Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 04:57 (GMT +7)
Đào tạo lái xe khốn khổ vì chính sách bất cập
Thứ 7, 15/04/2023 | 13:27:58 [GMT +7] A A
Một giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ cuối tháng trước đã bị Công an tỉnh Hòa Bình bắt giữ với cáo buộc cho phép tuyển giáo viên để đào tạo lái xe, nhưng không giảng dạy và đứng tên trên hồ sơ, tài liệu.
Hàng loạt quy định bất cập
Ngày 22/4/2022 Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 04/2022/TT-BGTVT về đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Trong Thông tư 04, phần lý thuyết lái xe có 5 môn học, trong đó môn cấu tạo và sửa chữa thông thường với thời lượng học 18 giờ, giống như trò “cưỡi ngựa xem hoa” không mang lại hiệu quả thực chất; còn môn nghiệp vụ vận tải có nhiều nội dung trùng với môn Luật Giao thông đường bộ; môn đạo đức văn hóa giao thông có quá nhiều nội dung trùng với môn Pháp luật giao thông; môn xử lý tình huống giao thông trên clip mô phỏng, thì học viên hoàn toàn bị áp đặt theo cách xử lý của người viết phần mềm…
Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, Thông tư 04 “bất cập, gây khó khăn vướng mắc” và mang lại nhiều rủi ro cả cho công tác quản lý lẫn đào tạo và sát hạch lái xe.
Ví dụ, quy định dạy lý thuyết theo kiểu truyền thống, học viên phải tập trung đến lớp, điểm danh; mọi việc dạy học, truyền đạt kiến thức đều phải diễn ra trên lớp học với 8 giờ mỗi ngày và kéo dài trong 21 ngày, không còn phù hợp với đại đa số người đi học (chủ yếu là công chức, viên chức, người lao động....) và đi ngược lại xu thế của thời đại công nghệ.
Về phần thực hành, quy định thời gian tập lái của 1 học viên là 84 giờ đối với hạng B1 và B2, trong đó có 41 giờ thực hành trong sân tập lái (tương ứng với 290 km, trung bình 7 km/h) và 40 giờ thực hành trên đường giao thông (tương ứng với 810 km, trung bình 20,2 km/h). Quy định này rất bất hợp lý, không phù hợp với thực tế. Trên thực tế tại các sân tập trung bình học viên chỉ có thể đi được 3,5 km/h, còn trên đường giao thông học viên trung bình đi được 35 km/h.
Có những quy định làm khó chính các cơ sở đào tạo. Chẳng hạn bắt buộc phải lắp đặt và thực hành trên ca bin tập lái, khiến các cơ sở đào tạo phải đầu tư một khoản kinh phí khá lớn và chỉ phù hợp với giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới không áp dụng cách thức đào tạo này vì thực hành trên đường là tối ưu và thực tiễn hơn nhiều. Quy định mỗi xe tập lái phải có đủ 5 học viên do 1 giáo viên quản lý, rồi 1 giáo viên chỉ được đăng ký theo dạy 1 khóa thực hành… khiến cho các cơ sở đào tạo rơi vào thế lúng túng, bị động.
Thông tư 04 sau khi ban hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, khó tuân thủ, làm ảnh hưởng đến công tác đào tạo lái xe, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo và học viên, gây lãng phí nguồn lực, thời gian của xã hội.
Với người dân, khi thấy quy định quá khó, nhiều người đã từ bỏ ý định học lái xe, trong khi một số cơ sở đào tạo lại “chế biến” các biểu mẫu, kế hoạch đào tạo, bố trí giáo viên…để duy trì hoạt động, tức là vi phạm quy định.
Lo ngại các cơ sở đào tạo không thực hiện nghiêm các quy định, Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải phải giám sát, kiểm tra chặt chẽ với các cơ sở đào tạo lái xe.
Làm chính sách từ “phòng máy lạnh”?
Qua tham khảo quy định học lái xe tại 1 số quốc gia phát triển cho thấy, cơ quan quản lý không can thiệp quá sâu vào hoạt động đào tạo như của ta.
