Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:29 (GMT +7)
Đào tạo nghề, tạo việc làm sát với nhu cầu thực tế
Thứ 2, 06/03/2023 | 17:48:51 [GMT +7] A A
Nhằm giúp người dân tiếp cận với cơ hội việc làm ổn định, từ đó tăng thu nhập, chuyển đổi cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang du lịch, dịch vụ, những năm qua, huyện Bình Liêu đặc biệt quan tâm đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu và tình hình thực tiễn.
Anh Trần Ngọc Thành (27 tuổi) trú tại thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn) hiện đang là công nhân Phân xưởng Khai thác 2, Công ty Than Khe Chàm. Sau 8 tháng tham gia lớp đào tạo nghề mỏ, anh bắt đầu công việc thợ lò và đến nay đã công tác được trên 2 năm. Chia sẻ về công việc, anh Thành cho biết: Từ ngày vào làm tại Công ty Than Khe Chàm, trung bình mỗi tháng tôi thu nhập trên 15 triệu đồng. Mức thu nhập này so với việc làm tự do trước đây, dao động từ 2 đến 3 triệu đồng, thì cao và ổn định hơn nhiều… Với số tiền tích góp được từ việc làm công nhân, tôi dự định trong năm nay sẽ xây nhà mới.
Anh Thành không phải là trường hợp duy nhất được hưởng lợi từ chương trình ký kết phối hợp đào tạo nghề và tạo việc làm giữa huyện Bình Liêu và Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam. Năm 2022, toàn huyện có gần 100 thanh niên tham gia các lớp đào tạo nghề mỏ, lái xe tại Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức và được tạo điều kiện để làm việc trong các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Cùng với đó, trong năm 2022, huyện Bình Liêu cũng tổ chức 5 lớp nghề may công nghiệp cho 100 lao động. Sau khi tham gia vào các lớp đào tạo nghề, nhiều học viên đã đi làm tại các khu công nghiệp, trở thành công nhân trong các doanh nghiệp như Công ty May mặc Hoa Lợi Đạt.
Thực tế cho thấy, những năm qua, ngành nghề phi nông nghiệp chiếm 91,66% số lớp được đào tạo. Đặc biệt, du lịch Bình Liêu ngày càng phát triển, nhu cầu về lao động trong ngành du lịch dịch vụ tăng cao. Vì thế, các lớp đào tạo nghề về chế biến món ăn, du lịch cộng đồng không chỉ phù hợp với chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được các cấp, các ngành và người dân hưởng ứng nhiệt tình. Năm 2022, toàn huyện mở 7 lớp đào tạo nghề chế biến món ăn và phục vụ, với lượng học viên tham gia là 140 người. Người lao động sau khi học các lớp đào tạo nghề đã phát huy được kiến thức về lĩnh vực mình được đào tạo, biết cách làm ăn, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Ông Ngô Văn Mậu, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH, cho biết: Năm 2023, huyện Bình Liêu đặt mục tiêu là giải quyết việc làm mới cho 600 lao động trở lên; phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 83,1% (trong đó, tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 48,5%). Để đạt mục tiêu trên, hiện Phòng LĐ-TB&XH đang phối hợp với các xã tiến hành rà soát nhu cầu của người dân để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương sát với tình hình thực tế.
Trong đó, chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động một cách hiệu quả; tăng cường kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp cử lao động đi làm việc tại các địa phương lân cận. Đồng thời, tạo cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh tại Bình Liêu tiếp cận với lao động đã qua đào tạo tại chỗ. Từ đó, giúp người dân có công việc, thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng đời sống và đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()