Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:10 (GMT +7)
Đầm Hà xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu
Thứ 7, 08/07/2023 | 14:02:10 [GMT +7] A A
Với quyết tâm xây dựng Đầm Hà trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025, hiện nay, các xã trong huyện đang tập trung thực hiện, hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Quảng An là xã vùng cao của huyện Đầm Hà, có diện tích đất tự nhiên gần 6.000ha, trong đó 90% là đất lâm nghiệp. Toàn xã có 1.438 hộ, 5.251 nhân khẩu với 8 dân tộc gồm: Kinh, Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu, Hoa, Thổ, Nùng.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng sạch đẹp, văn minh, năm 2019, ngay sau khi về đích chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã tập trung hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí còn thiếu, còn yếu, như: Phát triển sản xuất, giao thông nông thôn, giảm nghèo, môi trường...
Đến nay, xã đã thành lập mới HTX mật ong rừng Quảng An; triển khai mô hình trồng quế liên kết với Công ty Cổ phần Quế hồi Quảng Ninh; mô hình chăn nuôi gà bản Đầm Hà với HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Tuyền Huyền (huyện Đầm Hà); mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP (tại thôn Đông Thành) với năng suất 58tạ/ha; thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực quế hữu cơ của gia đình ông Lỷ A Tài (thôn Mào Sán Cáu) và đã được công nhận ORGANIC gắn với xây dựng vùng nguyên liệu... Các mô hình sản xuất trên đã tạo được điểm nhấn và sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Nhờ đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của Quảng An tăng bình quân 10%/năm. Năm 2022, thu nhập bình quân chung của xã đạt 53 triệu đồng/người; năm 2023 phấn đấu đạt 68 triệu đồng/người.
Ngoài ra, đến hết năm 2022, xã đã có 24,5km đường liên xã và đến huyện được bê tông hóa (đạt 100%); 24,5/26,03km đường liên thôn được bê tông hóa (đạt 94%); 8,08/10,7km đường ngõ, xóm được bê tông hóa (đạt 75,5%).
Ông Lê Đức Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng An, cho biết: Đến hết tháng 6/2023, xã đã đạt 15/19 tiêu chí, 68/75 chỉ tiêu theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Trong 6 tháng cuối năm 2023, xã sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu còn lại như tiêu chí và chỉ tiêu số 11 về hộ nghèo đa chiều; tiêu chí 17 về môi trường; tiêu chí 18 về chất lượng môi trường sống.
Là xã miền núi, ven biển, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công, nông, ngư nghiệp, thương mại và dịch vụ, năm 2018, xã Tân Bình đã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 72,9 triệu đồng/người/năm.
Với quyết tâm đến cuối năm 2023 sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó, lựa chọn an ninh trật tự và giáo dục để triển khai thực hiện, đến nay, xã đã lắp đặt được 18 camera an ninh tại các đường trục xã, đường thôn, ngõ xóm và các điểm công cộng kết nối với phòng trực ban của Công an xã.
Lực lượng công an xã đã tổ chức thực hiện hiệu quả các mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó mô hình “An ninh cơ sở” đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn năm 2022.
Đối với tiêu chí giáo dục, trên địa bàn xã hiện có 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia. Các trường đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tạo sự chuyển biến của giáo viên về nhận thức, hành động trong xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, giúp học sinh vui vẻ, hứng thú với các hoạt động giáo dục và phát triển tốt.
Năm 2023, huyện Đầm Hà phấn đấu đưa 2 xã Quảng Lâm và Quảng An đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; các xã Tân Bình, Đại Bình, Dực Yên, Tân Lập đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, riêng 2 xã Quảng Tân và Đầm Hà tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Lê Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đầm Hà cho biết, hiện nay xã đang tập trung xây dựng thôn thông minh với việc thành lập trang thông tin thôn, xóm, các đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin mới một cách chính xác, thuận tiện. Đồng thời hướng dẫn, khuyến khích người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh; kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng điện tử, nhất là các sản phẩm OCOP.
Ông Đặng Văn Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy Đầm Hà cho biết, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Đồng thời, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn, đô thị và kết nối các miền, trong đó quan tâm hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn, điện, nước sinh hoạt... tạo điều kiện để các xã sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2023. Đây cũng là động lực quan trọng để huyện được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()