Tất cả chuyên mục

Sau rất nhiều cố gắng, nỗ lực của ngành GD-ĐT tỉnh, đến nay, hệ thống các trung tâm HN&GDTX đã được phủ kín 14 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Cùng với đó, các trung tâm cũng được tạo rất nhiều điều kiện để góp sức cùng hệ thống giáo dục quốc dân nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, rất nhiều lợi thế lại chưa được các trung tâm phát huy.
![]() |
Đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phục vụ dạy nghề của Trung tâm HN&GDTX thị xã Quảng Yên. Ảnh: Thu Nguyệt |
Lợi thế từ mô hình kép
Còn nhớ, trước năm 2001, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có một vài trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp làm nhiệm vụ dạy nghề và hướng nghiệp. Đúng thời điểm đó, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các tỉnh, thành thành lập thêm các trung tâm giáo dục thường xuyên. Để phù hợp với điều kiện thực tế, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn thành lập nên các trung tâm HN&GDTX trên cơ sở kết hợp giữa mô hình Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp với Trung tâm giáo dục thường xuyên; đồng thời bổ sung thêm nhiệm vụ giáo dục thường xuyên cho các trung tâm này. Hay nói cụ thể hơn, các trung tâm HN&GDTX trên địa bàn tỉnh là mô hình kép thực hiện chức năng, nhiệm vụ: Tổ chức công tác giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông cho học sinh trên địa bàn; bồi dưỡng giáo viên, làm công tác giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông và các chương trình GDTX; tổ chức giảng dạy văn hoá theo chương trình GDTX, các chương trình cập nhật kiến thức, nâng cao kiến thức nhu cầu người học; tổ chức giảng dạy tin học, ngoại ngữ; đào tạo nghề, bồi dưỡng tay nghề, bồi dưỡng nâng bậc… Ngoài ra, các trung tâm HN&GDTX còn có thể liên kết với các trường đại học, cao đẳng, THCN trong công tác tổ chức đào tạo tại chức, từ xa; hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng trong việc tổ chức đào tạo nhân lực cho địa phương tại trung tâm. Không chỉ có vậy, để phát huy cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên sẵn có; đồng thời, nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1965 của Thủ tướng Chính phủ, cuối năm 2010, UBND tỉnh còn bổ sung thêm nhiệm vụ dạy nghề cho 14 trung tâm HN&GDTX trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng bổ sung 37 chỉ tiêu biên chế giáo viên dạy nghề; rót trên 15 tỷ đồng từ nguồn kinh phí đào tạo nghề lao động nông thôn cho 11 trung tâm HN&GDTX (trừ Trung tâm HN&GDTX Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn) để mua sắm trang thiết bị dạy và học.
Với việc thực hiện mô hình kép này, Quảng Ninh đã giảm được sự cồng kềnh trong bộ máy và chồng chéo trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ giữa các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên. Hơn thế nữa, các trung tâm cũng trở nên năng động, linh hoạt hơn; được nhiều người biết đến hơn. Điều đáng nói nữa là mô hình của Quảng Ninh sau này đã được nhiều tỉnh, thành khác trong nước học tập và nhân rộng.
