Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:03 (GMT +7)
Kiểm soát chặt chất lượng nông, lâm, thủy sản
Thứ 2, 30/08/2021 | 07:00:48 [GMT +7] A A
Nhằm quản lý, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ngành nông nghiệp.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có 14 vùng trồng cây ăn quả đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thẩm định, cấp mã số vùng trồng, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, như: Vùng thanh long An Sinh, nhãn An Sinh thuộc xã An Sinh (TX Đông Triều); vùng thanh long Phương Đông, phường Phương Đông; vùng vải chín sớm Phương Nam, phường Phương Nam (TP Uông Bí)...
Là một trong những hộ dân sản xuất thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP, từ năm 2020, vườn thanh long của gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc, phường Phương Đông, được lựa chọn là một trong những hộ được cấp mã số vùng trồng do Cục Bảo vệ thực vật thẩm định, chứng nhận. Ông Ngọc chia sẻ: Trong quá trình chăm sóc cây ra quả, gia đình tôi thực hiện đầy đủ các bước về ghi sổ nhật ký thực hiện các quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; dọn vệ sinh vườn để hạn chế mầm bệnh gây hại. Đặc biệt, phải tuân thủ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép để sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn ATTP khi đến tay người tiêu dùng.
Cùng với cấp mã số vùng trồng, thời gian qua, toàn tỉnh đã tập trung phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn nhằm kiểm soát được ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 4 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn, gồm: Chuỗi thịt lợn, gạo nếp cái hoa vàng, rau, chả mực. Theo đó, các khâu trong chuỗi cung ứng thực phẩm đã được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời về cơ sở kỹ thuật cho sản xuất, chế biến, kinh doanh; giám sát chất lượng ATTP; thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc; thuê điểm, gian hàng kinh doanh... Hiện toàn tỉnh có 269 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP theo tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (SSOP), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). 8 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã cấp phát 90.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chống làm giả cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Các địa phương trong tỉnh cũng chú trọng vận động doanh nghiệp, người dân đầu tư, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đảm bảo ATTP; xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn với việc phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chủ lực có lợi thế của tỉnh. Bà Bùi Thị Thể, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 (TX Đông Triều) đơn vị sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo VSATTP, công ty đã thực hiện nghiêm ngặt mọi quy trình sản xuất. Việc ghi chép sổ theo dõi từ quy trình sản xuất đến thu hoạch sản phẩm đều được giám sát cụ thể. Hằng tháng, ngành chức năng đều thực hiện lấy mẫu giám sát 2 lần, qua kết quả giám sát, sản phẩm rau, củ, quả của công ty đều đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.
Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được quan tâm và thực hiện thường xuyên, định kỳ tại 13 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, tập trung vào nhóm sản phẩm thiết yếu và các khâu sản xuất, chế biến tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng thì tần suất và số lượng mẫu được giám sát càng cao. Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng trong tỉnh đã kiểm tra, lấy trên 600 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản để kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP, qua đánh giá có trên 550 mẫu đạt yêu cầu. Ngoài ra, các địa phương trong toàn tỉnh đã kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATTP đối với hơn 6.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, qua đó phát hiện và xử phạt kịp thời các cơ sở vi phạm. Toàn tỉnh cũng đã tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với 29.571/33.578 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp chứng nhận ATTP, đạt 88% tổng số cơ sở trong toàn tỉnh.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh việc quản lý ATTP, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các công tác thông tin, truyền thông về ATTP nông, lâm, thủy sản; giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo đảm chất lượng, ATTP; xây dựng, phát triển mô hình cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng ATTP.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()