Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:26 (GMT +7)
Doanh nhân Đào Hồng Tuyển - Một tấm lòng
Thứ 7, 05/06/2021 | 22:09:29 [GMT +7] A A
Người dân Quảng Ninh và cả nước đang xôn xao, ấn tượng câu chuyện ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu, hiến tặng 210 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ phát động thành lập.
Dich bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam, đe dọa sự bình yên của dân tộc. Tấm lòng đầy trách nhiệm thể hiện bằng hành động cụ thể của ông Đào Hồng Tuyển là vô cùng quý báu, đáng trân trọng!
Ông Đào Hồng Tuyển là người con của Quảng Ninh, vùng đất đang có nhiều đột phá phát triển. Số tiền rất lớn mà ông ủng hộ, chung tay cùng cả nước chống dịch bệnh khiến cho người Quảng Ninh cũng thấy tự hào.
Ông Tuyển đã để lại nhiều câu chuyện khá cảm động về sự sẻ chia cùng quê hương Quảng Ninh, cùng người dân cả nước lúc hoạn nạn khó khăn, nhất là sẵn lòng ủng hộ chung tay cùng cả nước chống dịch.
Rất may mắn, sau cuộc điện thoại của tôi ông Đào Hồng Tuyển đã nhận lời gặp. Ông Tuyển tiếp tôi ngay trong khuôn viên sân golf 18 lỗ, một trong những hạng mục sản phẩm mới của Tập đoàn Tuần Châu vừa được hoàn thiện, với số vốn đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng.
Ông Tuyển – một người đàn ông mạnh mẽ, rắn rỏi, nhiệt huyết, tình cảm và có tính hài hước, đậm phong cách người Quảng Ninh.
Tập đoàn của ông Đào Hồng Tuyển đang phát triển mạnh khu du lịch đảo Tuần Châu, nằm ở trung tâm của Vịnh Hạ Long - một di sản thế giới. Công ty Âu Lạc, một trong hàng chục công ty con rải khắp đất nước của Tập đoàn Tuần Châu, đã dùng ngân sách của mình để xây dựng con đường 2,5 km nối liền đảo và bờ biển thành phố Hạ Long. Mặt đường được thảm nhựa bằng phẳng để người dân có thể đến thăm đảo bằng ô tô. Đã hàng chục năm nay, khu du lịch với nhiều sản phẩm cao cấp, mới lạ có sức thu hút mạnh mẽ du khách trong nước và quốc tế.
Đảo Tuần Châu đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên khá vắng du khách. Toàn đảo mùa này được phủ một màu xanh mát mắt của rừng dừa, cây cảnh xen giữa các công trình hạ tầng, khách sạn sang trọng. Hàng tốp công nhân đang hối hả tranh thủ thi công nâng cấp, hoàn thiện các hạ tầng, sẵn sàng đón du khách khi dịch bệnh được khống chế. Trên đảo có các loại phòng khách sạn từ 3-5 sao, cùng hạ tầng đẳng cấp như: Câu lạc bộ Cá heo – Hải cẩu – Sư tử biển, Sân khấu biểu diễn thực cảnh, các trò chơi trong nhà và ngoài trời, Công viên Điêu khắc (Công viên King Kong), phòng hội nghị hội thảo, nhà hàng, bãi tắm nhân tạo, thủy phi cơ, trực thăng ngoạn vịnh Hạ Long từ trên cao, bến du thuyền, du thuyền và tàu nhà hàng 5 sao, phà Tuần Châu – Cát Bà, tàu cao tốc Tuần Châu – Cô Tô... Đặc biệt, Sân golf 18 lỗ hiện đại nhất khu vực phía Bắc khoe những thảm cỏ mượt như nhung uốn lượn vòng quanh phía Bắc đảo.
Qua câu chuyện với ông Tuyển, tôi được biết, năm 14 tuổi, khi đất nước đang trong giai đoạn chiến tranh, ông Tuyển đã đăng ký tham gia vào hải quân. Ông làm thuyền viên trên đoàn tàu không số, vận chuyển vũ khí, đạn dược và hàng hóa tiếp tế cho chiến trường Miền Nam - tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển - đối diện với nhiều hiểm nguy. Trước khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, ông Tuyển đã nhiều lần theo tàu chở vũ khí, hàng hóa tiếp tế cho chiến trường Miền Nam, bí mật xuất phát từ vịnh Hạ Long đến mũi Cà Mau rồi quay về Đà Nẵng, vượt qua sự kiểm soát của quân đội Mỹ và ngụy.