“Khổng lồ một chân”
Mặc dù có nhiều lợi thế trong hoạt động giáo dục nhưng do nhiều nguyên nhân mà các trung tâm không thể hoặc không có điều kiện khai thác hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Vì thế, cho đến thời điểm này, vẫn còn rất nhiều trung tâm duy trì hoạt động chủ yếu tập trung vào dạy nghề phổ thông và dạy bổ túc văn hoá theo chương trình GDTX. Vì thế, cũng dễ hiểu, khi nhiều trung tâm, nhất là ở các huyện miền núi trong tỉnh chỉ được biết đến như một trường dạy bổ túc văn hoá bậc THPT làm nhiệm vụ phổ cập, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Điều này chẳng khác gì hình ảnh “người khổng lồ đứng một chân”.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, năm học 2011-2012, 14 trung tâm trong tỉnh đã mở 104 lớp bổ túc THPT với tổng số trên 4.000 học sinh; trong đó, học sinh lớp 10 là 29 lớp, với gần 1.200 học sinh. Các trung tâm có số học sinh đông chủ yếu tập trung ở khu vực miền Tây của tỉnh, như: Đông Triều 17 lớp với 651 học sinh; Quảng Yên 14 lớp với 614 học sinh; Uông Bí 8 lớp với 313 học sinh; Trung tâm HN&GDTX tỉnh 19 lớp với 909 học sinh; các trung tâm còn lại, số học sinh dao động từ 100 - 300 học sinh/trung tâm. Việc duy trì và mở các lớp bổ túc văn hoá THPT là một trong những nhiệm vụ đã được quy định cho các trung tâm. Tuy nhiên, nếu như khoảng 5 năm trở về trước, học viên theo học các lớp bổ túc thường là những người lớn tuổi, vừa học, vừa làm thì ngày nay, các lớp bổ túc có xu hướng trẻ hoá độ tuổi học viên. Nghĩa là, học sinh sau tốt nghiệp THCS không thi đỗ vào các trường THPT công lập đều đăng ký học bổ túc để giảm bớt chi phí đào tạo, số lượng môn học… Để giải quyết vấn đề “thu bù chi”; đồng thời, đáp ứng nhu cầu của người học, nhiều trung tâm đã phát triển ồ ạt các lớp bổ túc, khiến cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ khác bị lơi lỏng.
Theo lý giải của lãnh đạo một số trung tâm, việc xác định hướng đi, triển khai nhiệm vụ của các trung tâm bị ảnh hưởng rất lớn bởi xu thế và nhu cầu của xã hội. Dạy bổ túc văn hoá THPT hay dạy nghề phổ thông thường không đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ. Bởi thiếu lớp học vẫn có thể đi thuê; thiếu giáo viên, mời giáo viên thỉnh giảng. Trong khi đó, để triển khai dạy nghề, ngoài trường, lớp, giáo viên có chuyên môn cần phải có nhà xưởng, thiết bị giáo dục trực quan; đã vậy, nhu cầu học nghề của người dân, nhất là ở các huyện miền núi lại chưa phải là quá bức xúc. Thực tế là hệ thống trung tâm HN&GDTX trên địa bàn tỉnh được thành lập theo mô hình kép đã trở thành hướng đi đúng, mô hình hay nhưng việc phát triển và mở rộng mô hình này trên toàn tỉnh lại khá chậm. Nếu như năm 2001, cả tỉnh đã thành lập được 6 trung tâm là Trung tâm HN&GDTX tỉnh, Cẩm Phả, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên và Móng Cái nhưng phải mãi đến năm 2009, mới phủ kín 14 địa phương. Tiếng là phủ kín 14 địa phương nhưng 6 trung tâm; trong đó, Trung tâm HN&GDTX Đông Triều và 5 trung tâm mới được thành lập 2-3 năm nay là Cô Tô, Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hoành Bồ chưa có trụ sở, cơ sở vật chất trường, lớp chứ nói gì đến đội ngũ giáo viên dạy nghề. Để duy trì các lớp bổ túc văn hoá THPT, các trung tâm này đang phải đi học nhờ ở các cơ sở giáo dục hoặc một số đơn vị kinh doanh trên địa bàn. Với các trung tâm có trụ sở, trường, lớp thì việc tổ chức học nghề cũng không đơn giản. Vì thiếu xưởng thực hành, thiếu vốn đầu tư và thiếu học viên…
Rõ ràng, kể cả hệ thống các trung tâm HN&GDTX, các trường TCCN, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn, hiện nay Quảng Ninh đã có được mạng lưới đào tạo nghề khá đa dạng, phong phú, tạo điều kiện thuận lợi để người dân lựa chọn cần gì, học nấy. Tuy nhiên, chỉ riêng hệ thống trung tâm HN&GDTX thôi cũng đã thiếu rất nhiều điều kiện cần và đủ để duy trì, thực hiện chức năng, nhiệm vụ này.
