Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 26/12/2024 23:31 (GMT +7)
Đảm bảo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bệnh
Thứ 4, 12/01/2022 | 11:12:44 [GMT +7] A A
Vượt qua những khó khăn, các đơn vị y tế của Quảng Ninh đã và đang nỗ lực để có thể vừa đáp ứng tốt nhất nhu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh (KCB) cho nhân dân trong mùa dịch, vừa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.
Thời gian qua, ngoài bệnh nhân Covid-19, còn rất nhiều bệnh nhân nặng khác đến KCB tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Dù đi đầu, xung phong chia lửa trong phòng, chống dịch Covid-19, nhưng bệnh viện vẫn chú trọng và bảo đảm nhân sự, chất lượng điều trị.
Mới đây, ngày 6/1, bệnh viện đã cấp cứu kịp thời một nam bệnh nhân 35 tuổi (xã Sông Khoai, TX Quảng Yên) bị tai nạn do pháo nổ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, kích thích, vết thương dập nát toàn bộ bàn tay hai bên, cẳng tay sưng nề, biến dạng, xương cẳng tay gãy lạo xạo, vết thương xây xát vùng cổ, ngực, gối phải. Vùng mặt, tóc, trán cháy xém. Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành giảm đau, hồi sức cấp cứu và nhanh chóng chuyển người bệnh đến phòng phẫu thuật. Bác sĩ CKI Trương Văn Phi, Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí), cho biết: Với chấn thương nặng như trên, chúng tôi buộc phải tiến hành cắt bỏ hai bàn tay của người bệnh, nẹp cố định xương cẳng tay và xử trí các vết thương ngoài da còn lại. Hiện người bệnh đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại bệnh viện.
Trước đó 1 tuần, các y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cũng cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân 15 tuổi (phường Thanh Sơn, TP Uông Bí) bị tai nạn do pháo nổ tự chế, với tình trạng hai mắt có nhiều dị vật kết - giác mạc, bỏng kết - giác mạc độ 1, vết thương bàn tay trái, bỏng xây xát da mặt độ 1-2.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hoạt động KCB hiện vẫn diễn ra bình thường. Tất cả người dân vào bệnh viện đều được hướng dẫn khai báo y tế, sàng lọc để đảm bảo an toàn phòng dịch. Số lượng người đến KCB tại bệnh viện trong thời gian vừa qua sụt giảm khoảng 60-70% so với những ngày chưa có dịch Covid-19. Thông thường, việc giảm lượng bệnh nhân đến bệnh viện là tín hiệu vui vì sức khỏe của người dân ổn định, tuy nhiên nếu như người dân có bệnh, nhưng vì lo ngại dịch Covid-19 mà không đến bệnh viện để khám chữa kịp thời thì là điều rất nguy hiểm.
Bệnh nhân Trần Thị Th (70 tuổi, TP Cẩm Phả), có tiền sử tăng huyết áp, nhưng do lo ngại dịch bệnh nên không tái khám đều đặn. Bệnh nhân nhập viện giờ thứ tư trong tình trạng lơ mơ, hôn mê, mất nhận thức. Qua kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chẩn đoán bị giãn não thất cấp - xuất huyết não, não thất. Kíp mổ Khoa Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống phối hợp cùng Khoa Gây mê hồi sức tiến hành dẫn lưu não thất mở dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị Navigation. Sau mổ kết hợp sử dụng thuốc tiêu sợi huyết rTPA, tình trạng chảy máu não thất dần cải thiện, bệnh nhân được rút dẫn lưu não thất sau 3 ngày. Đến nay, bệnh nhân tỉnh, ăn uống bình thường, được tập phục hồi chức năng vận động.
Giống như trường hợp của bà Th, hiện nay có nhiều trường hợp người bệnh do lo ngại dịch bệnh nên không đi khám định kỳ, hay khi cơ thể có dấu hiệu bất thường lại tự ý mua thuốc sử dụng mà không đến bệnh viện. Điều này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe, cũng như sự an toàn của người bệnh, nhất là đối tượng trẻ nhỏ, diễn biến bệnh nhanh, dễ xảy ra biến chứng, để lại hậu quả lâu dài.
Theo quy định, tất cả các đơn vị KCB trong tỉnh đều thực hiện nghiêm công tác sàng lọc, phân luồng trước khi cho bệnh nhân nhập viện. Người bệnh được đo thân nhiệt, khai báo y tế, phân luồng ngay khi đến khám và được truyền thông, nhắc nhở thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch trong quá trình KCB. Những trường hợp đến từ vùng dịch, hoặc có triệu chứng ho, sốt, khó thở… được phân luồng và khám tại khu vực khám sàng lọc bố trí tại vị trí biệt lập và được xét nghiệm nhanh Covid-19 để kịp thời xử trí khi có nguy cơ. Người bệnh nếu có chỉ định phẫu thuật, hoặc vào điều trị nội trú được xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR để đảm bảo an toàn phòng dịch. Nhân viên y tế được xét nghiệm định kỳ và quán triệt ý thức phòng dịch trong quá trình làm việc, cũng như trong sinh hoạt tại cộng đồng.
“Với các biện pháp phòng, chống dịch toàn diện, nhằm đảm bảo sự an toàn, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm ở mức cao nhất như vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm khi đến KCB tại các cơ sở y tế trong tỉnh, tránh những biến chứng hoặc bỏ lỡ cơ hội vàng trong chữa bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo, nhằm tránh để lại hậu quả lâu dài cho bản thân" - Bác sĩ Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, khẳng định.
Nguyễn Hoa
- Ngày 10/1: Quảng Ninh ghi nhận 298 ca mắc Covid-19 mới
- Mất bao lâu để mũi 3 vaccine ngừa Covid-19 có hiệu quả?
- Châu Á vật lộn với đợt bùng phát mới COVID-19 do biến thể Omicron
- Thế giới có hơn 5,5 triệu ca tử vong vì COVID-19
- TP Hạ Long: Khẩn trương thích ứng với diễn biến mới của dịch Covid-19
- Chuyên gia hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc Covid-19
Liên kết website
Ý kiến ()