Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:10 (GMT +7)
Đại hội Đảng XIII: Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại
Thứ 6, 22/01/2021 | 09:51:14 [GMT +7] A A
Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% năm 2010 lên 64,5% năm 2020, nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng.
Công nhân sản xuất tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ITM Việt Nam, khu công nghiệp VSIP, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN) |
Để đưa đất nước vững bước tiến vào một giai đoạn phát triển mới, những năm qua, Đảng ta đã xác định các chỉ tiêu quan trọng, những nhiệm vụ trọng tâm.
Sự nỗ lực, bền bỉ, kiên trì thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đặt ra của Đảng, Nhà nước đã đem lại nhiều thành quả, ghi những dấu mốc phát triển quan trọng về kinh tế, xã hội, nhất là những dấu ấn về lao động-việc làm, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (2016-2020), TTXVN trân trọng giới thiệu chùm bài “Vững bước tiến vào giai đoạn phát triển mới."
Xây dựng và phát triển thị trường lao động Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững với nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu, có năng suất lao động và tính cạnh tranh luôn là một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam.
Bởi đây chính là “chìa khóa” vừa mở ra sự kết nối mạnh mẽ với thị trường lao động quốc tế lại bảo đảm hài hòa thị trường lao động nội địa. Nhưng xa hơn, là giải quyết vấn đề việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội…
Khởi sắc từ giáo dục nghề nghiệp
Làng nghề mây tre đan thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ là một trong những làng nghề truyền thống của Hà Nội. Trong thời kinh tế thị trường, làng nghề không những vẫn duy trì được thương hiệu mà còn phát triển khá mạnh, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương từ 100.000-150.000 đồng/người/ngày.
Theo chia sẻ của người dân làng nghề mây tre đan Phú Vinh, khoảng 10 năm trở về trước, 100% người dân trong làng đều gắn bó và chọn nghề truyền thống để khởi nghiệp.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều cụm công nghiệp mọc lên tại địa phương đã thu hút lao động của làng nghề, khiến cho việc sản xuất bị đình trệ. Nhờ có công tác đào tạo nghề và những chính sách hỗ trợ cụ thể của địa phương, nhiều người trẻ hiện nay đã quay trở về với nghề truyền thống.
Không lợi thế về thương hiệu của những làng nghề truyền thống, huyện Đan Phượng của Hà Nội lại đẩy mạnh phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ và công nghiệp.
Đồng thời, huyện chỉ đạo các xã xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện tại, huyện Đan Phượng đã có những mô hình kinh tế điểm thu hút lao động có tay nghề đã qua đào tạo như: Hợp tác xã rau Cuối Quý, Hợp tác xã bưởi tôm vàng Thượng Mỗ; xây dựng nhãn hiệu hoa đồng tiền Đan Phượng, hoa Lily Đan Phượng…
Chương Mỹ và Đan Phượng chỉ là hai "trái ngọt" từ những chương trình đào tạo nghề thiết thực tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Những năm gần đây, giáo dục, đào tạo nghề nghiệp trên toàn quốc có bước phát triển nhanh chóng theo hướng gắn kết thị trường lao động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động.
Số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho thấy, chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp từng bước được cải thiện. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm sau tốt nghiệp đạt 85%.
tháng. Các ngành nghề trọng điểm, chất lượng cao thu nhập tới 20 triệu đồng/tháng. Nhiều học sinh, sinh viên tiêu biểu về học nghề, lập nghiệp, khởi nghiệp thành công sau tốt nghiệp và ngay cả khi còn đang học.
Đặc biệt, trong các kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN và thế giới, thành tích của các thí sinh luôn được cải thiện. Năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam giành Huy chương Bạc tại Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới tổ chức tại Liên bang Nga, xếp thứ 25/63 quốc gia và vùng lãnh thổ dự thi. Cũng năm 2019, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã xếp hạng chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tăng 13 bậc.
Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% năm 2010 lên 64,5% năm 2020. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 14,6% năm 2010 lên 24,5% vào năm 2020.
Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế như công nghệ thông tin, y tế, công nghiệp xây dựng, cơ khí…
Tín hiệu tích cực từ thị trường lao động
Dự án Phát triển thị trường lao động và việc làm là một trong ba dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp-Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Người lao động tra cứu thông tin tuyển dụng nhân sự. (Nguồn: TTXVN) |
Việc triển khai thực hiện dự án những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về việc làm, đặc biệt về phát triển thị trường lao động với nhiều kết quả tích cực.
Nổi bật trong thực hiện dự án là việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cho 11 Trung tâm dịch vụ việc làm; tăng cường, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm từ sàn, phiên giao dịch việc làm trực tuyến, lưu động, ngày hội việc làm.
Trung bình mỗi năm, các địa phương trên cả nước đã tổ chức hơn 1.600 phiên giao dịch việc làm, bình quân mỗi phiên thu hút khoảng 30 doanh nghiệp và hơn 400 người lao động tham gia.
Số lao động tìm được việc làm qua các phiên giao dịch việc làm chiếm khoảng 40% số lao động đăng ký tư vấn việc làm.
Dự án đã tổ chức thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu về cung cầu lao động với thông tin của trên 20 triệu hộ gia đình và gần 400.000 doanh nghiệp được cập nhật hàng năm.
Đồng thời, bước đầu tạo sự kết nối thông tin thị trường lao động từ Trung ương tới địa phương cũng như giữa các địa phương, giữa các vùng, ngoài ra, còn tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên, thanh niên; giới thiệu việc làm thành công cho hàng chục nghìn thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…
Dự án nói trên cùng Chương trình Mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp-Việc làm và An toàn lao động nằm trong nỗ lực hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm và phát triển thị trường lao động trong giai đoạn 2016-2020.
Một số hạn chế, tồn tại nhất định đã bộc lộ trong quá trình thực hiện mục tiêu này như hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện; năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động chưa đáp ứng yêu cầu; các hoạt động giao dịch việc làm chậm ứng dụng công nghệ thông tin; chịu tác động của nhiều yếu tố, chưa giải quyết đáp ứng được hiện tại; nguồn chất lượng nhân lực của Việt Nam còn thấp, quan hệ cung-cầu đang có vấn đề… Song thành quả của những nỗ lực rất đáng ghi nhận.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2016 đến năm 2020, cả nước tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động; chuyển dịch lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020.
Tỷ lệ thất nghiệp 2,48%, ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.
Những kết quả trên đã cơ bản đáp ứng những yêu cầu, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đặt ra đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
Càng ấn tượng hơn nếu đặt những thành quả đó trong bối cảnh năm 2020, đại dịch COVID-19 gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đời sống nhân dân.
Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2020, cả nước có trên 32 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Dịch COVID-19 đã khiến lực lượng lao động giảm 1,2 triệu người so với năm trước và có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,6 triệu người.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đề nghị triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng lao động, đào tạo và đào tạo lại người học gắn nhu cầu thị trường; phát triển thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ và phát triển. Đồng thời, tập trung xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ…
Đặc biệt để đưa lao động, việc làm chuyển sang giai đoạn phát triển mới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết đang xây dựng, lấy ý kiến về dự thảo Đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030.”
Đề án này không chỉ hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành theo đúng cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà còn mang tính đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa vùng và hội nhập quốc tế, từ đó góp phần quan trọng vào chiến lược xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()