Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 08:08 (GMT +7)
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Chìa khóa thoát nghèo
Thứ 4, 04/03/2020 | 13:28:56 [GMT +7] A A
Triển khai tốt công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng, góp phần hỗ trợ người dân thoát nghèo, nâng cao mức thu nhập, đặc biệt là tại những địa phương vùng khó khăn, dân tộc thiểu số.
Học viên lớp Nghề kỹ thuật chế biến món ăn (năm 2019) do Phân hiệu đào tạo Móng Cái của Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức. |
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã và đang được UBND tỉnh quan tâm thực hiện thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009, về phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Sở LĐ-TB&XH là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, để đẩy mạnh tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó gắn việc rà soát, xác định danh mục nghề đào tạo với làm tốt công tác định hướng, tư vấn cho người lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề, tham gia học nghề và giải quyết việc làm sau quá trình đào tạo.
Thực tế triển khai cho thấy, các ngành nghề đưa vào đào tạo rất đa dạng, bám sát nhu cầu với từng địa phương, vùng miền trong tỉnh. Bao gồm các lĩnh vực như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản; trồng rừng; sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cơ khí... Từ đó nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thiết thực của người dân, phát huy tốt lợi thế tự nhiên của từng vùng miền, để mở ra nhiều hướng đi mới cho bà con. Kết quả những năm qua, nhiều lao động được hỗ trợ, định hướng đúng đắn đã phát triển rất tốt nghề được học, có việc làm ổn định với thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.
Nhiều công nhân tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (KCN Cảng biển Hải Hà) được tuyển dụng theo hình thức vừa học, vừa làm ngay tại đơn vị. |
Tại huyện Hải Hà, đối với nhóm các đối tượng có điều kiện phát triển nông nghiệp, chủ trương của huyện là tập trung đào tạo nghề gắn với ứng dụng các khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Cùng với đó, định hướng cơ cấu kinh tế của Hải Hà là chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Do đó, huyện cũng quan tâm nâng cao số lượng, chất lượng các đợt đào tạo các nghề phi nông nghiệp (nấu ăn, dịch vụ ăn uống, lái xe, kỹ thuật điện...); áp dụng các chính sách khuyến khích lao động nộp hồ sơ làm việc tại khu công nghiệp khi doanh nghiệp tổ chức tuyển dụng.
Còn tại huyện Ba Chẽ, xác định rõ lợi thế của địa phương là đất rừng lớn, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển trồng rừng và các loài dược liệu quý, huyện tập trung khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ bà con nắm bắt ưu thế này để làm giàu, đi lên từ rừng. Đặc biệt là định hướng cho người lao động thay đổi thói quen lao động nhỏ lẻ, sản xuất mạnh mún, chuyển sang mạnh dạn đầu tư để mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn, nâng cao mức thu nhập rõ rệt. Một cách làm khác của huyện là định hướng nghề nghiệp phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Ví dụ như đối với những lao động trẻ, những thanh niên mới tốt nghiệp THPT thì hướng nghiệp cho họ những ngành nghề sửa chữa máy móc nông nghiệp, thợ nề hoàn thiện, nấu ăn... nhằm chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp. Đối với lao động có điều kiện sản xuất, có đất có rừng thì có hướng đào tạo những nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại chỗ, như các mô hình trồng trọt, mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu tập trung trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các cấp, các ngành của tỉnh đã phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức thành công các chợ phiên việc làm, hội chợ việc làm; hiện có trên 200 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động tham gia thường xuyên. Đồng thời có các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đa dạng hoá các ngành nghề nhằm tạo thêm việc làm mới cho người lao động. Ngoài ra, tỉnh còn dành một khoản ngân sách nhất định hằng năm để cho vay ưu đãi phục vụ giải quyết việc làm đối với hộ nghèo, cận nghèo; chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tổ chức tốt công tác khảo sát để nắm chắc thực trạng lao động, việc làm tại địa bàn mình, nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.
Hoàng Giang
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()