Tất cả chuyên mục

Đạo diễn Trần Vịnh đang chỉ đạo một cảnh quay phim “Huế, mùa mai đỏ” (TFS sản xuất 2013) tại Huế.
Kể lại những câu chuyện cổ tích có thật cho con cháu chúng ta xem, để chúng hiểu được cha ông đã chiến đấu như thế nào mới có được ngày hôm nay.
![]() |
Đạo diễn Trần Vịnh đang chỉ đạo một cảnh quay phim “Huế, mùa mai đỏ” (TFS sản xuất 2013) tại Huế. |
Với quan điểm này, Trần Vịnh, vị đạo diễn từng “đắm mình” trong ba cuộc chiến chống Mỹ, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, tính từ 1989, khi ông làm bộ phim đầu tiên đề tài chiến tranh “Bến nước”, tới nay, đã làm 70 phim đề tài chiến tranh, cách mạng hay ít nhiều có chuyện liên quan tới hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta…
Đề tài chiến tranh luôn là thiêng liêng, nhưng phức tạp về mặt nội dung, nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật. Tôi muốn ông trả lời rất thật, thực hiện nhiều bộ phim cùng một đề tài có khi nào khiến ông thấy cũng mệt mỏi vì có sự… lặp lại?
- Như tôi thấy, những năm gần đây phim chúng ta yếu tố giải trí quá nhiều, đôi khi bông phèng, vô bổ, phần nào đấy ảnh hưởng thị hiếu người xem. Nếu chúng ta không làm phim giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, văn hoá ứng xử, giao tiếp, thì chúng ta sẽ trả giá đắt trong một tương lai rất gần thôi...
Tôi muốn đi theo một con đường, là kể lại những câu chuyện cổ tích có thật về chiến tranh cho con cháu chúng ta xem, để chúng hiểu được cha ông đã chiến đấu như thế nào mới có được ngày hôm nay. Cần phải trân trọng sự hy sinh của những người ngã xuống vì độc lập, tự do dân tộc.
Những bộ phim chiến tranh tôi làm “đi qua” 38 tỉnh thành từ Cao Bằng xuống tới Cà Mau. Cho dù vẫn bom đạn, súng ống, bộ đội hành quân… nhưng mỗi vùng miền khác nhau, mỗi một mảnh đời, mỗi một câu chuyện đều có những cấu tứ khác nhau, mỗi phim có một cách đặt vấn đề riêng. Trận chiến ở miền Trung khác với ở miền Tây Nam Bộ, khác với phía Bắc.
Ví dụ “Nhịp xoè hoa” ở Điện Biên - về người Thái đi theo Cách Mạng; phim “Chỉ một con đường” - về người Raglei khởi nghĩa trước khi có Nghị quyết 15; phim “Ấp ba nhà”, kịch bản của Nguyễn Mạnh Tuấn về người dân trong vùng ấp chiến lược đấu tranh cách mạng; “Ninh Thạnh Lợi - Đất và lửa” - về người Khmer với người Hoa, người Việt đấu tranh giành chính quyền; “Vùng ven một thời con gái” - về đội nữ pháo binh vùng sông Bé, Bến Cát.
Gần nhất, “Huế, mùa mai đỏ” - từ tiểu thuyết của Xuân Thiều. Vùng Trị Thiên Huế là “chiến trường của tôi”, nơi nuôi tôi những năm chiến tranh, từ 1967 - 1974.
Nói về kỹ thuật, như chị biết, làm phim về chiến tranh lúc này vô cùng khó! Tôi luôn nhắc tôi rằng, khi đạo diễn làm phim chiến tranh, chỉ huy quả nổ, nếu không cẩn thận, là “cầm chìa khoá vào nhà tù”, bởi lẽ, nếu anh không cẩn thận, gây thương vong, thương tật, anh là người đầu tiên phải đền, phải đi tù. Hầu hết phim tôi làm, tôi chỉ nhờ chuyên viên buộc, đặt thuốc nổ, còn tôi là người kiểm tra, trực tiếp đánh nổ.
