Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 06:22 (GMT +7)
"Dân vận khéo" trong hoạt động hòa giải ở cơ sở
Thứ 7, 12/09/2020 | 14:27:59 [GMT +7] A A
Tiến hành hòa giải ở cơ sở nhằm hàn gắn, khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, không để bức xúc trong cộng đồng dân cư trở thành nguy cơ vi phạm pháp luật. Do đó, kỹ năng “dân vận khéo” luôn rất cần thiết để hoạt động hòa giải đạt hiệu quả cao, cũng là "bí quyết" thực hiện thành công nhiệm vụ của nhiều hòa giải viên.
Tiểu phẩm hòa giải mâu thuẫn ở khu dân cư của đội xã Cẩm Hải (TP Cẩm Phả) tham dự Hội thi Dân vận khéo năm 2020, tháng 9/2020. Ảnh: Thùy Dung (CTV) |
Bà Bùi Thị Phượng, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 4 (phường Yên Giang, TX Quảng Yên) tham gia công tác hòa giải nhiều năm, đã chứng kiến nhiều vụ việc lớn nhỏ xảy ra trên địa bàn. Có những mâu thuẫn trong gia đình với lý do ban đầu rất nhỏ, sau lại thành mâu thuẫn lớn; có những vụ việc nguyên do chỉ vì quan niệm sống, thói quen sinh hoạt khác biệt nhau giữa các thế hệ trong cùng gia đình; hàng xóm láng giềng có lúc lời qua tiếng lại vì những tranh chấp nhỏ mà không giữ được bình tĩnh, xảy ra xô xát...
Bà Phượng bảo: Kinh nghiệm hòa giải thành công là người cán bộ phải nỗ lực mỗi ngày rèn luyện kỹ năng "dân vận khéo", sao cho cả lời nói và hành động phải có uy tín thì người dân mới tin và nghe theo. Cụ thể là việc rèn luyện thói quen trau dồi kiến thức pháp luật, nhất là lĩnh vực về đất đai, hôn nhân gia đình; luôn tranh thủ sự giúp đỡ của những người có uy tín trong mỗi dòng họ, liên gia, cán bộ chuyên môn cấp xã để có thêm tiếng nói tham gia hỗ trợ; tích lũy kinh nghiệm sống phong phú, khéo léo trong mọi tình huống để giữ cho được hòa khí các gia đình, tình nghĩa làng xóm.
Bà Bùi Thị Phượng (bên phải) trao đổi tình hình hòa giải ở khu phố với cán bộ phường. |
Những cán bộ ở cơ sở, hòa giải viên tích cực như bà Phượng đã và đang hằng ngày giúp giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, phát sinh ngay từ cơ sở. Nhờ “dân vận khéo”, hòa giải thành mà giúp tiết kiệm đáng kể được thời gian, công sức, tiền bạc của nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp, giảm bớt gánh nặng chi tiêu từ nguồn ngân sách. Những tranh chấp, bất đồng mới phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm, góp phần củng cố khối đoàn kết từ mỗi khu dân cư, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đội ngũ hòa giải viên trong quá trình làm nhiệm vụ cũng đã tham gia rất hiệu quả vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Theo thống kê của Sở Tư pháp, toàn tỉnh hiện xây dựng được gần 1.600 tổ hòa giải với gần 9.000 hòa giải viên (mỗi tổ có từ 3-7 thành viên) phụ trách hoạt động tại các thôn, khu phố nơi cư trú. Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, hướng tới xây dựng đạt chuẩn tiếp cận pháp luật từ cấp xã; đảm bảo 100% kinh phí hoạt động cho các tổ hòa giải, chi thù lao hòa giải. Phòng tư pháp cấp huyện phụ trách kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình hoạt động hòa giải ở cơ sở để kịp thời có hỗ trợ cần thiết, lấy kết quả công tác hòa giải là cơ sở chấm điểm thi đua của các xã, phường.
Ông Phạm Như Thống, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đông, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà (bên trái) giải đáp vướng mắc chính sách pháp luật cho người dân. |
Để nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ hòa giải viên, các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo, như tổ chức thi hòa giải viên giỏi, khuyến khích trao đổi nghiệp vụ, đẩy mạnh dân vận khéo... Nhờ đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả, tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống ngày càng văn minh, thượng tôn pháp luật.
Hoàng Giang
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()