Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 15:58 (GMT +7)
Đảm bảo tính khả thi của Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế
Thứ 4, 13/06/2012 | 14:40:56 [GMT +7] A A
Tại phiên thảo luận tại hội trường về Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế (CCKT), Đại biểu (ĐB) Trần Xuân Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia một số ý kiến về vấn đề này.
Trên cơ sở cho rằng, tái CCKT trong điều kiện nền kinh tế như Việt Nam hiện nay là vô cùng cấp bách, bởi điều này đã được nêu rõ tại Nghị quyết T.Ư 3 (khóa XI), ĐB Trần Xuân Hòa nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án tổng thể tái CCKT không chỉ là nhiệm vụ của riêng Chính phủ và các viện nghiên cứu chiến lược, mà còn là nhiệm vụ của các địa phương, các doanh nghiệp... Vì có như vậy mới kết hợp được giữa lý luận và thực tiễn, đảm bảo việc thực hiện Đề án có tính khả thi. Chính phủ cần xây dựng Đề án khung về tái cơ cấu, trong đó chỉ rõ những mục tiêu, định hướng; căn cứ vào đó, các địa phương, doanh nghiệp… xây dựng đề án tái CCKT cụ thể của mình với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự tham gia của các tổ chức tư vấn, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế của đất nước. Trên cơ sở các đề án thành phần này, Chính phủ xem xét, bổ sung hoàn chỉnh Đề án tổng thể.
ĐB Trần Xuân Hòa phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường. |
Về mục tiêu thứ hai của Đề án tổng thể là “Thiết lập phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương vùng miền để phát huy lợi thế của từng địa phương, từng vùng, sự hỗ trợ hiệu quả từ trung ương", ĐB Trần Xuân Hòa đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù về xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý tiền lương, tiền thưởng; miễn giảm một số sắc thuế, như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân; thời hạn và thẩm quyền giao đất, thuê đất; huy động nguồn lực đối với một số địa phương có lợi thế và là tâm điểm của vùng động lực, để tạo sức lan tỏa của hiệu quả đầu tư và phát triển đối với toàn vùng, hỗ trợ các địa phương khó khăn. Bởi, theo ĐB Trần Xuân Hòa, đây cũng là cơ hội để trải nghiệm về lý luận về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ở mục tiêu thứ ba “Cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung thông qua việc phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao”, ĐB Trần Xuân Hòa đề nghị, trong lộ trình thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước hiện nay, cần sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu để có thể tiếp nhận, chuyển giao được công nghệ tiên tiến, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 3 (khóa XI). Chính phủ cần có một ban chỉ đạo, trong đó, bên cạnh đại diện là các thành viên Chính phủ, cần có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế hàng đầu của đất nước.
ĐB Trần Xuân Hòa cho rằng trong công cuộc tái cấu trúc này, cần có sự thống nhất cao về mặt nhận thức của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, vấn đề kinh phí tái cấu trúc cũng cần được đặt ra. Ví dụ kinh phí cho giải quyết việc giải thể, sáp nhập, mua bán các doanh nghiệp và giải quyết lao động dôi dư… ĐB Trần Xuân Hòa đã nêu một số cách làm có hiệu quả, thiết thực về việc huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện nghiên cứu phát triển của Vinacomin ngay sau khi có Nghị quyết T.Ư 3 (khóa XI) và chỉ đạo của Chính phủ. Trên cơ sở đó, ĐB Trần Xuân Hòa cũng đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất hợp lý về cơ chế, chính sách cho Vinacomin.
Nguyễn Thị Huệ - Quang Minh
Liên kết website
Ý kiến ()