Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 26/12/2024 20:40 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh chất vấn một số vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán nhà nước
Thứ 4, 05/06/2024 | 19:00:17 [GMT +7] A A
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 5/6, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Kiểm toán; văn hóa, thể thao và du lịch.
Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn đối với Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán được nêu trong báo cáo là khá ấn tượng, trong đó nhất là việc thực hiện các kiến nghị tài chính đối với kiến nghị kiểm toán của nhà nước năm 2022, đạt được tỷ lệ là 92%... Tuy nhiên, còn khá nhiều kiến nghị của kiểm toán chưa được thực hiện, kéo dài qua nhiều năm. Đại biểu đề nghị Tổng kiểm toán nhà nước cho biết nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế này và trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị nào? Kiểm toán nhà nước đã có những giải pháp gì để khắc phục?
Trả lời nội dung này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết nguyên nhân của tình trạng kiến nghị kiểm toán chậm được thực hiện gồm có các nhóm nguyên nhân: từ đối tượng, đơn vị được kiểm toán; bên thứ ba; bên kiểm toán và một số nguyên nhân khác.
Theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán nói riêng và kỷ cương, kỷ luật tài chính nói chung, ngoài nguyên nhân về vướng mắc cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức thì vướng nhiều ở khâu tổ chức thực hiện. Theo đó ý thức, tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực của người đứng đầu còn yếu, tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, công tác phối hợp giữa các đơn vị còn hạn chế.
Về giải pháp để khắc phục tình trạng này, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, trong thời gian tới Kiểm toán nhà nước sẽ quyết tâm, quyết liệt nâng cao kết luận kiến nghị kiểm toán, kiến nghị thật đúng, thật trúng để các đơn vị thuận lợi trong triển khai thực hiện. Đồng thời tăng cường việc đôn đốc công khai danh sách các tổ chức cá nhân chưa thực hiện các kết luận kiểm toán trên trang web của Kiểm toán nhà nước.
Cùng liên quan đến nội dung chất vấn lĩnh vực kiểm toán, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khoá XV, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, nêu rõ: Kiểm toán nhà nước có nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước. Đối với doanh nghiệp, pháp luật quy định Kiểm toán nhà nước chỉ kiểm toán đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%; doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% chỉ quyết định kiểm toán trong trường hợp đặc biệt. Trong khi đó, việc lựa chọn doanh nghiệp để tiến hành kiểm toán thông qua phương pháp chọn mẫu. Đại biểu đề nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết nguyên tắc, tiêu chí, cách thức thực hiện lựa chọn mẫu để bảo đảm tính đại diện nhưng vẫn phản ánh chính xác, kịp thời tình hình thực tế, sớm phát hiện được sai phạm, thất thoát nguồn lực nhà nước, góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực.
Giải đáp nội dung này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng, đây là câu hỏi có chuyên môn sâu, để tiến hành cuộc kiểm toán có 4 giai đoạn: Xây dựng kế hoạch; tổ chức triển khai; xây dựng báo cáo; đôn đốc. Ở khâu xây dựng kế hoạch, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, Đoàn kiểm toán tập trung thu thập thông tin về đơn vị được kiểm toán, môi trường hoạt động, về quy trình quản lý và kiểm soát nội bộ. Trên cơ sở phân tích, đánh giá về kiểm soát nội bộ và các sai sót trọng yếu, Đoàn kiểm toán tiến hành chọn mẫu theo Chuẩn mực 100 và có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để làm sao chọn mẫu chuẩn để phục vụ cho việc xác nhận tính trung thực, tính hợp lý của báo cáo tài chính và thông tin tài chính.
Cùng ngày, đối với nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tập trung vào các vấn đề: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm và chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()