Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:10 (GMT +7)
Đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế
Thứ 6, 10/06/2022 | 08:52:25 [GMT +7] A A
Quảng Ninh được đánh giá là trung tâm sản xuất than, điện lớn nhất của cả nước. Than và điện là 2 ngành kinh tế đóng vai trò trụ cột trong sự phát triển của nền kinh tế tỉnh, tạo động lực tăng trưởng cho các ngành kinh tế khác. Để đảm bảo cung ứng than cho sản xuất điện phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tăng cường phối hợp với ngành than, điện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển ổn định, bền vững...
2 trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Thời gian qua, Quảng Ninh nằm trong tốp các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao nhất cả nước. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 9,2%; giai đoạn 2016-2020 đạt 10,7% (cao hơn so với bình quân chung cả nước). Đặc biệt, năm 2021 dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhưng với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, Quảng Ninh đã giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, thực hiện thành công mục tiêu kép. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,28%, đứng thứ 2 toàn quốc. Với tốc độ tăng trưởng cao, liên tục, an ninh năng lượng (than và điện) được coi là những trụ cột quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế của tỉnh.
Năm 2021, ngành công nghiệp đã đóng góp khoảng 5,64/10,28 điểm % GRDP với tỷ trọng chiếm 45,9% GRDP toàn tỉnh (tăng 13,12% so với năm 2020). Trong đó, 2 lĩnh vực trụ cột của tỉnh là than và điện đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra. Cụ thể, ngành khai khoáng có cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế của tỉnh (chiếm 16,9%) và đóng góp 1,58 điểm % trong tốc độ tăng GRDP.
Năm 2021, sản lượng than sạch sản xuất đạt hơn 47,8 triệu tấn, tăng 6,6% so với năm 2020. Sản lượng than tồn kho giảm từ 15,7 triệu tấn (năm 2020) xuống còn 7,4 triệu tấn (năm 2021). Đóng góp của ngành than trong thu ngân sách nội địa của tỉnh chiếm 36%.
Thực tế Quảng Ninh là địa phương có trữ lượng than lớn nhất cả nước. Theo Quyết định số 403/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, trữ lượng và tài nguyên than huy động của Quảng Ninh có khoảng 3,05 tỷ tấn. Mặc dù vậy, hiện nay hoạt động khai thác than ngày càng gặp nhiều khó khăn do diện khai thác than lộ thiên đã giảm và chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong cơ cấu ngành than theo diện. Điều này đặt ra yêu cầu tất yếu để đảm bảo hoạt động sản xuất tiếp tục được duy trì ổn định cần tập trung mở rộng hoạt động khai thác hầm lò.
Xác định được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, lâu dài, Quảng Ninh đã từng bước lập kế hoạch cùng với các đơn vị ngành than đưa ra lộ trình hợp lý để đóng cửa những mỏ than lộ thiên và chuyển hẳn sang khai thác hầm lò. Bên cạnh đó, ngành than tích cực đầu tư, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động khai thác than hầm lò.
Việc làm này không gây tác động nhiều đến phát triển kinh tế, mà mở ra phương thức mới với phương châm chuyển dịch phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, hướng tới phát triển những thành phố du lịch không còn khói, bụi. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu khai thác theo diện như trên đòi hỏi ngành than tiếp tục phải đầu tư lớn, đồng bộ mới có thể duy trì được tăng trưởng theo kế hoạch đặt ra của ngành và của tỉnh.
Đối với ngành điện, năm 2021 cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong nền kinh tế của tỉnh (chiếm 16,6%), tăng 4,84% so với năm 2020, đóng góp 0,69 điểm % trong tốc độ tăng GRDP. Theo Quy hoạch điện VII, Quảng Ninh được quy hoạch phát triển 11 nhà máy điện/tổng công suất là 10.880MW, trong đó có 9.380MW điện than và 1.500MW điện khí. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 8 nhà máy điện đang hoạt động với tổng công suất 5.643,6MW (7 nhà máy nhiệt điện than/công suất 5.640MW và 1 nhà máy thủy điện công suất 3,6MW).
Hằng năm, các nhà máy điện đã phát lên hệ thống lưới điện quốc gia từ 35-38 tỷ kWh, đóng góp cho NSNN trên 1.000 tỷ đồng và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển của đất nước.
Năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng trên 10%. Do đó, nhu cầu về năng lượng phục vụ toàn nền kinh tế trên địa bàn tỉnh có sự gia tăng lớn. Nhu cầu năng lượng tăng cao trong khi giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá than tăng cao gây khó khăn cho việc sản xuất điện. Điều này đặt ra bài toán hỗ trợ cho ngành than và ngành điện tăng cường hoạt động sản xuất tối đa công suất, đảm bảo cung cấp đủ sản lượng điện ổn định phục vụ an toàn cho phát triển KT-XH.
