Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:42 (GMT +7)
Một số gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế không triển khai thành công do không có nhà thầu tham dự hoặc có nhà thầu tham dự nhưng không đáp ứng điều kiện
Thứ 3, 06/09/2022 | 15:30:56 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri TX Đông Triều, đại biểu Nguyễn Chiến Thắng, tổ đại biểu TX Đông Triều chất vấn: Được biết năm 2021, ngành Y tế được cân đối trên 200 tỷ để mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cũng như chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng không triển khai thực hiện được. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế cho biết nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra tình trạng này và giải pháp của ngành trong thời gian tới?
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện trả lời:
Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát từ đầu năm 2020, với sự vào cuộc khẩn trương của toàn hệ thống y tế nhằm mục đích đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh nắm tính chủ động trong mọi hoạt động chống dịch, Sở Y tế đã chủ động: Tổ chức triển khai quán triệt thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh về công tác phòng chống dịch, về mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thuốc.
Đảng ủy Sở Y tế đã tổ chức quán triệt thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống dịch, quán triệt nghiêm các quy định, chỉ đạo của các cấp về công tác phòng chống dịch, đặc biệt lưu ý đến việc tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước về mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch.
Sở Y tế đã thành lập Tiểu ban điều trị, Tiểu ban giám sát, Tiểu ban hậu cần để thực hiện nhiệm vụ rà soát, đánh giá sự cần thiết, phù hợp về nhu cầu mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, thuốc và triển khai mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch, Tổ chuyên gia, Hội đồng thẩm định, Hội đồng mua sắm để tổ chức triển khai mua sắm. Sau khi rà soát, tổng hợp nhu cầu, Sở Y tế tiến hành công khai nhu cầu mua sắm rộng rãi trên các trang thông tin điện tử của Sở, của tỉnh Quảng Ninh, báo Đấu thầu đề các đơn vị, doanh nghiệp biết và tham gia chào hàng. Đồng thời tham khảo giá trúng thầu tại các trang công khai giá do Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định làm cơ sở xây dựng giá và báo cáo Hội đồng thẩm định giá hóa chất, vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế tỉnh Quảng Ninh (được UBND tỉnh thành lập theo Quyết định số 263/QĐ-UBND ngày 28/01/2021) đề nghị thẩm định giá sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 làm cơ sở xây dựng dự toán, báo cáo UBND tỉnh cấp kinh phí thực hiện mua sắm sinh phẩm xét nghiệm COVID-19. Trong quá trình thực hiện, gặp khó khăn vướng mắc, Sở Y tế sẽ thực hiện báo cáo Hội đồng mua sắm của Sở, báo cáo UBND tỉnh để được hướng dẫn và chỉ đạo. Đồng thời báo cáo Tổ công tác (được UBND tỉnh theo Quyết định số 316/QĐ-UBND ngày 01/02/2021); Tổ hướng dẫn giám sát hoạt động mua sắm (được Tiểu ban Tài chính hậu cần thành lập tại Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 12/9/2021) để được hướng dẫn triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định hiện hành.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh, các sở ngành liên quan, ngành Y tế đã rất khẩn trương thực hiện mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng chống dịch (năm 2021 được giao 315,4 tỷ đồng). Sở Y tế và các đơn vị y tế trực thuộc đã tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai công tác mua sắm trên các trang thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Trang thông tin của tỉnh Quảng Ninh với 146 gói thầu để các nhà cung cấp trên toàn quốc đều nắm bắt được thông tin và tham gia dự thầu.
Khối lượng thực hiện rất lớn trong khi nhân lực có hạn, vừa phải thực hiện đảm bảo công tác chuyên môn chống dịch và công tác hậu cần, không để tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất.
Kết quả thực hiện: Sở Y tế và các đơn vị đã thực hiện mua sắm thành công 60 gói thầu trang thiết bị, vật tư, hóa chất (108,744 tỷ đồng). Trong quá trình xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Sở Y tế đã tiến hành rà soát, đối chiếu và loại trừ những trang thiết bị mà đã được các doanh nghiệp, cá nhân tài trợ trong quá trình chống dịch (sau thời điểm dự trù mua sắm) và không tổ chức mua sắm với kinh phí 23,543 tỷ đồng. Trong quá trình mua sắm, Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc đã đăng tải công khai nhu cầu mua sắm, kế hoạch mua sắm trên cổng thông tin Mua sắm công, cổng thông tin của tỉnh, của Sở để nhiều nhà thầu nắm được thông tin nhằm lựa chọn được nhà thầu uy tín, có mức giá phù hợp nhất và tiết kiệm được kinh phí. Do vậy, Sở Y tế và các đơn vị y tế tiết kiệm sau đấu thầu và điều chỉnh dự toán trong quá trình đấu thầu là: 30,512 tỷ đồng (điều chỉnh giảm dự toán do cập nhật giá giảm); Kinh phí còn dư do điều chỉnh về số lượng mua sắm: 19,070 tỷ đồng (tiếp tục điều chỉnh giảm số lượng mua sắm khi nhận được tài trợ).
Số lượng gói thầu còn lại không triển khai thành công là do không có nhà thầu tham dự hoặc có nhà thầu tham dự nhưng không đáp ứng điều kiện (133,531 tỷ đồng).
Mặc dù còn số lượng lớn gói thầu không có nhà thầu tham dự nhưng với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, với sự góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, việc đảm bảo hậu cần phục vụ phòng chống dịch vẫn thực hiện tốt, không có tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất (tính riêng số trang thiết bị, vật tư được tài trợ cho chống dịch (có ghi giá thành tiền) trong cả tỉnh là 96,546 tỷ đồng) và rất nhiều các trang thiết bị, vật tư hàng hóa khác được tài trợ nhưng không ghi giá trị thành tiền).
Sở Y tế cũng đã tổ chức các cuộc đánh giá tình hình mua sắm phòng chống dịch, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan, kiểm điểm rút kinh nghiệm trong công tác mua sắm.
Nguyên nhân: Trong quá trình thực hiện thiếu cơ sở thẩm định giá, thiếu thông tin cơ sở về giá (tuy có HĐ thẩm định giá tỉnh nhưng nhiều hàng hóa là trang thiết bị y tế nhập khẩu thiếu thông tin giá nhập khẩu, thuế phí…); đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, không có nhà thầu tham dự cung cấp hàng hóa; nhà thầu tham dự nhưng không đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn cấu hình kỹ thuật thiết bị...
Giải pháp của ngành: Hiện nay, công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch nói riêng và mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ chuyên môn nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc, đặc biệt thời gian gần đây, truyền thông cũng như các cấp có thẩm quyền, các cuộc họp Quốc hội cũng đã đưa ra nhiều lần về vấn đề này. Khó khăn, vướng mắc về cả cơ chế chính sách lẫn phương thức tổ chức triển khai thực hiện. Chính phủ đang vào cuộc chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan cần có những điều chỉnh về cơ chế chính sách, trang bị những hàng lang pháp lý để quy định tổ chức thực hiện.
Sở Y tế cũng đã có những văn bản chỉ đạo, đôn đốc yêu cầu các đơn vị thường xuyên báo cáo tình trạng thuốc, vật tư, hóa chất tại các đơn vị, yêu cầu các đơn vị cần phải đảm bảo cơ sở thuốc, vật tư phục vụ công tác khám chữa bệnh. Đối với công tác phòng chống dịch, Sở Y tế cũng thường xuyên theo dõi, cập nhật, dự báo tình hình dịch bệnh để có những phương án hậu cần phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Hà Thanh (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()