại biểu đoàn Hải Dương kỳ vọng, cùng với cải cách tiền lương, phụ cấp của những ngành nghề này cũng sẽ được xem xét, góp phần ngăn chặn chảy máu chất xám và để các y bác sĩ và các giáo viên yên tâm công tác hơn.
Tăng lương - giải pháp căn cơ để bảo đảm nhân lực y tế cơ sở
Bày tỏ quan tâm đến cải cách tiền lương trong ngành y tế, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cải cách tiền lương đối với viên chức, người lao động, trong đó có cán bộ y tế là một vấn đề rất quan trọng để giúp đỡ phần nào cho những khó khăn của cán bộ ngành y, đồng thời đóng vai trò là giải pháp căn cơ để bảo đảm nhân lực y tế cơ sở.
Theo đại biểu, cùng với cải cách tiền lương, sẽ có những quy định tăng mức đãi ngộ, những hệ số phụ cấp cho cán bộ y tế công tác tại những ngành nghề đặc thù đặc biệt. Thí dụ như làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS hay cán bộ y tế làm việc ở những môi trường xét nghiệm độc hại sẽ có những chế độ phụ cấp phù hợp đối với môi trường làm việc từ 0,2, 0,3, 04, 0,7...
Tuy nhiên, đại biểu Nhị Hà cũng cho rằng, vấn đề cải cách tiền lương, chế độ đãi ngộ trong thời điểm hiện nay cũng chỉ tháo gỡ được một phần những khó khăn, vướng mắc.
“Với mức thu nhập của cán bộ y tế, chúng tôi cho rằng, cần có những giải pháp quan trọng hơn, căn cơ hơn để bảo đảm thu nhập cho cán bộ y tế và thu hút cán bộ y tế, đặc biệt là thu hút những cán bộ y tế chất lượng cao, thu hút nguồn nhân lực phát triển kỹ thuật cho tuyến y tế cơ sở và trạm y tế xã”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.
Nữ đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, phải có những chế độ về cơ chế tài chính trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các cơ sở y tế, đặc biệt là cơ chế tài chính tại tuyến y tế cơ sở để ngoài chế độ tiền lương, đãi ngộ thì sẽ có một cơ chế tài chính phù hợp nhằm tăng thêm mức thu nhập ngoài tiền lương.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản, cải cách tiền lương cũng phải có một chính sách toàn diện để quan tâm đến cán bộ y tế từ thu nhập đến môi trường làm việc.
Đồng thời, cũng phải có những chính sách về cung cấp trang thiết bị, thuốc, hóa chất... để cán bộ y tế yên tâm công tác và được sử dụng những trang thiết bị y tế hiện đại để phát triển chuyên môn tốt nhất, từ đó giúp thu nhập của cán bộ, y bác sĩ tăng cao. Đây cũng là cách để giữ chân cán bộ y tế làm việc trong các cơ sở công lập, đại biểu Nhị Hà nêu rõ.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()