Tất cả chuyên mục

Được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Trung tâm nghiên cứu sức khoẻ cộng đồng (COHED), tháng 10-2005, dự án Hỗ trợ phụ nữ nhiễm HIV/AIDS tại TP Hạ Long được triển khai, hoạt động dưới dạng câu lạc bộ (CLB) mang tên Hoa xương rồng. Tất cả các hoạt động của dự án đều hướng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của những người sống chung với HIV/AIDS tại TP Hạ Long, đặc biệt là những phụ nữ nhiễm và con cái của họ.
![]() |
Nhân viên Trung tâm COHED đánh giá những kết quả của dự án. |
Ngày 17-9 vừa qua, Trung tâm COHED phối hợp với Trung tâm Y tế TP Hạ Long tiến hành tổng kết dự án sau 6 năm thực hiện. Theo đánh giá của một cán bộ của Trung tâm COHED thì dự án đã mang lại kết quả “không gì có thể đong đếm được”. Đó chính là việc đã xây dựng được hình ảnh tích cực của người “có H” tại TP Hạ Long: Tự tin, dám công khai tình trạng bệnh của mình và họ còn tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại địa phương. Dự án còn góp phần giảm sự kỳ thị và phân biệt đối với người có HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Thêm vào đó, dự án đã nâng cao năng lực của cộng đồng và người “có H” để thực hiện các hoạt động dự phòng HIV, chăm sóc, hỗ trợ người có HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV. Cùng với các hoạt động chăm sóc và hỗ trợ tại nhà, các mô hình quay vòng vốn, phát triển sinh kế đã góp phần nâng cao chất lượng sống của người có HIV và gia đình họ.Trong hội nghị tổng kết, chị P.T.K.D - một nhân viên chăm sóc tại nhà tự tin nói rằng, từ khi sinh hoạt ở CLB Hoa xương rồng, chị không chỉ tự giúp mình mà còn giúp được các chị em cùng cảnh ngộ. Chị được vay vốn và đã tự thành lập được một tổ hợp tác mang tên Hoa xương rồng để nuôi hàu trên biển. Tổ hợp tác này còn có sự tham gia của nhiều chị em bị ảnh hưởng bởi HIV, giúp các chị có việc làm, có thu nhập. “6 năm là khoảng thời gian không dài, nhưng nó đã thay đổi cả cuộc đời tôi!” - Đó là tâm sự của anh B.T.D - một người nhiễm HIV được hưởng lợi từ dự án. Anh D cho biết, trước khi được tiếp cận dự án, anh là một thanh niên thất nghiệp, chơi bời lêu lổng, nghiện ma tuý. Anh không quan tâm đến bản thân, mọi người và ngược lại, mọi người coi anh là “đồ bỏ đi”. Có những lúc hết tiền, anh chìa tay xin mọi người một nghìn đồng mà ai cũng quay mặt đi. Vậy mà từ khi sinh hoạt CLB Hoa xương rồng, anh được hướng dẫn cách chăm sóc bản thân, được tư vấn về mặt tâm lý, lại còn được vay vốn phát triển kinh tế. Giờ đây, anh là người sống tự tin, có ích cho xã hội. Anh D đã khiến mọi người trong hội nghị vô cùng xúc động khi nói rằng, tuy dự án đã kết thúc nhưng anh sẽ luôn giữ kỷ niệm về những ngày hoạt động CLB, đó là động lực để anh tiếp tục đứng vững và bước đi bằng chính đôi chân, nghị lực của mình trong những ngày sắp tới.
Không chỉ có CLB Hoa xương rồng, CLB Tuổi thần tiên trực thuộc dự án cũng là nơi sinh hoạt của hơn 400 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đã có 409 trẻ được dự án tiếp cận, chăm sóc và hỗ trợ, trong đó 140 trẻ được hỗ trợ dinh dưỡng, 332 trẻ được hỗ trợ tâm lý và 187 trẻ được hỗ trợ học tập. Em Đ.H.A (11 tuổi) theo mẹ đến sinh hoạt ở CLB Hoa xương rồng rồi gia nhập CLB Tuổi thần tiên. Ở câu lạc bộ, H.A được nhận sữa, dầu ăn, rồi được hỗ trợ sách vở, quần áo để đến trường. Trong các ngày lễ như: Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, H.A cùng các bạn được tham gia vui chơi, nhận quà. Em trở nên tự tin và hoà nhập được với các bạn cùng trang lứa. Còn chị N.T.B cũng tâm sự, con chị trước đây tháng nào cũng ốm, sốt phải đi viện. Bây giờ được các chị ở “Hoa xương rồng” đến chăm sóc tại nhà, uống thuốc của dự án nên giờ đỡ hơn nhiều. Trước, con chị còn bị cô giáo từ chối không nhận học, nhờ có CLB và dự án can thiệp mà con chị đã được đến lớp và bây giờ các cô giáo quý mến và các bạn quan tâm…
Đối với những người trực tiếp triển khai, theo dõi và giám sát dự án, “Hoa xương rồng” cũng để lại những ấn tượng khó quên. Bác sĩ Đỗ Ánh Nguyệt, Phó Giám đốc dự án tâm sự: “6 năm trước, những thành viên CLB Hoa xương rồng mà tôi gặp đều mặc cảm, tự ti và có tâm lý chán chường, mất niềm tin vào cuộc sống. Còn bây giờ, họ đều là những phụ nữ dám công khai tình trạng bệnh, thường xuyên giúp đỡ mọi người, chăm lo tốt cho bản thân, gia đình và biết vươn lên trong cuộc sống”. Bác sĩ Bùi Đức Kháng, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cũng khẳng định: “CLB Hoa xương rồng là một mô hình chăm sóc, hỗ trợ tại nhà rất tốt. Tôi cho rằng đây là một trong những mô hình hiệu quả nhất tại Quảng Ninh mà có thể học tập, áp dụng tại các nơi khác…”.
Hoàng Nhi
Ý kiến (0)