Tại tiểu bang Massachusets (Hoa Kỳ), muốn thi lấy giấy phép lái xe cần 30 giờ học luật giao thông, 16 giờ thực hành trên xe. Họ không bắt buộc người dân phải hoàn thành khóa học đào tạo tại trường, có thể tự học luật tại nhà và nhờ bạn bè hướng dẫn thực hành lái xe rồi đi thi.
Tại CHLB Đức, với lái xe hạng B, mỗi học viên cần học 14 tiết đôi (mỗi tiết 90 phút), tương đương với 23 giờ về luật giao thông trên đường và 12 tiết đơn (mỗi tiết 45 phút) thực hành trên xe, bao gồm lái xe trên phố, trên cao tốc, lái ban đêm, tổng cộng là 9 giờ.
Tại Nhật Bản, học lái xe chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 học 10 giờ lý thuyết và 15 giờ đào tạo kỹ thuật, sau đó thi lấy giấy phép lái xe tạm thời. Giai đoạn 2 học 16 giờ lý thuyết và 19 giờ đào tạo kỹ thuật sau đó thi tốt nghiệp. Tốt nghiệp rồi 1 năm sau mới được nhận giấy phép lái xe.
Qua những ví dụ trên có thể thấy, ở những quốc gia phát triển, cơ quan quản lý không quản chặt quá trình đào tạo mà chỉ quản chặt đầu ra là khâu thi lấy giấy phép lái xe, với những tiêu chuẩn khắt khe, không đạt thì không thể vượt qua.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam nhìn nhận, đào tạo lái xe tại Việt Nam chỉ cần quản lý chặt đầu vào, đầu ra, chứ không cần giám sát quá trình học, không cần can thiệp quá sâu vào hoạt động đào tạo như hiện nay.
Thông tư 04 ra đời mới được 1 năm, trong đó có những quy định chỉ mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, nhưng hiện Bộ Giao thông Vận tải đang xem xét, để sửa đổi.
Bất cập văn bản mang tên Thông tư
Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thông tư là văn bản quy phạm pháp luật do cấp bộ ban hành. Quy trình ban hành thông tư chủ yếu thực hiện giữa các đơn vị chuyên môn của cấp bộ. Mặc dù trong quá trình soạn thảo, các bộ phải lấy ý kiến đối với đối tượng chịu tác động và có giải trình tiếp thu, nhưng ban soạn thảo, đơn vị thẩm định, người có thẩm quyền ký ban hành đều là của bộ. Nếu so với quy trình ban hành nghị định, luật, pháp lệnh thì mức độ kiểm soát về chất lượng và tính minh bạch trong quy trình ban hành thông tư sẽ hạn chế hơn.
Có nhiều thông tư từ quy trình xây dựng, đến ban hành chưa thực sự minh bạch. Các bộ phần lớn chỉ lấy ý kiến một phiên bản dự thảo, đơn vị góp ý không biết được việc sửa đổi, tiếp thu của bộ như thế nào cho đến khi ban hành. Việc đánh giá tác động quy định tại thông tư chưa thực hiện một cách kĩ càng và có chất lượng.
Trong khi đó, thông tư lại có tính chất cầu nối, chuyển tải quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định vào thực tiễn. Quy định tại thông tư gặp “vướng” sẽ làm “ách” cả quá trình đầu tư kinh doanh, khiến cho tinh thần tiến bộ, tích cực, cải cách thể hiện trong các văn bản cấp trên không được hiện thực hóa vào đời sống kinh tế.
Việc không gắn trách nhiệm của cơ quan ban hành, khiến cho chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật không được chú trọng. Cần phải có cơ chế để xác định trách nhiệm của các cơ quan ban hành văn bản chất lượng kém, gây ảnh hưởng tới xã hội.
Vụ việc bắt giữ ông giám đốc diễn ra ngay sau vụ án đăng kiểm là một bài học rất sâu sắc. Tinh thần cầu thị sửa ngay Thông tư 04 lầy này sau khi sửa đổi Thông tư về đăng kiểm là một bài học rất quý giá trong việc soạn thảo thông tư để trao lại quyền cho người dân và tránh được hậu quả không đáng có.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()