Chiến tranh kết thúc khi ông Tuyển mới 17 tuổi, ông vào làm trong một nhà máy chế biến sắt vụn. Trong thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh, Việt Nam rất thiếu sắt thép nên những sản phẩm sắt thép được tái chế từ sắt vụn bán rất chạy. Ông Tuyển khi đó đã phát huy tài năng kinh doanh của mình để trở thành một người giàu có, rồi bắt tay vào những công việc có ích cho đất nước và xã hội.
Với tầm nhìn xa, ông đã đầu tư vào bất động sản, phát triển khu du lịch, xây dựng khu đô thị mới, sản xuất hàng may mặc và khai thác các kim loại quý. Hơn 40 tuổi, ông Tuyển đã có trong tay một gia sản khổng lồ và trở thành một trong một số ít những người giàu có của Việt Nam. Và có một điều người ta thường hay nói về ông, đó chính là một nhà hoạt động xã hội có nhiều hoạt động ủng hộ từ thiện với số tiền lớn.
Trong nhiều câu chuyện trải lòng mình, ông Đào Hồng Tuyển nhắc tới lần hỗ trợ nhân dân Nhật Bản 1 triệu USD, con số ủng hộ lớn của một cá nhân tại Việt Nam, chắc chắn gây ấn tượng với rất nhiều người. Ông Tuyển cho biết, ông nghe được tin về thảm họa sóng thần ngày 11/3/2011 ở Nhật lúc ô tô của ông đang chạy trên cầu Bãi Cháy. Ngay lập tức ông nhớ ra đây là cây cầu được xây dựng bằng vốn ODA của Nhật Bản. Bên tay phải là Cung văn hóa Việt Nhật, bên trái là cảng nước sâu Cái Lân, đều là những công trình hiện hữu tình cảm của chính phủ và nhân dân Nhật Bản với Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng.
Ông Tuyển cho rằng, Nhật Bản chính là nước đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Việt Nam, trong đó có Quảng Ninh quê ông. Từ trong tâm, ông đã nghĩ cần phải làm gì đó để hỗ trợ và cũng là để trả ơn cho họ. Ngay lập tức, ông liên hệ với Hội Hữu nghị Việt - Nhật và đề nghị được quyên góp 1 triệu USD vào tài khoản của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản. Với ông, làm như vậy là vì tình cảm từ chính trái tim mình, ông không thích bị đàm tiếu là sử dụng hành động thiện nguyện để đánh bóng tên tuổi. “So với những gì Nhật Bản đã hỗ trợ cho Việt Nam thì 1 triệu đô la chỉ là một số tiền ít ỏi”, ông Tuyển nhấn mạnh.
Thời điểm đó, trên các kênh truyền thông toàn cầu có hình ảnh một thiếu niên Nhật Bản mất hết người thân bởi thảm họa sóng thần, cậu bé Alzawa Toshihito. Trong đoàn người xếp hàng nhận đồ ăn cứu trợ, một nhân viên cảnh sát đã ưu tiên cho em nhận đồ ăn trước. Cậu bé bặm môi cúi đầu cảm ơn và để lại gói đồ ăn, quay về hàng vào vị trí chờ đến lượt mình mới nhận. Sự giáo dục và hy sinh mất mát của cậu bé đã chạm mạnh tới cảm xúc của người cựu binh tàu không số.
Ông Tuyển đã thông qua Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt – Nhật hỗ trợ Alzawa Toshihito 50.000 USD. Trong thư gửi ông Đào Hồng Tuyển, cậu bé viết: “Chào Bác Đào Hồng Tuyển. Cháu là Alzawa Toshihito. Cháu đã nhận được 50.000 USD của bác. Cháu cảm ơn bác rất nhiều. Trong trận động đất phía Đông biển Thái Bình Dương của Nhật Bản, cháu rất đau buồn vì đã bị mất bố, mẹ và chị gái. Nhờ có sự động viên của bác và mọi người trên thế giới, cháu đã bớt cảm giác cô đơn…”
Mới đây, thông qua Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt - Nhật, thông qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ông Tuyển đề nghị được nhận làm cha đỡ đầu, nuôi và mong muốn đón cậu bé Alzawa Toshihito tới học đại học tại Việt Nam để có thể trở thành đại sứ hữu nghị giữa hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản.
Giáo sư Tsuboi, cố vấn cao cấp của tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA đã chia sẻ trên báo điện tử Zingnew.vn: “ Nghe những lời kể chân tình của Chủ tịch Đào Hồng Tuyển, tôi đã hiểu được hành động quyên góp cho nạn nhân động đất, sóng thần ngày 11/3, cũng như những hoạt động từ thiện ông đã làm trong và ngoài nước từ trước đến nay, đều là hành động xuất phát từ thiện tâm muốn được giúp đỡ những người nghèo khó. Đồng thời, tôi cũng rất vui khi biết được người dân Việt Nam đánh giá rất cao những đóng góp của Nhật Bản thông qua những hoạt động hỗ trợ ODA của JICA. Nhìn thấy cách sống của Chủ tịch Đào Hồng Tuyển, tôi đã hiểu ra rằng, nếu ta làm việc với thành ý thì ở đâu cũng sẽ có người hiểu cho chúng ta. Nghĩ đến đây, tôi cảm thấy lòng mình ấm áp hơn rất nhiều...”.
