Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:36 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn giao thông khu vực miền núi
Thứ 4, 30/11/2022 | 10:29:26 [GMT +7] A A
Địa hình phức tạp, hạ tầng chưa đồng bộ, nhận thức của người dân còn hạn chế… là những nguyên nhân khiến khu vực miền núi tiềm ẩn nguy cơ cao về mất ATGT. Các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo ATGT khu vực này.
Huyện vùng cao Ba Chẽ có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nên công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân chấp hành các quy định về ATGT luôn được địa phương quan tâm.
Từ đầu năm học, các trường tổ chức ký cam kết giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh trong việc chấp hành các quy định về ATGT khi tham gia đưa, đón con em mình, nhất là việc dừng đỗ xe ở khu vực cổng trường phải đảm bảo quy định; tuyệt đối không để tình trạng học sinh đi học bằng xe máy điện, xe mô tô khi chưa đủ độ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; quản lý, giáo dục học sinh có ý thức tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe máy điện; tự giác chấp hành các quy tắc an toàn khi tham gia giao thông trên đường; không tham gia hay cổ vũ đua xe, lạng lách, đánh võng khi tan học và vào các ngày nghỉ cuối tuần…
Công an huyện tổ chức tuyên truyền tại các trường học về Luật Giao thông đường bộ, quy tắc tham gia giao thông đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện, những lỗi vi phạm thường gặp và mức phạt quy định tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP; tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân các thôn, bản, nhất là đồng bào DTTS. Đồng thời xây dựng các văn bản chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác đảm bảo ATGT; phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; tăng cường tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ và thực hiện đúng quy trình công tác của cán bộ, chiến sĩ... Nhờ đó, tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện.
Bằng nhiều nguồn lực, huyện Đầm Hà chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn. Riêng năm 2022, huyện được bố trí vốn thực hiện 18 dự án, trong đó có một số dự án giao thông: Đường trục chính từ trung tâm huyện đến xã Quảng An; đường trục chính từ trung tâm huyện đến xã Quảng Lâm… Huyện tuyên truyền người dân hiến đất, dịch tường rào, đóng góp ngày công xây dựng các tuyến đường giao thông; ủng hộ cây xanh, cây cảnh, cây hoa trồng tại nhiều tuyến giao thông, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp...
Điển hình như tuyến đường thôn Tân Hà (xã Tân Bình) dài gần 400m được trồng cây hai bên đường, được thắp sáng, đầy đủ hệ thống biển báo giao thông, gờ giảm tốc…, đảm bảo luôn xanh - sạch - đẹp. Tuyến đường được huyện hỗ trợ vật liệu để cải tạo, mở rộng, nâng cấp, người dân thôn hiến đất, công trình trên đất, đóng góp ngày công, tổng trị giá gần 100 triệu đồng, chiếm 30% tổng giá trị tuyến đường. Các đoàn thể của thôn huy động các hộ dân trồng cây xanh, đóng góp kinh phí lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, biển báo giao thông; phân công lực lượng thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, vận hành tuyến đường. Nhờ đó, tuyến đường thôn Tân Hà từ chỗ xuống cấp, nhỏ, hẹp, giờ trở thành tuyến đường mẫu của huyện.
Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Đầm Hà hoàn thành mở rộng 4 tuyến đường trục xã, tổng chiều dài 7,8km; bê tông hóa 4 tuyến đường nội đồng dài 1,5km; làm rãnh thoát nước dài 600m; trồng mới 560 cây tùng, 400 cây hoa chuông vàng, 500 cây hoa huỳnh liên, 60 cây giáng hương, 120 cây sấu… Các tuyến đường xanh - sạch - đẹp không chỉ làm đổi thay diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, mà còn góp phần đảm bảo ATGT.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()