Để làm được phim chiến tranh hôm nay, đầu tiên tôi cảm ơn là Trường Nghệ thuật Quân đội, thứ đến là nơi tôi “đắm mình” trong cuộc chiến - Đoàn Văn công giải phóng Trị Thiên - Huế; sau nữa là Đoàn Kịch Tổng cục Chính trị…
Là một đạo diễn tự do, thường thì ông tự tìm kịch bản, hay được mời làm phim? Kịch bản phim chiến tranh như thế nào, của ai thì đủ sức gây cảm hứng cho ông, khiến ông “bứt rứt”, nhất định mình phải làm phim này?
- Ồ, con đường trở thành một đạo diễn, như chị gọi, là tự do (không thuộc biên chế đơn vị Nhà nước nào) của tôi cũng nhiều chuyện để kể: Tôi đi dạy học từ 1963. Đi bộ đội, và trải qua ba cuộc chiến tranh. Năm 1989, vẫn là “người Nhà nước”, đi làm phim, rồi tôi xin thôi việc vì “không thích ở với những người nói dối”.
Lúc đó đạo diễn Huy Thành bảo, “Cậu làm đạo diễn được đấy, tôi sẽ giúp!”. Anh Thành giúp tôi làm phim đầu tiên “Bến nước”.
Cho tới giờ, tôi thấy bằng lòng, chính vì là đạo diễn tự do mà tôi lại làm được nhiều việc. Làm đạo diễn tự do cũng có cái khó riêng - phải mày mò để thuyết phục các hãng Nhà nước “giao việc” cho mình, ví dụ với những phim ban đầu như “Trong nhà có chàng thiếu uý”, “Cố nhân”, “Hai người trở lại trung đoàn”…
Nhiều khi tôi cũng phải bỏ tiền túi ra để nhờ người viết lại kịch bản được giao đấy… Tôi không làm với các hãng tư nhân vì không thích phụ thuộc, hơn nữa, các hãng tư nhân cũng không mặn mà với phim đề tài chiến tranh.
Làm phim chiến tranh là tốn kém nhiều lắm. Bắt tay vào làm phim, tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các thủ trưởng cũ của mình, từ bên Quân đội, như Quân đoàn 4…
Có những kịch bản như “Bến đò xưa lặng lẽ” viết về Quảng Trị - tôi đọc tiểu thuyết “Đối mặt” của Xuân Đức, thấy thích quá, tới VTV, thuyết phục anh Khải Hưng làm phim; tôi lại xin thêm tiền, làm 10 tập phim. Hay khi tôi đọc truyện ngắn “Bên dòng sông Châu” của Sương Nguyệt Minh”, cũng thích quá, nhờ ngay Bành Mai Phương viết kịch bản để làm phim…
Ông có nói đến một ý là ông làm phim đề tài chiến tranh vì cảm thấy mắc nợ đồng đội cũ của mình… Ông có thể nói rõ hơn?
- Hồi tôi ở Đoàn Văn công Trị Thiên - Huế, tôi hát, ngâm thơ, múa địch (đóng vai đối phương). Văn công Quân khu không khác gì chiến sĩ.
Chúng tôi gặp những người chiến sĩ đi từ Bắc vào Nam, từ nhiều miền quê. Có những lần biểu diễn xong, hai tiếng sau, chúng tôi nghe tin, những chiến sĩ xem mình biểu diễn đã chết, bị thương… Như thằng em ruột của tôi, nó xem tôi diễn, nửa tháng sau, tôi về bệnh viện đã thấy nó băng bó đầy người.
Chiến sĩ chết trên tay chúng tôi không phải ít. Suốt đời mình, tôi không làm sao quên được anh lính tên Sang, người Hà Nội ở Văn Miếu, bị thương nặng, nhưng không muốn “phiền” đồng đội cáng mình ra Bắc… Cả đoàn chúng tôi đã hát, ngâm thơ cho một mình Sang xem. Mấy ngày sau Sang mất.
