Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 18:30 (GMT +7)
Đảm bảo tiến độ Báo cáo giải trình ý kiến thẩm định của ICOMOS về Hồ sơ Yên Tử
Thứ 3, 22/10/2024 | 16:19:18 [GMT +7] A A
Sáng 22/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Hồ sơ Yên Tử đã tổ chức “Hội nghị tham gia ý kiến vào Dự thảo Báo cáo, giải trình ý kiến của Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế ICOMOS về Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc”. Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Hồ sơ Yên Tử, chủ trì hội nghị. Về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Hồ sơ Yên Tử.
Trước đó, sau 3 năm chuẩn bị, Hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (gọi tắt là Hồ sơ Yên Tử) đã được đệ trình lên UNESCO vào cuối tháng 1/2024 để xét công nhận là Di sản thế giới. Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS), tổ chức tư vấn cho UNESCO về di sản thế giới, đã đánh giá hồ sơ và cử đoàn chuyên gia thẩm định thực địa tại Việt Nam vào tháng 9/2024 vừa qua.
Ngày 26/9/2024, ICOMOS đã có Tham chiếu số GB/TA/1732, đề nghị phía Việt Nam cung cấp thông tin bổ sung về 11 nội dung. Gồm: Bản đồ các di tích thành phần; các thuộc tính của Giá trị nổi bật toàn cầu; phân tích đối sánh nhằm nêu bật lý do, quy trình lựa chọn 20 di tích thành phần trong Hồ sơ để khẳng định Yên Tử là nơi khai sinh Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam; lý do vạch định những ranh giới vùng đệm 20 di tích thành phần trong mối liên quan đến vai trò của chúng với Giá trị nổi bật toàn cầu dự kiến của di sản đề cử; thông tin cụ thể hơn về Đánh giá tác động môi trường và Đánh giá tác động di sản tại di sản đề cử và vùng đệm; các mối đe dọa chính và bảo tồn; hệ thống quản lý đang hoạt động và những tài liệu quản lý được cập nhật và phê duyệt; cách các di tích thành phần được chuẩn bị để đón lượng khách tham quan tăng thêm; kế hoạch nghiên cứu khảo cổ trong thời gian tới; nguồn kinh phí đầu tư vào di sản; khái niệm và kế hoạch quan trắc, giám sát được đề cập trong hồ sơ.
Tại hội nghị, các chuyên gia từ Viện Bảo tồn di tích, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Trần Nhân Tông, Viện Nghiên cứu Tôn giáo… đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để giải trình 11 nội dung theo đề nghị của ICOMOS, bổ sung cập nhật nhiều thông tin, hình ảnh, tài liệu xác tín, có tính thuyết phục cao. Bên cạnh đó, một số nội dung cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và đơn vị tư vấn để tổng hợp, hoàn chỉnh báo cáo giải trình đúng tiến độ. Điển hình như, cần đưa ra thêm chứng cứ, tư liệu lịch sử làm rõ mối quan hệ giữa di sản vật thể và phi vật thể (giá trị tư tưởng), di sản tư liệu (mộc bản, văn bia) để nêu bật giá trị, tầm ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đối với triều đại và xã hội thời Trần cũng như lịch sử Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Hồ sơ Yên Tử, nhấn mạnh: Trong số 11 nội dung được đề nghị cung cấp thông tin bổ sung có nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, như thực trạng công tác bảo tồn, nghiên cứu sức chịu tải cho du lịch, kế hoạch phối hợp quản lý giữa các địa phương, cơ chế bảo vệ di sản… Từ nay đến thời điểm bảo vệ hồ sơ, 3 địa phương cần rà soát để có những chủ trương, hoạt động thể hiện rõ nỗ lực trong việc phối hợp bảo vệ, phát huy giá trị khu di sản, như lên kế hoạch phối hợp với đơn vị chuyên môn trong công tác khảo cổ học; phối hợp nghiên cứu về sức tải du lịch của di tích; nguồn kinh phí phục vụ bảo tồn, tôn tạo các hạng mục, công trình bị xuống cấp, duy trì hoạt động ban quản lý khu di tích; thành lập hội đồng chung quản lý khu di tích…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Hồ sơ Yên Tử, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các nhà khoa học, các đơn vị tư vấn, trong một thời gian ngắn đã kịp thời bổ sung nhiều thông tin có giá trị để góp phần hoàn thiện hồ sơ. Đồng thời, đề nghị 3 địa phương có di sản tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, các đơn vị tư vấn, hoàn thành báo cáo giải trình ngắn gọn, súc tích, có tính thuyết phục cao, đi thẳng vào trọng tâm nội dung được đề nghị giải trình, đảm bảo thời hạn ICOMOS đưa ra, muộn nhất vào ngày 8/11/2024. Cùng với đó, chuẩn bị tốt nhất cho cuộc đối thoại, giải trình riêng giữa phái đoàn Việt Nam với các thành viên Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế ICOMOS tại Paris (Pháp) vào ngày 25/11 tới.
Đỗ Hùng
Liên kết website
Ý kiến ()