Tất cả chuyên mục

Ông Vũ Cẩm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh là người được gần gũi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong nhiều lần Đại tướng về thăm Quảng Ninh, ông xúc động nói: “Những ngày qua nghe tin Đại tướng mất, tôi đã khóc rất nhiều. Khóc vì tiếc thương một vị tướng tài, một nhân cách lớn đã ra đi...”.
Bồi hồi xem lại những tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Vũ Cẩm cho biết ông có nhiều dịp được đón, xin ý kiến và cả tâm sự cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1971, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh (ông Vũ Cẩm là Bí thư) mời Đại tướng về nghe báo cáo kết quả phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ Vùng mỏ. Đại tướng khen ngợi phong trào này của tuổi trẻ Vùng mỏ rất thiết thực, hiệu quả và định hướng những nhiệm vụ, giải pháp để phong trào của tuổi trẻ Quảng Ninh ngày càng thêm sôi nổi. Hôm ấy, nhận lời mời của cán bộ Tỉnh Đoàn, Đại tướng còn sang Khách sạn Hạ Long để nhảy valse cùng với nam nữ thanh niên Quảng Ninh. Cả Đại tướng và những cán bộ thanh niên hôm đó đều rất vui. Hai chục năm sau, năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại về thăm thanh, thiếu nhi ở Cẩm Phả. Lần nào được đón Đại tướng, quân và dân Vùng mỏ cũng vui, cứ khi Đại tướng xuất hiện là những tràng pháo tay nổi lên không dứt.
![]() |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm với thiếu nhi Cẩm Phả khi Đại tướng về thăm Quảng Ninh năm 1991. (ảnh tư liệu của ông Vũ Cẩm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) |
Trong các lần về thăm Quảng Ninh, Đại tướng đã dành thời gian để trò chuyện, tâm sự cùng ông Vũ Cẩm. Được gặp, trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần, ông Vũ Cẩm đặc biệt kính trọng, cảm phục một con người tài đức vẹn toàn như Đại tướng.
Đối với ông Phạm Ngọc Chiến (85 tuổi, ở số nhà 11, ngõ 2, phố Hải Thịnh, phường Hồng Hải, TP Hạ Long), thì sự ra đi của Đại tướng là mất mát rất lớn. Ông Chiến từ nhỏ đã phải rời quê Thái Bình lên tận Phú Thọ đi ở cho địa chủ. Làm liên lạc, vào du kích rồi trở thành Bộ đội Cụ Hồ, ông Chiến vinh dự được tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy. Ông là bộ đội đặc công thuộc Đại đội 319, Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 238, đơn vị có nhiệm vụ tham gia bảo vệ vòng ngoài và tiêu diệt các đồn bốt của quân Pháp để mở đường cho bộ đội ta tiến đánh cứ điểm Điện Biên Phủ. Đã hơn 60 năm trôi qua, nhưng ông vẫn rất nhớ những lần được đón, được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến đơn vị trò chuyện, chỉ huy. Ông Chiến kể, khi đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong làm Đại tướng (đầu năm 1948), bộ đội ở chiến khu rất tự hào về vị Đại tướng đầu tiên, người anh cả của QĐND Việt Nam. Là Đại tướng nhưng đến đâu, đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng rất bình dị, gần gũi, hết lòng thương yêu bộ đội và nhân dân. Việc Đại tướng quyết định thay đổi phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đã thể hiện rõ tình thương yêu bộ đội, tư duy quân sự thiên tài. “Đại tướng ra đi là mất mát lớn của dân tộc, của QĐND Việt Nam, đặc biệt là những người lính Điện Biên chúng tôi...” - Ông Chiến xúc động.
Cô giáo Nguyễn Vũ Thu Hà, giáo viên môn lịch sử, Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Mạo Khê, Đông Triều) cho biết, những ngày qua, trong những bài giảng về các cuộc kháng chiến chống xâm lược của đất nước ta trong thế kỷ 20, chị đã nêu bật vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các em học sinh rất chú ý lắng nghe bài giảng, sôi nổi thảo luận về thân thế, sự nghiệp, vai trò quan trọng của Đại tướng đối với các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. “Bằng sự nhạy cảm của người giáo viên dạy sử, tôi đọc được trong mắt học sinh của mình lòng kính trọng, ngưỡng mộ và tiếc thương đối với Đại tướng” - Cô giáo Hà chia sẻ.