Hồi ở biên giới Tây Nam: Biểu diễn thời đó còn khó hơn biểu diễn trong thời chiến tranh chống Mỹ, vì Khmer Đỏ đánh du kích kinh khủng lắm… Chúng tôi biểu diễn ở Tây Ninh, đi ngang sân đá bóng, mỗi sáng ra, chúng tôi lại thấy sân bóng có thêm những ngôi mộ mới, toàn những người lính 17, 18, 20 tuổi, từ các tỉnh… Cho nên mình nói mắc nợ là mắc nợ những người đã nằm xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc…
Ông chắc cũng cho rằng, ở một độ lùi nhất định về thời gian có thể khiến người ta nhìn nhận, làm phim (viết sách) về chiến tranh bình tĩnh, công bằng hơn?
- Tôi muốn nhắc lại, tôi làm phim về chiến tranh là kể một câu chuyện cổ tích có thật. Và khả năng của tôi là vậy.
Ông có xem một số phim về chiến tranh do một số đạo diễn trẻ thực hiện?
- Các bạn trẻ làm phim về chiến tranh là mừng lắm rồi! Cần ủng hộ, mặc dù phim họ làm cũng có những nhược điểm nhất định… Tôi cũng có trao đổi về điều này với một số đạo diễn trẻ.
Lịch sử nói chung, hay kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nói riêng, có những câu chuyện, như tôi thấy, nhiều khi là, người kể (người trong cuộc và kể cả người ngoài cuộc), viết lại, nói lại tới đâu, chúng ta biết tới đó. Với ông, thì sao? Khi làm phim, ngoài những kinh nghiệm cá nhân, ông có gặp nhiều khó khăn khi tìm thêm tư liệu để bổ sung cho việc làm phim của mình?
- Nếu chỉ nói về chuyện các nhà làm phim Việt đã nói về ba cuộc chiến tranh đất nước chúng ta trải qua trong vòng hơn 50 năm qua, thì chúng ta chưa kể, chưa thể hiện hết đâu! Thứ nhất vì chúng ta, nói thẳng, là kém tài, thứ hai không có kinh tế, thứ ba là diễn viên không chuyển tải được; nhiều đạo diễn cũng chưa hiểu hết vấn để được…
Khi làm phim, tôi luôn cố gắng tìm hiểu, có được thông tin đủ, chính xác ở mức nhiều nhất có thể có được. Ví dụ liên quan tới phim chiến tranh thứ 70 của tôi - “Huế, mùa mai đỏ”, trước khi làm phim, cuối năm 2012, đầu năm 2013, chúng tôi tham dự hai cuộc hội thảo về trận Mậu Thân 1968 ở Huế. Việc chuẩn bị làm phim này chúng tôi thực hiện rất cẩn thận…
Thiếu tự nhiên và kém duyên, theo tôi, là hai điểm yếu của diễn viên Việt Nam khi diễn xuất. Xem một số phim chiến tranh, có những nam diễn viên được mời đóng nhân vật là bộ đội đặc công nhưng không thể giấu cái bụng “bia” của mình, hay nữ thì điệu đà quá. Việc chọn diễn viên cho phim chiến tranh, với ông, khó nhất là gì?
- Bây giờ chọn diễn viên là nam mà gầy, nữ đẹp mộc mạc, với đạo diễn, là khó đấy. Quan điểm chọn diễn viên của tôi là “Đúng mặt, đúng người”. Tôi thì không quan tâm diễn viên đóng phim tôi là “ngôi sao” hay NSND, NSƯT. Diễn viên đến với tôi, tôi tin là tôi sẽ “đưa” để vào vai được. Làm phim chiến tranh, tôi cần khuôn mặt lạ.
