Tất cả chuyên mục

Ở ngay sát đường 18A, nơi bày bán và giới thiệu sản phẩm gốm sứ của huyện Đông Triều, có một con đường nhỏ dẫn vào đình Trạo Hà. Đình nằm trên sườn núi Chiêng (thuộc thôn Trạo Hà, xã Đức Chính). Theo văn bia để lại thì ngoài cùng là đình Trạo Hà, tiếp đó là đình Hàng Phủ, đền Di ái và trong cùng là nhà mộ xây theo kiểu vòm cuốn, bên trong có lăng mộ gồm những phiến đá lớn và dày ghép lại với nhau cũng theo hình vòm cuốn. Tất cả đều liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Quang Huy - một vị quan văn võ song toàn thuộc hai triều đại Hậu Lê và Tây Sơn.
Triều Hậu Lê: Theo văn bia khắc tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) đặt trước phần mộ thì Nguyễn Quang Huy (không rõ quê quán) là quan Đồng Tri phủ Hải Đông (từ năm 1466, bỏ các lộ, trấn, đặt là phủ, đổi Trấn phủ sứ làm Đồng tri phủ). “Vị thần làng ta vốn nhậm chức ở phủ Hải Đông, tên Nguyễn Quang Huy, là quan Đồng tri phủ, có tài đức, giàu lòng nhân ái vị tha. Với cha mẹ giữ tròn chữ hiếu, với vợ con chung thuỷ hiền từ, với nhân dân không một chút kiêu căng, với bạn hữu luôn giữ tròn chữ tín...”.Khi đỗ làm quan, triều đình đã ban cho ông được tự lập điền trang thái ấp. Đông Triều lúc đó vẫn còn là vùng đất hoang sơ, sông nước, cư dân thưa thớt chủ yếu làm nghề chài lưới và sinh sống ở trên sông. Ông đã về đây chiêu tập dân quanh vùng để khai hoang, lập làng mới lấy tên là Trạo Hà (chèo thuyền trên sông). Cuộc sống dần đông vui ổn định, ông đã bỏ tiền nhà ra xây dựng cho dân làng một ngôi đình bằng gỗ để thờ thần hoàng làng và chia ruộng cho dân làng cày cấy, ruộng chuyên dùng cho việc thờ cúng, tế lễ. Người già, con trẻ trong làng khốn khó đều được ông quan tâm giúp đỡ....
Triều Tây Sơn: Theo văn bia khắc trên thành mộ của ông thì khi nghĩa quân Tây Sơn tiến quân ra Bắc (1786) đập tan cuộc xâm lược của quân Thanh, Nguyễn Quang Huy từ một vị quan triều Lê đã trở thành một võ tướng có nhiều đóng góp với vương triều Tây Sơn. Vì thế, khi mất ngày 16-2 năm Mậu Dần (1788) ông đã được cả ba vua triều Tây Sơn phong sắc. Cảm kích trước tấm lòng đó, dân làng đã tôn ông làm Phúc Thần, lập đền thờ, xây lăng mộ ông phía sau đình để thuận tiện cho việc hương khói cúng tế. Trên thành mộ hiện còn ba sắc phong của vua Thái Đức, Quang Trung và Cảnh Thịnh ghi lại công lao to lớn của ông.
Sắc đề ngày 2 tháng 9 năm Thái Đức thứ 11 (1788) ghi: “Sắc cho vị Phúc Thần thôn Trạo Hà, huyện Đông Triều là người khí khái, mưu lược như hổ, chí khí nuốt trâu, tính tình hoà mục mẫn cán, làm tròn nhiệm vụ dự trữ lương thực nuôi ba quân, dẹp yên giặc dã, được dân tin tưởng yêu mến, được Đại tướng Lân Ngọc hầu tiến cử. Nay gia tặng Đông Phái hầu, An Quảng xứ, Hiệp trấn thủ cùng với Trấn thủ Nghị Chính hầu cai quản trong trấn”. (Đông Phái hầu là tước của Nguyễn Quang Huy, ông được giữ chức quan Võ đứng đầu các trấn ở xứ An Quảng cùng với Trấn thủ Nghị Chính hầu (tước của vị quan đứng đầu các trấn không rõ tên) cai quản trong trấn).