Cam kết không thiếu than cho sản xuất điện
Bước vào năm 2022, nhu cầu than tiêu thụ trong nước tăng rất cao, nhất là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Theo số liệu báo cáo của các nhà máy nhiệt điện, TKV, Tổng Công ty Đông Bắc, nhu cầu than cấp cho 7 nhà máy nhiệt điện than trên địa bàn tỉnh là 18,66 triệu tấn (trong đó TKV cung ứng 16,26 triệu tấn, Tổng Công ty Đông Bắc 1,7 triệu tấn và than mua ngoài là 0,7 triệu tấn). Trong khi đó, điều kiện sản xuất của các đơn vị thuộc TKV gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thiếu hụt lao động, giá một số nguyên vật liệu tăng.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, nhu cầu sản xuất than tăng mạnh, Tập đoàn đã có nhiều giải pháp thu hút nguồn nhân lực, phát động phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng khai thác và hướng đến mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nhận thức rõ tầm quan trọng của cung cấp than cho sản xuất điện để đảm bảo phát triển kinh tế của đất nước, TKV đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình và cam kết sẽ cung cấp đủ than cho sản xuất điện trong năm 2022, đặc biệt là trong những tháng cao điểm mùa nắng nóng.
Các đơn vị thành viên nâng cao tính chủ động, linh hoạt xây dựng phương án, kịch bản sản xuất, kinh doanh theo tuần, tháng và quý phù hợp tình hình thực tế, bảo đảm an toàn và hiệu quả; vận động công nhân làm thêm ca, thêm giờ, nhằm nâng cao năng suất, tăng sản lượng, phấn đấu hoàn thành và vượt từ 5-8% kế hoạch sản xuất từng tháng và hơn 25% kế hoạch của quý.
Trước những khó khăn về cung cấp than trong thời gian qua, ngày 23/4/2022, tại Quảng Ninh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và TKV đã họp trao đổi nội dung hợp tác, ký biên bản phối hợp đảm bảo cung ứng than cho sản xuất điện phục vụ cho phát triển KT-XH của đất nước. Sau khi trao đổi về tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN những tháng đầu năm 2022 và dự kiến kế hoạch cấp than cho các tháng còn lại trong năm, EVN và TKV thống nhất: TKV sẽ nỗ lực phấn đấu cấp bù lượng than chưa giao trong quý I theo khối lượng hợp đồng (tương ứng khoảng 800.000 tấn) trong các quý còn lại của năm 2022.
Dự kiến, TKV cấp bù khoảng 300.000 tấn cho các nhà máy nhiệt điện của EVN trong quý II. Tổng khối lượng than cấp trong quý II là 5,1 triệu tấn. Đối với các tháng còn lại trong năm, TKV cam kết sẽ cấp đủ sản lượng và EVN cam kết nhận đủ sản lượng được giao theo hợp đồng đã ký. Trong trường hợp có thay đổi về nhu cầu, hoặc khả năng cung cấp, 2 bên sẽ trao đổi và thống nhất.
Bên cạnh đó, EVN và TKV thống nhất phối hợp thường xuyên về việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN năm 2022; hợp tác xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình cung cấp than; trao đổi, thống nhất các nội dung liên quan và cùng báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề vượt thẩm quyền.
Mới đây, ngày 10/5, UBND tỉnh cùng TKV, EVN đã tổ chức hội nghị thảo luận về các nội dung hợp tác giữa UBND tỉnh với ngành điện, ngành than và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong khuôn khổ hội nghị, UBND tỉnh cùng với TKV và EVN đã ký kết biên bản phối hợp, trong đó thống nhất đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, đặc biệt trong những tháng cao điểm nắng nóng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Điều này tiếp tục thể hiện phương châm, cam kết của tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Phát biểu tại hội nghị hợp tác 3 bên giữa tỉnh Quảng Ninh, TKV và EVN, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Quảng Ninh cam kết luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp ngành điện và ngành than trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng triển khai đầy đủ, có hiệu quả các nội dung đã cam kết; tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi với ngành than, ngành điện, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh; chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực than và điện.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đại diện một số ngành của tỉnh đã cùng với các đơn vị của TKV và EVN trao đổi, thống nhất về định hướng, giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời, thống nhất các nội dung đề xuất, kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ, hỗ trợ cho ngành than và ngành điện, bảo đảm cung cấp đủ sản lượng điện ổn định, tin cậy và an toàn cho phát triển KT-XH, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong năm 2022, nhất là cho hoạt động sản xuất tại các KCN, KKT, CCN trên địa bàn tỉnh, ngay cả trong những đợt cao điểm nắng nóng trong năm.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()