Hầu hết các vai chính trong phim tôi là khuôn mặt mới. Nói thật, với những khuôn mặt lạ, những ngày đầu, như… đánh vật, thị phạm cho họ từng bước đi, cách nói. Nhưng khi họ mở được chìa khoá vào nhân vật rồi, thì dễ hơn.
Nhưng, về công việc diễn viên, cái đáng lo hơn về mặt hình thể là tìm được diễn viên có nghề, khó lắm. Cái này xin báo động với Nhà nước: Không phải diễn viên thiếu đâu, nhưng văn hoá đọc của họ quá kém. Họ không đọc sách, họ không hiểu, biết nhiều thứ.
Mình nói một điển tích, hỏi một câu ca dao, họ không biết. Chưa kể thêm, rằng có những chuyên viên đạo cụ, tuổi 30 rồi, kiến thức về lịch sử cũng kém, ví dụ chả biết lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam trông như thế nào… Báo động đỏ về trình độ hiểu biết của diễn viên hiện nay!
Ngoài ra, với những phim Việt có đông nhân vật, như tôi thấy, việc quản lý nhân vật, từ trong khâu kịch bản tới trên hiện trường, trong phim cũng là điểm yếu.
Các tuyến nhân vật hay bị rối. Làm được một bộ phim (nhựa hay truyền hình) tâm lý xã hội có thể chỉ có hai nhân vật, nhưng làm cho hay, cảm động khán giả, theo tôi, khó khăn cũng chả kém làm một bộ phim hoành tráng với nhiều diễn viên.
Nhưng với sự hiểu biết của tôi, tôi thấy những đạo diễn làm việc với nhiều diễn viên, ngoại cảnh rộng lớn thì có phần “oách” hơn những đạo diễn “sa lông”, làm phim quanh quẩn trong nội cảnh vài ba căn biệt thự của nhà giàu...
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm làm phim có sự tham gia của nhiều người?
- Làm phim chiến tranh vất vả đủ điều, tôi chả dám “khoe” ra. Tài mình có hạn, lấy “cần cù, bù thông minh”. Phải chịu khó thôi. Tôi là đạo diễn khi ra trường quay không bao giờ cầm kịch bản.
Có những diễn viên mặt xinh, nhưng diễn chưa tốt được thì phải biết tìm cách “chữa” diễn viên. Những cảnh lớn, như cảnh 800 người hành quân, tôi có thể điều khiển trong 2 giờ đồng hồ vì là chuẩn bị, tính toán mọi việc từ trước rất cẩn thận…
Trò chuyện với ông, tôi nghe ông kể thật nhiều câu chuyện hay trong chiến tranh mà ông đã thấy, trải qua. Liệu sắp tới, ông có viết cho chính mình một kịch bản phim và làm phim? Ông có thể nói cho bạn đọc biết những dự tính cho năm mới?
- Ước mơ hiện nay của tôi là làm 200 tập phim chiến tranh nữa, từ đấy cho tới 5 năm nữa. Hiện, chúng tôi đang tổ chức một số công việc, như một bộ phim 40 tập mang tên “Dậy sóng Sông Hương” về chuyện 1946, 5.000 quân Pháp đánh Huế, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, khi đó là Bí thư Tỉnh uỷ.
Một phim nữa là tôi đặt một nhóm tác giả viết phim “Danh tướng và thi nhân”, 30 tập, phải chuẩn bị tài liệu nhiều lắm. Tiếp theo “Huế, mùa mai đỏ”, sẽ làm phần hai, về thời gian từ sau trận Mậu Thân 1968 đến 1975 - giai đoạn này là giai đoạn khốc liệt của Huế, thời gian này tôi có ở Huế.
Tôi đã mời nhà văn Chu Lai và Hà Minh Tuấn viết kịch bản. Ít nhất phim này cũng phải 20 - 25 tập. Khoảng 9.2014 xong kịch bản, phim làm trong 2015 và chiếu vào 12.2015. Tôi còn một dự án nữa ở miền Tây…
- Cảm ơn và chúc những dự án của ông thành công!
Theo Lao động
Ý kiến (0)