Sắc đề ngày 2 tháng 3 năm Quang Trung thứ 2 (1789) ghi: “Chiếu cho Đô chỉ huy sứ, Khâm tri An Quảng xứ, đặc trách vãng trấn, hợp cùng Đô đốc Nghị Chính hầu, trước định lòng dân, coi việc lương tiền thuế lệ, từ tụng, binh dân. Mọi việc đều một lòng trung thuận, giữ dân yên ổn, không phụ lòng trên. Nay chiếu cho 2 xã Đoàn Xá và Nguyễn Xá cùng các xã thờ phụng tại Di ái từ. Hàng năm vào ngày 15 và 16 tháng 2 sắm lễ kính tế, tiểu lệ 1 quan, đại lệ 6 quan. Các xã có trách nhiệm trông coi Di ái từ...” (Ông là quan tri phủ xứ An Quảng liên quan nắm việc quân sự, đã cùng với Đô đốc Nghị Chính hầu (tức tước của vị quân chính cao cấp địa phương không rõ tên) cai quản một trấn ở xa.
Sắc đề ngày tốt tháng 3 năm Quý Sửu, triều vua Cảnh Thịnh (1793). Cho phép các xã rước bài vị của Nguyễn Quang Huy vào đình để thờ phụng, liệt kê 43 xã, thôn các huyện Đông Triều (28 xã, 3 thôn), Thuỷ Đường, Hiệp Sơn, Chí Linh phải thờ phụng ông. Phía trước lăng mộ là một bài vị bằng đá, ghi đầy đủ chức tước của Nguyễn Quang Huy “Khâm tri An Quảng xứ, Đô chỉ hy sứ, Đông Phái hầu, kiêm Kinh Môn phủ, Hiệp trấn thủ” (Đông Phái hầu là quan tri phủ xứ An Quảng; quan nắm việc quân sự xứ An Quảng kiêm phủ Kinh Môn; quan võ đứng đầu các trấn ở xứ An Quảng). Sau khi đánh đổ triều Tây Sơn, vua Gia Long đã trả thù nhà Tây Sơn bằng cách đập phá hết các công trình kiến trúc, các hiện vật có ghi niên hiệu triều Tây Sơn. Nhưng ở đây có một điều đặc biệt là bia mộ của ông có khắc 3 sắc phong triều vua Tây Sơn không những vẫn còn nguyên vẹn mà ngay trước cửa đình còn có tấm bia tứ trụ khắc tháng 3 năm Gia Long thứ 18 (1819) nói về việc 43 xã, thôn các huyện Đông Triều, Thuỷ Đường, Hiệp Sơn, Chí Linh góp tiền xây dựng một ngôi đình Hàng Phủ mới ở giữa đình Trạo Hà và đền Di ái. Đình được khởi công vào năm 1813 và khánh thành vào năm 1818 để thờ cúng chung. Các sắc mục, xã trưởng, tổng trưởng của 43 xã, thôn cùng thống nhất thờ cúng Nguyễn Quang Huy vào ngày 16 tháng 2 theo lệ cũ (tức theo chiếu của vua Quang Trung năm 1789).
Di ái (tình cảm di truyền lại) là tên mà dân làng đặt cho đền được xuất phát từ tình cảm thiêng liêng của nhân dân huyện Đông Triều cũng như các huyện Chí Linh, Thuỷ Đường, Hiệp Sơn (cũ) đối với Nguyễn Quang Huy - một vị quan chính trực quang minh, một vị tướng tài ba dũng mãnh không những được truyền lại dưới triều Hậu Lê, triều Tây Sơn mà còn được di truyền đến cả triều Nguyễn. Đây là một điều đặc biệt hiếm thấy trong lịch sử vương triều Nguyễn. Và trong kháng chiến chống Pháp, năm 1947 hai ngôi đình trên đã bị thực dân Pháp phá đi để lấy vật liệu xây đồn bốt, nhưng riêng đền Di ái và lăng mộ Nguyễn Quang Huy thì vẫn còn nguyên vẹn.
Ý kiến ()