Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:05 (GMT +7)
Đầm Hà: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại
Thứ 5, 16/03/2023 | 14:10:03 [GMT +7] A A
Theo quy hoạch chung phát triển đến năm 2025, huyện Đầm Hà phấn đấu trở thành vùng trọng điểm sản xuất, chế biến, cung cấp nông sản của tỉnh Quảng Ninh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện Đầm Hà đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Để thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Đầm Hà đã phân công các cơ quan chuyên môn phụ trách từng nội dung, nhiệm vụ liên quan và chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, cơ cấu lại sản xuất theo hướng tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh, phù hợp với quy hoạch. Với tinh thần chủ động, mạnh dạn trong đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, trên địa bàn hiện có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa theo dây chuyền hiện đại, mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Ông Hoàng Giang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà, cho biết: Mục tiêu chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xác định việc tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất là nền tảng quan trọng góp phần phát huy thế mạnh những sản phẩm nông sản của địa phương. Huyện tập trung khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Trên địa bàn huyện hiện có nhiều tập đoàn, công ty lớn, như: Tập đoàn Việt - Úc, Tập đoàn Mavin, Tập đoàn TH, Công ty CP Thực phẩm BIM, Công ty Khoa học công nghệ Lucaci, Công ty CP Funny Group JSC... đầu tư, góp phần mở rộng quy mô và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng KT-XH địa phương. Trong đó, Công ty TNHH Thủy sản Việt - Úc Quảng Ninh tiên phong đầu tư xây dựng dự án sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính. Công ty hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng 24 nhà sản xuất ương dưỡng ấu trùng, nhà máy xử lý nước theo công nghệ tiên tiến, phòng xét nghiệm dịch bệnh, lắp đặt vận hành mô hình nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao trong nhà màng và đang tiếp tục thực hiện xây dựng các nhà sản xuất giống.
Cùng với dự án sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản, góp phần đưa Đầm Hà trở thành vùng trọng điểm về sản xuất giống thủy sản công nghệ cao. Đến nay, huyện Đầm Hà có 5 HTX và 178 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng. Huyện cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản với tổng diện tích 169,5ha, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Đầm Hà trở thành vùng trọng điểm về sản xuất giống thủy sản công nghệ cao.
Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp của huyện cũng từng bước chuyển dịch một cách hiệu quả. Huyện có bước chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung. Nhiều dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao được triển khai trên địa bàn, như: Chăn nuôi lợn công nghệ cao của Tập đoàn MAVIN; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết với người dân tại huyện Đầm Hà của Tập đoàn TH… Huyện khuyến khích phát triển các HTX kiểu mới, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Đến nay, huyện Đầm Hà đã có 59 trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn (chiếm gần 50% tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện). Các trang trại, mô hình HTX phần lớn có sự liên kết với người dân, tạo chuỗi liên kết, thúc đẩy quá trình sản xuất, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Anh Đinh Văn Thắng, Giám đốc HTX Thắng Huệ (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà) chia sẻ: HTX thành lập giúp các thành viên cùng liên kết, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm cho thật hiệu quả. HTX đầu tư nhiều thiết bị hiện đại cho dịch vụ ấp trứng và sản xuất giống gia cầm trên địa bàn; ký kết được hợp đồng tiêu thụ trứng và con giống ổn định cho các trang trại trong vùng và các địa phương lân cận.
Những năm qua, huyện còn khuyến khích, định hướng người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhất là những vườn tạp, diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đến nay, huyện có 174ha cây ăn quả các loại. Nhiều hộ mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây thanh long, cam, ổi, dưa lưới... Một số doanh nghiệp trên địa bàn đã nghiên cứu, đầu tư, áp dụng tiến bộ công nghệ trong trồng cây ăn quả trên địa bàn. Điển hình: Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà, thuê hơn 5ha đất nông nghiệp tại xã Quảng Tân xây dựng trang trại trồng dưa lưới, cùng các loại rau, hoa theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Sau khi hệ thống nhà màng đầu tiên rộng 6.000m2 được lắp đặt xong, Công ty trồng thử dưa chuột, dưa lưới theo công nghệ VietGAP.
Để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, huyện Đầm Hà có hướng hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa thông qua một số kênh thương mại trong cả nước; đẩy mạnh liên kết "4 nhà" để nâng cao hiệu quả chuỗi sản xuất.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()