Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 00:57 (GMT +7)
Đầm Hà: "3 trước", "4 tại chỗ" trong phòng chống thiên tai
Thứ 3, 25/06/2024 | 08:31:48 [GMT +7] A A
Trước tình hình thời tiết được dự báo ngày càng cực đoan, công tác phòng chống thiên tai (PCTT) huyện Đầm Hà đã và đang triển khai tích cực các giải pháp với phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”.
Đập Đầm Hà Động là công trình thuỷ lợi lớn nhất huyện Đầm Hà, có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho gần 30.000 người, nước tưới cho gần 3.500ha đất canh tác trên địa bàn huyện; đồng thời ngăn lũ, góp phần cải tạo khí hậu vùng. 10 năm sau sự cố, đập Đầm Hà Động đã được kiên cố hơn; cùng với đó việc kiểm soát đảm bảo an toàn hồ đập luôn được địa phương, các ngành chức năng, đơn vị quản lý quan tâm. Lượng nước lòng hồ, lượng nước thấm qua thân đập, sự dịch chuyển của thân đập đều được đơn vị quản lý đo đạc, kiểm tra, giám sát 24/24h, nhất là thời điểm mùa mưa lũ hiện nay.
Ông Sềnh A Diểng, Trạm trưởng Trạm Thuỷ nông Đầm Hà (huyện Đầm Hà) cho biết: Đơn vị luôn đảm bảo quân số thường trực làm nhiệm vụ 24/24h. Trong thời điểm này, đơn vị bám sát các dự báo thời tiết, nắm chắc tình hình lưu lượng nước trong hồ, sẵn sàng các phương án điều tiết không những đảm bảo an toàn hồ đập, an toàn cho vùng hạ du mà còn đáp ứng yêu cầu tích nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của huyện.
Thời gian qua, huyện Đầm Hà cũng ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng cấp cải tạo các công trình thuỷ lợi, công trình dân sinh, đảm bảo an toàn cho người dân trong mưa bão. Năm 2023, từ Quỹ Phòng chống thiên tai của tỉnh, huyện đã sửa chữa, nâng cấp 32 công trình thủy lợi, tổng mức đầu tư gần 18 tỷ đồng. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn tuyến đê cấp V phục vụ phát triển kinh tế các xã vùng ven biển, huyện đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án công trình đường giao thông phát triển sản xuất các thôn Bình Hải, Cái Giá, Tân Thành, Bình Nguyên (xã Tân Bình), có chiều dài 7,236km, tổng mức đầu tư 72 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách huyện, dự kiến hoàn thành tháng 9/2025.
Từ đầu tháng 4/2024, công trình cầu Suối Mắn đi xã Quảng An được hoàn thành đưa vào sử dụng, thay thế cho ngầm tràn cũ, đã giúp người dân yên tâm hơn trong mùa mưa bão. Anh Nguyễn Văn Thành (người dân thôn Hải An, xã Quảng An, huyện Đầm Hà) cho biết: Do ngầm tràn thấp quá, nên trước kia mỗi lần mưa lũ, chỉ tầm 15 phút là nước dâng cao quá mặt ngầm cả mét. Có những lần nước lũ về nhanh, có người còn bị trôi mất phương tiện. Sau khi có cầu mới, bà con thông thương buôn bán cũng thuận lợi hơn, nhất là các thầy cô giáo vào xã dạy học, trẻ em đi học yên tâm hơn rất nhiều.
Là huyện miền núi, ven biển, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu, với mục tiêu cao nhất không để thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân, ngay từ đầu mùa mưa bão, huyện Đầm Hà đã chủ động kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; phân công chức năng, nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể cho từng thành viên ban chỉ huy; tổ chức trực ban, trực bão theo quy định. Công tác phòng chống thiên tai được quán triệt thực hiện tốt phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, thường xuyên tiến hành kiểm kê phương tiện, lực lượng, hậu cần trên địa bàn, sẵn sàng phục vụ công tác PCTT&TKCN; tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân về công tác PCTT, tránh tư tưởng đơn giản, chủ quan, xem nhẹ, thiếu cảnh giác; hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật gia cố, chằng chống nhà cửa, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, lồng bè nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền… tránh thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, nhấn mạnh: Địa phương thường xuyên bám sát tình hình dự báo thời tiết, khi xảy ra các vấn đề thời tiết cực đoan, mưa lũ, thì huyện cũng sẵn sàng các phương án tổ chức các đoàn công tác thực hiện chỉ đạo ứng phó thiên tai tại từng địa bàn theo các đặc thù cụ thể. Đối với 4 xã vùng cao, miền núi, địa phương đã xây dựng phương án di dời, đảm bảo an toàn cho 143 hộ, với 530 nhân khẩu có nhà thiếu kiên cố, nhà nằm trong khu vực bờ sông, bờ suối, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở, đến nơi an toàn trong thời gian thiên tai. Đối với 4 xã ven biển thực hiện tốt công tác kiểm kê phương tiện tàu thuyền, kịp thời cập nhật số phương tiện tàu thuyền biến động; thông tin đến phương tiện tàu thuyền và các hộ nuôi trồng thủy sản trên biển biết diễn biến bão, lũ thiên tai để có phương án chủ động phòng tránh.
Nguyễn Trang
Liên kết website
Ý kiến ()