Ông Đào Hồng Tuyển chia sẻ niềm tự hào mình là người lính trải qua và chứng kiến 3 cuộc chiến tranh, đó là cuộc kháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau bao hy sinh của những người lính và đồng bào, ông may mắn là người sống sót, được hưởng thành quả hòa bình vô giá và trở thành doanh nhân thành đạt. Qua những sinh tử, trong người lính nơi ông luôn chứa đầy trắc ẩn. Ông luôn thấu hiểu nỗi khổ của cuộc sống nghèo khó. Trái tim nhân hậu nơi ông luôn mang tâm nguyện được cùng chia sẻ khó khăn với những người có hoàn cảnh éo le, yếu thế trong cuộc sống.
Hòa cùng sự phát triển của đất nước, của quê hương trong công cuộc đổi mới, ông Đào Hồng Tuyển cũng ngày càng thành đạt trong sự nghiệp kinh doanh. Ông luôn đi đầu trong các phong trào quyên góp, ủng hộ từ thiện, nhân đạo do Trung ương và địa phương phát động; trở thành nhân tố khơi dậy phong trào doanh nghiệp, doanh nhân từ Bắc đến Nam làm từ thiện, giúp đỡ xã hội và cộng đồng.
Điều này được chứng minh qua các sự kiện như: Ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Bà mẹ Lào anh hùng, Quỹ ủng hộ đồng bào lũ lụt, Quỹ chất độc màu da cam, Quỹ khuyến học, Quỹ tài năng trẻ, Quỹ học bổng cho trường PTTH chuyên Hạ Long Quảng Ninh và cho các sinh viên phường Tuần Châu đang theo học tại các trường đại học..., xây nhà tình nghĩa cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng hàng ngàn căn nhà cho người nghèo và đồng bào lũ lụt (riêng huyện Tiên Yên – Quảng Ninh là 3.000 căn nhà). Ông còn tài trợ các chương trình văn hoá, văn nghệ, thể thao; đón rất nhiều người ăn, ở miễn phí tại Tuần Châu sau trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh, bán đấu giá chiếc siêu xe Rolls Royce lấy tiền hỗ trợ hàng ngàn suất học bổng cho học sinh nghèo bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Ngoài ra, năm qua, ông đã ủng hộ kinh phí xây dựng 40 căn nhà tặng gia đình thương binh, liệt sỹ cao điểm tại Vị Xuyên-Hà Giang, ủng hộ hàng chục tỷ đồng xây dựng trường học ở Bến Tre, xây trường học tại Điện Bàn, Quảng Nam (quê hương anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và nơi có nhiều Bà mẹ Việt nam anh hùng nhất), ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung bị lũ lụt với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Trong câu chuyện về việc ủng hộ 210 tỷ đồng vào Quỹ vắc xin phòng, chống dich Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ phát động thành lập, ông Đào Hồng Tuyển trầm ngâm: “Nhiều người mới giàu ở ta thường có xu hướng dùng tiền để tiêu dùng xa xỉ cho bản thân và gia đình mình. Có người sau khi làm từ thiện còn tính toán đánh bóng bản thân, suy hơn suy thiệt. Còn tôi, tôi làm vì cảm giác của lòng trắc ẩn. Tôi tự thấy mình có nghĩa vụ phải sẻ chia với đồng bào, nhân dân mình. Tôi sẽ tiếp tục hành động và hy vọng những gì tốt đẹp sẽ lan tỏa, góp ích cho xã hội…”
Trong 210 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống dịch Covid-19, ông Tuyển đề nghị Thủ tướng được ủng hộ 40 tỉ đồng cho người dân Quảng Ninh quê hương mình chung tay chống dịch, được Thủ tướng hoan nghênh. Ông thấy hạnh phúc bởi ngoài tình cảm chung với đất nước, những việc ông làm luôn hướng về quê hương thân yêu.
Trả lời cho câu hỏi ông mong muốn điều gì nhất vào lúc này, ông Tuyển mong và tin tưởng chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh trong thời gian ngắn. Quảng Ninh và đất nước nhất định sẽ phát triển nhanh, vững chắc! Tuần Châu trong chiến lược đầu tư của ông sẽ trở thành một Trung tâm du lịch quốc tế thông minh trong sự phát triển chung.
Ngọc Trâm
Liên kết website
Ý kiến ()