Chị Hồ Thị Lan, Giám đốc Cung Văn hoá thiếu nhi Quảng Ninh thì thông tin và mời chúng tôi sáng chủ nhật, 13-10 đến đưa tin về các hoạt động tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Cung. Chị Hồ Thị Lan cho biết, Đại tướng đã hai lần về thăm Cung Văn hoá thiếu nhi của tỉnh. Lần đầu là tháng 5-1992, khi Cung mới được khánh thành. Đại tướng đã về trồng cây đa lưu niệm, ghi vào sổ truyền thống của Cung. Theo kế hoạch, sáng chủ nhật tới, Cung sẽ tổ chức cho học sinh các lớp năng khiếu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dọn vệ sinh và chăm sóc cây đa do Đại tướng trồng năm xưa. “Thông qua hoạt động này, chúng tôi muốn giáo dục những đức tính tốt đẹp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ”, chị Hồ Thị Lan chia sẻ.
![]() |
Thiếu nhi Quảng Ninh tặng hoa Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng về thăm Cung Văn hoá thiếu nhi Quảng Ninh, ngày 28-7-1999. (ảnh: Tư liệu của Cung Văn hoá thiếu nhi Quảng Ninh). |
15 giờ chiều qua (11-10), khi bài báo này đang được chế bản thì có một người đàn ông tìm đến toà soạn Báo Quảng Ninh. Ông cho biết tên là Nguyễn Đức Luận, cựu chiến binh ở khu 7A, phường Quang Hanh (Cẩm Phả). Ông Luận cho biết ông vừa đi xe buýt từ nhà lên đây để chuyển đến báo những dòng tâm huyết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trên tờ giấy A4, những nét chữ của ông Luận như còn chưa ráo mực: “Được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, dẫu biết rằng đó là quy luật của tạo hoá đời người mà sao tôi vẫn rất bồi hồi xúc động. Với tấm lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn, tôi xin thắp nén tâm nhang, cúi đầu lặng lẽ, hướng về thủ đô Hà Nội, bái vọng kính viếng hương hồn Đại tướng. Lời viếng: Cả nước nghiêng mình kính cẩn/ Thế giới vô hạn tiếc thương/ Sử sách lưu danh muôn thuở/ Anh hùng - Đại tướng - Vĩ nhân! Quang Hanh ngày 10-10-2013. Nguyễn Đức Luận”.
Không chỉ ông Vũ Cẩm, ông Nguyễn Văn Chiến, cô giáo Nguyễn Vũ Thu Hà, chị Hồ Thị Lan và bác Nguyễn Đức Luận mà tất cả nam, phụ, lão, ấu ở Quảng Ninh, ở Việt Nam và bạn bè quốc tế những ngày này đều rất tiếc thương cho sự ra đi của vị tướng tài và hết mực nhân văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ký ức những lần ông về Quảng Ninh từ năm 1936 trong phong trào đấu tranh dân chủ cho đến những năm sau này sẽ còn đọng mãi trong tâm trí người dân Quảng Ninh.
Đỗ Ngọc Hà
Tên người sống mãi Kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Người dạy sử thắp lên ngọn lửa Trong đêm đen đất nước lầm than Trái tim lớn sớm hướng theo cờ Đảng Người đồng hành viết sử với nhân dân
Người chỉ huy đội quân chân đất Đặt dấu son Phai Khắt, Nà Ngần Điện Biên Phủ, xuân 75 toàn thắng Đạp đầu thù dưới gót bàn chân
Vị Đại tướng không qua trường lớp Tài lược thao từ yêu nước, thương dân Vâng lệnh Bác, trăm trận trăm trận thắng Thân thương Người Anh Cả toàn quân
Người Anh Cả bao lần rơi lệ Khóc anh em, đồng chí hy sinh Người mơ một giấc mơ giản dị Về trồng dương ngăn gió cát quê mình
Giấc mơ ấy nay Người thực hiện Giữa trời mây, sóng nước Quảng Bình Cây đại thụ bóng trùm thế kỷ Lại nhẹ nhàng vào cuộc trường sinh
Ơi nước Việt mấy nghìn năm đánh giặc Trong nguy nan lại sinh những anh hùng Võ Nguyên Giáp tên Người thành huyền thoại Sống mãi cùng tên núi tên sông. 11-10-2013 Ngô Tiến Cảnh |
Ý kiến (0)