Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 18:57 (GMT +7)
Đánh thức nông nghiệp đa giá trị
Thứ 6, 27/01/2023 | 10:31:07 [GMT +7] A A
Các địa phương đang ngày càng hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng: nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh.
Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng khâu sản xuất thô chỉ chiếm 12 - 13% giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. Như vậy, hơn 80% còn lại nằm ở những khâu sau thu hoạch. Nếu khai thác được hết, Việt Nam có thể hình thành nền kinh tế nông nghiệp đủ sức tạo ra sự phát triển bền vững ngay cả trong điều kiện bất lợi hay biến động. Nông nghiệp đa giá trị là hướng đi của tương lai.
Hàng trăm gốc chè cổ thụ ở đây đã được đánh thức. Từ việc chỉ biết đến chè xanh như một thức uống thông thường, nay nhiều bà con người Mông ở Suối Giàng, tỉnh Yên Bái, đã trở thành những sứ giả cho một giá trị mới. Người tạo ra sự thay đổi này là anh Đào Đức Hiếu. Rời bỏ một công việc ở thành phố, 3 năm nay anh Hiếu đã cùng ăn cùng ở cùng làm với bà con.
Từ sự hướng dẫn của anh, lần đầu tiên đồng bào Mông biết rằng, vẫn cây trà cổ thụ trăm năm đó, nhưng cách thu hái khác nhau sẽ chế biến được thành các sản phẩm trà khác nhau, đem lại giá trị cao gấp 10 - 15 lần so với trước.
1 kg bạch trà có giá lên tới 12 triệu đồng. Trà càng để lâu càng quý, càng tăng thêm giá trị. Cũng vì thế, người Suối Giàng giờ có thể tự hào khi trà của bản đã xuất hiện trong khách sạn 5 sao, nhà hàng cao cấp, sân bay...
"Sau khi đi hơn 30 quốc gia và thấy rằng mỗi quốc gia đều có một cách làm trà đặc biệt. Trong gần 10 vùng trà cổ thụ tại Việt Nam, có lẽ Suối Giàng là nơi có đủ điều kiện nhất để có thể thay đổi con đường trà Việt", anh Đào Đức Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái, cho biết.
Khát vọng của anh Hiếu là làm sao để những đứa trẻ Mông, chủ nhân tương lai của đỉnh núi sẽ phải hiểu về trà, biết nói với thế giới về trà của bản mình. Hai năm nay, lớp học chia sẻ luôn rộn ràng.
Trà suối Giàng đã mở ra những khát vọng thay đổi cho nhiều thôn bản của Tây Bắc. 500 loài cây dược liệu, hàng trăm nông sản đặc hữu vốn tri thức bản địa là những điều hiếm có.
Tây Bắc với khát vọng trở thành trung tâm dược liệu, trung tâm sinh thái, chính là con đường để nhiều giá trị Việt được đánh thức.
Khát vọng nông dân triệu đô
Câu chuyện ở Yên Bái đã cho thấy Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thực sự đi vào cuộc sống. Các địa phương ngày càng hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng: nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh.
Hiện, tại các địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, bà con còn khai thác những giá trị gia tăng từ nông nghiệp, kết hợp văn hóa, du lịch... để tạo nên một điểm đến thu hút du khách.
Nếu trước đây, nói đến nông nghiệp, giới trẻ có vẻ ít mặn mà, nhưng nay thì khác. Nông nghiệp ngày càng có sự hấp dẫn người trẻ, họ tiếp nối các thế hệ đi trước với khát vọng trở thành nông dân triệu đô, đưa Việt Nam trở thành quốc gia lớn mạnh về nông nghiệp.
Sở hữu hơn 1.000 ha đất nông nghiệp, ông Huy (Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An) được xem là đại diện cho một thế hệ nông dân lái xe hơi thăm đồng. Bố con ông Huy đã và đang cụ thể hóa một khát vọng trở thành những nông dân triệu đô. Luôn ở trong tâm thế khởi nghiệp nông nghiệp là cách để tìm ra những hướng đi mới, những giá trị mới.
Thuận, con trai ông Huy giờ đã có thể quản trị một ngành hàng thay bố. Năng lượng của một người trẻ đang tạo ra những đột phá cả về tư duy và hành động.
"Con đường Thuận muốn tạo ra thị trường khó tính nhất, để cho anh em trong công ty va chạm cái khó nhất, khi cái dễ hơn thì hiển nhiên mình được thông qua. Mình làm cũng được 5 năm, tạo ra thương hiệu. Hy vọng mình cũng có một cái tên trên bản đồ nông nghiệp trái cây thế giới. Lúc nào cũng tự tin", ông Võ Quang Thuận, Quản lý trang trại Long An, chia sẻ.
Tự tin vì biết đó là lợi thế quốc gia. Hiểu về lợi thế sẽ biết cách làm cho lợi thế trở thành sức mạnh. Con đường nông sản năm 2023 sẽ là năm của những khát vọng vươn tầm. Một thế hệ nông dân triệu đô sẽ cùng Việt Nam cất cánh.
Đánh thức tiềm năng nông nghiệp đa giá trị, khai thác và sử dụng hiệu quả phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chế biến, hướng tới sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn bền vững, đó là kết quả của sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()