Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:43 (GMT +7)
Đầm Hà nỗ lực thu hẹp khoảng cách vùng miền
Thứ 3, 05/10/2021 | 13:52:17 [GMT +7] A A
Huyện miền núi Đầm Hà đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực từ hạ tầng, cơ sở vật chất, đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS so với khu vực vùng thấp của huyện vẫn có những khoảng cách đáng kể. Vì thế, huyện đang tích cực thực hiện giải pháp thu hẹp chênh lệch vùng miền trên địa bàn.
Cụ thể hóa Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Đầm Hà đã tổ chức quán triệt cho đảng viên chủ chốt từ huyện đến xã, rà soát các thôn, xã thuộc đối tượng hỗ trợ, chỉ đạo xã, thị trấn xây dựng chương trình hành động.
Xác định Nghị quyết 06-NQ/TU là chìa khóa thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS, Đầm Hà đã rà soát, xây dựng, ban hành chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Huyện phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS tối thiểu bằng 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 10% so với kế hoạch tỉnh giao, 100% trường học đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, 100% thôn, bản được phủ sóng điện thoại di động và hạ tầng băng thông rộng cáp quang, 100% hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh; trên 95% người dân được phổ biến, giáo dục pháp luật. Đến hết năm 2023, toàn huyện có 100% thôn, xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM nâng cao.
Định hướng đến năm 2030, huyện phấn đấu đạt thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS tối thiểu bằng 1/2 thu nhập bình quân chung của tỉnh, duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 1,5%/năm, 100% thôn, xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Trên cơ sở đó, huyện đã đưa các giải pháp cụ thể như: Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đáp ứng yêu cầu; phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; lấy công nghiệp chế biến, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy đô thị dẫn dắt nông thôn; sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS...
Xác định nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS, thời gian tới huyện sẽ phát triển vùng chuyên canh tập trung gắn với thực hiện chương trình OCOP; mở rộng chuỗi sản phẩm gà bản, củ cải, quế... Nghiên cứu từng bước hình thành vùng trồng dược liệu có giá trị cao tại các xã Quảng Lâm, Quảng An, Quảng Tân, Dực Yên...
Bên cạnh đó, huyện sẽ khai thác có hiệu quả khu du lịch sinh thái thôn Tầm Làng, xã Quảng An, nhằm phát huy lợi thế đặc thù của vùng đồng bào DTTS, cũng như khôi phục các giá trị văn hóa bản địa vùng DTTS các xã Quảng Lâm, Quảng An, Quảng Tân. Huyện cũng triển khai đề án trồng cây ăn quả tập trung khu vực vùng đồng bào DTTS trên vườn tạp của các hộ gia đình và 100ha rừng.
Đối với cơ sở hạ tầng, huyện sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường trục chính từ thị trấn Đầm Hà đi trung tâm xã Quảng Lân và trung tâm xã Quảng An; nâng cấp ngầm tràn Quảng An đi bản Xì Mản Thìn, xã Dực Yên; ưu tiên nguồn lực đầu tư, phát triển, hoàn thiện giao thông huyết mạch, kết nối vùng thấp với miền núi, vùng khó khăn...
Ông Lê Bình Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết: Trên cơ sở nghị quyết và chương trình hành động, UBND huyện đã ban hành kế hoạch phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh lợi thế địa phương, huyện sẽ tiếp tục huy động doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; ưu tiên đầu tư các công trình cấp bách gắn với thực hiện huyện, xã, thôn đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; tập trung nguồn vốn tín dụng đáp ứng kịp thời cho các tổ chức, cá nhân... Qua đó, phấn đấu đến hết năm 2023, 100% thôn, xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM nâng cao.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()