Cẩm Nang
Để các trung tâm hoạt động hiệu quả * Ông Nguyễn Đăng Hợp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Giám đốc Trung tâm HN&GDTX tỉnh: “Cần chủ động tìm đến với học viên” Trung tâm HN&GDTX tỉnh hiện có rất nhiều các lớp đào tạo nghề với nhiều hình thức đào tạo phong phú, đa dạng. Vào những ngày thứ 7, chủ nhật, sân Trung tâm luôn chật kín xe của các học viên. Ngoài những điều kiện như cơ sở vật chất, đội ngũ, tôi cho rằng, kết quả này có được cũng là nhờ sự năng động, chủ động, tích cực của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong trung tâm. Mỗi khi mở một ngành nghề mới hoặc liên kết với một cơ sở giáo dục nào đó, chúng tôi thường phải khảo sát nhu cầu của người học xem có phù hợp không. Đây chính là giải quyết khâu đầu ra cho các học viên. Trên cơ sở đó, tổ chức chiêu sinh thông qua nhiều hình thức từ trực tiếp đến gián tiếp. Và quan trọng nhất là phải làm tốt công tác hướng nghiệp cho học viên trong trung tâm, ngoài trung tâm. * Ông Phạm Ngọc Khánh, Trưởng phòng Tổ chức - Đào tạo, Công ty CP Than Cao Sơn - Vinacomin: “Nên chú trọng việc dạy nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề” Năm 1998 và năm 2002, Công ty chúng tôi đã cử 140 cán bộ, công nhân đến học văn hoá ở Trung tâm HN&GDTX TP Cẩm Phả. Khi được đào tạo trở về họ đều trở thành những cán bộ và công nhân tốt. Tuy thế những người như họ dần sẽ hết, vì lớp trẻ ngày nay được đào tạo đầy đủ hơn và hầu hết đều đã tốt nghiệp THPT trước khi được nhận vào làm việc ở các doanh nghiệp. Với lớp trẻ, nên để các cháu theo học hệ THPT tại các trường THPT. Vì vậy, theo tôi, các trung tâm HN&GDTX nên chú trọng việc dạy nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề. Như Công ty chúng tôi hàng năm đều đầu tư các loại máy móc mới như máy khoan, máy xúc, xe vận tải cỡ lớn đời mới để phù hợp việc khai thác than hiện đại. Hàng năm chúng tôi phải gửi cán bộ công nhân đi đào tạo nâng cao trình độ tay nghề ở tỉnh ngoài rất tốn kém, và nhiều bất cập. Giá như những cán bộ công nhân ấy được đào tạo ngay tại tỉnh nhà thì tốt biết mấy. * Anh Trần Văn Hùng, Bí thư Đoàn TN xã Phong Dụ (Tiên Yên): “Cần mở thêm các lớp dạy nghề cho thanh niên” Hàng năm có nhiều thanh niên trong xã chúng tôi đi theo học các lớp nghề sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa xe máy, sử dụng máy vi tính v.v.. Nhưng họ lại không tìm đến Trung tâm HN&GDTX huyện. Vì ở đây chỉ đào tạo hai nghề kế toán và nấu ăn. Hai nghề này khi về xã không có việc để làm vì nhu cầu rất ít, hoặc không có nhu cầu. Hiện nay phong trào xây dựng nông thôn mới đang được đẩy mạnh ở Tiên Yên, nhiều xã bà con đang đầu tư máy cày để cơ giới hoá việc sản xuất trên đồng ruộng. Riêng xã Phong Dụ, đã có hơn 600 hộ mua máy cày và con số này sẽ còn tăng lên, trong khi đó xã không một ai biết nghề sửa chữa. Một vài năm nữa máy móc cũ đi chắc chắn nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng máy cày của bà con ở các xã trong huyện sẽ rất lớn. Chúng tôi mong muốn Trung HN&GDTX huyện mở thêm lớp dạy nghề cho thanh niên phù hợp với các xã vùng cao. Thiện Phong - Anh Vũ |
Ý kiến (0)