Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 03:40 (GMT +7)
Đảm bảo các điều kiện phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí trên Vịnh Hạ Long
Thứ 3, 10/10/2023 | 06:32:30 [GMT +7] A A
Để góp phần làm phong phú các trải nghiệm của du khách trên Vịnh Hạ Long, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, phát triển dịch vụ vui chơi, giải trí trên Vịnh. Tuy nhiên, các hoạt động này đều chưa được thực hiện bài bản, còn nhỏ lẻ do vướng mắc một số quy định pháp luật. Để từng bước tháo gỡ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2162/QĐ-UBND ngày 1/8/2023 về việc công bố mở vùng hoạt động vui chơi giải trí trên Vịnh Hạ Long, qua đó góp phần giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư và phát triển dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Hiện nay, trên Vịnh Hạ Long có các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ khách du lịch như: Dịch vụ chèo thuyền kayak, chèo đò, xuồng cao tốc, dù kéo, dù lượn... chủ yếu hoạt động vào mùa hè tại khu vực bãi tắm trên Vịnh Hạ Long. Theo thống kê của UBND TP Hạ Long, hiện tại trên Vịnh Hạ Long có khoảng trên 1.400 kayak, trong đó có khoảng 300 chiếc đang hoạt động tại một số khu vực trên Vịnh và khoảng 163 tàu lưu trú nghỉ đêm chở theo tàu để phục vụ du khách tại các điểm tham quan, điểm lưu trú. Ngoài ra, còn có 33 phương tiện xuồng cao tốc, 108 chiếc đò chèo tay và một số dịch vụ hoạt động vui chơi dưới nước khác...
Các dịch vụ này đã góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho cộng đồng địa phương, giúp du khách có thêm trải nghiệm khi tham quan Vịnh Hạ Long. Việc phát triển loại hình dịch vụ này phù hợp với chủ trương tạo ra những sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên Vịnh. Thế nhưng những loại hình này gặp một số vướng mắc về Nghị định 48/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động các phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Theo Nghị định này, các đơn vị kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước chỉ được phép hoạt động khi vùng nước đó đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thỏa thuận, công bố mở vùng nước hoạt động, tuy nhiên tỉnh Quảng Ninh chưa công bố vùng hoạt động này. Vì vậy, việc đầu tư cho các sản phẩm dịch vụ vui chơi du lịch trên Vịnh của các doanh nghiệp còn hạn chế, chất lượng dịch vụ chưa cao. Hoạt động của các loại hình dịch vụ vui chơi trên Vịnh vẫn mang tính tự phát, không có phương án đảm bảo an toàn... làm ảnh hưởng tới môi trường du lịch và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ANTT trên Vịnh.
Trước thực tế đó, để đảm bảo an toàn cho du khách và kiểm soát loại hình dịch vụ này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2162/QĐ-UBND ngày 1/8/2023 về việc công bố mở vùng hoạt động vui chơi giải trí trên Vịnh Hạ Long. Việc công bố vùng hoạt động vui chơi, giải trí trên Vịnh Hạ Long đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh dịch vụ - du lịch dưới nước như chèo thuyền kayak, đò tay... trên Vịnh từ nhiều năm nay theo Nghị định 48/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, từ 1/8/2023, tỉnh Quảng Ninh chính thức công bố 4 vùng nước đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ tại Vịnh Hạ Long do Ban Quản lý Vịnh Hạ Long quản lý, gồm: Khu vực hoạt động số 1 - khu vực hang Luồn có diện tích 5,23ha; khu vực hoạt động số 2 - khu vực Cửa Vạn, diện tích 29,56ha; khu vực hoạt động 3 - khu vực hồ Động Tiên - hang Trinh Nữ diện tích 32,55ha; khu vực hoạt động 4 - khu vực Cống Đỏ, diện tích 62,36ha.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long có trách nhiệm triển khai thực hiện phương án đảm bảo an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên Vịnh Hạ Long; thực hiện các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn và các quy định pháp luật khác có liên quan; bổ sung đầy đủ hệ thống hạ tầng phao giới hạn, khống chế khu vực theo tọa độ đã được đo vẽ, trước khi đi vào hoạt động.
Quyết định được ban hành đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên Vịnh Hạ Long. Ông Vũ Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long, cho biết: Mặc dù một số điều kiện cơ sở vật chất của chúng tôi đã xuống cấp như: Cảng bến, trang thiết bị phục vụ chèo thuyền kayak nhưng chúng tôi chưa thể đầu tư do vướng mắc về những quy định của Nghị định 48/2019/NĐ-CP. Vì vậy, ngay khi tỉnh có quyết định công bố vùng hoạt động trên Vịnh, chúng tôi đã lên bản thiết kế, trình lên thành phố và các sở, ngành để chuẩn bị đón khách. Trong tháng 10, dự kiến sẽ hoàn thiện. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền sớm phê duyệt để chúng tôi đưa cảng bến mới vào hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phụ trách Công ty TNHH MTV Nam Tùng, chia sẻ: Từ khi tỉnh Quảng Ninh công bố mở vùng hoạt động vui chơi, giải trí trên Vịnh Hạ Long đã giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phát triển sản phẩm du lịch để đưa đón, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách. Đồng thời, nâng cao trang thiết bị, đội ngũ nhân viên. Đây cũng là cơ sở pháp lý để chúng tôi căn cứ quy định vùng hoạt động, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp đội hình phục vụ khách tốt hơn.
Có thể thấy, việc xây dựng và quản lý một số dịch vụ vui chơi dưới nước trên Vịnh Hạ Long là một vấn đề cấp thiết, nhằm tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ du lịch trên Vịnh, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt, khi Quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà mới được Ủy ban Di sản thế giới UNESCO chính thức công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Đây được coi là cú huých mạnh mẽ giúp Vịnh Hạ Long thu hút đông du khách với gần 2 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm từ đầu năm đến nay.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()