Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 07:14 (GMT +7)
Đầm Hà: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thứ 7, 17/08/2024 | 05:40:40 [GMT +7] A A
Khai thác thế mạnh về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, tài nguyên thiên nhiên, huyện Đầm Hà đang tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.
Dự án sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính (giai đoạn 1) với diện tích 38,5ha của Công ty TNHH Thủy sản Việt Úc - Quảng Ninh là "hạt nhân" trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thủy sản của huyện Đầm Hà. Công ty đưa vào sử dụng 24 nhà sản xuất ương dưỡng ấu trùng, nhà máy xử lý nước theo công nghệ tiên tiến, phòng xét nghiệm dịch bệnh, vận hành mô hình nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao trong nhà màng… Đây là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh trong lĩnh vực thủy sản. Hiện, đơn vị cung cấp 1,4 tỷ con giống tôm mỗi năm cho địa bàn Quảng Ninh và miền Bắc.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thủy sản Việt Úc - Quảng Ninh, cho biết: Phát huy vai trò hạt nhân trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thủy sản, đơn vị đang nghiên cứu mã gen, lai tạo tôm bố mẹ, sản xuất giống tôm thẻ chân trắng mang những đặc tính ưu việt, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và khí hậu của Quảng Ninh. Cùng với đó, đơn vị phối hợp với huyện Đầm Hà tìm hiểu, tham quan, nghiên cứu sản xuất một số loại giống nhuyễn thể phù hợp với lợi thế của địa phương, phục vụ cho việc phát triển thủy sản, gia tăng giá trị ngành nông nghiệp, như: Ngán, hàu, bào ngư...
Ở lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn huyện có một số mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, điển hình: Mô hình sản xuất liên kết gà bản Đầm Hà của HTX Tuyền Hiền. Đơn vị đã đầu tư hệ thống chuồng lạnh, nhà ấp, chuồng úm... để nuôi gà bố mẹ; áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trong sản xuất giống. Hiện, HTX cung cấp ra thị trường từ 200.000-250.000 con giống gà bản Đầm Hà mỗi năm. Đồng thời, liên kết với trên 80 hộ nuôi gà bản trên địa bàn huyện để chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng hữu cơ, tạo công ăn việc làm cho lao động, cung cấp ổn định từ 200.000-250.000 con mỗi năm.
Huyện cũng đang phối hợp với đơn vị liên quan hoàn thiện đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Đầm Hà với quy mô 399,6ha, tổng mức đầu tư trên 4.071 tỷ đồng và đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa Đầm Hà, quy mô 350ha, tổng vốn đầu tư trên 3.304 tỷ đồng báo cáo, trình UBND tỉnh phê duyệt. Các đề án sau khi được phê duyệt sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, huyện tiếp tục đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao; thường xuyên nắm bắt, trao đổi tháo gỡ khó khăn, kịp thời tham mưu giải quyết những bất cập, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp đầu tư.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực mới, không chỉ đầu tư nguồn vốn vào thực hiện mà còn phải thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất mới, chuyển đổi từ nền nông nghiệp “hoá chất” sang nền nông nghiệp hiện đại. Qua đó, góp phần đưa Đầm Hà trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất giống và nuôi thương phẩm thủy sản; vùng sản xuất và chế biến nông, hải sản cung cấp cho các khu du lịch, khu kinh tế và xuất theo Nghị quyết Đại hội XXV của Đảng bộ huyện Đầm Hà đặt ra.
Ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết: Để trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện đề xuất UBND tỉnh và các sở, ngành sớm báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm cơ sở thu hút doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai chính sách hỗ trợ dự án phát triển sản xuất; tạo điều kiện thực hiện mô hình chuyển giao khoa học nhằm nhân rộng sản xuất.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()