Đường là những hợp chất hóa học thuộc nhóm phân tử cacbohydrate, đóng vai trò chuyển hóa và cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Chuyên viên Nguyễn Thị Thu Huyền, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết cơ thể dung nạp ít đường có thể dẫn đến hạ đường huyết, giảm năng lượng, mệt mỏi, sụt cân. Tuy nhiên, lượng đường dư thừa có thể gây béo phì, tiểu đường, tim mạch, suy giảm hệ miễn dịch... Khi dư thừa đường, cơ thể có một số dấu hiệu dưới đây.
Thèm ăn liên tục
Lượng đường trong máu cao làm cản trở tuyến tụy tạo hormone insulin, ngăn tế bào hấp thụ, lưu trữ glucose khiến năng lượng sụt giảm. Lúc này, não kích thích vùng dưới đồi tăng điều tiết ghrelin (hormone kích thích cảm giác đói) và giảm lượng leptin (hormone tạo cảm giác no) trong đường tiêu hóa khiến cơ thể luôn có cảm giác thèm đồ ngọt hoặc thực phẩm giàu carbohydrate.
Đường còn là nguồn nguyên liệu dễ phân hủy hơn so với protein, chất xơ, chất béo lành mạnh. Nếu chế độ ăn mất cân đối, nhiều carbohydrate, ít các dưỡng chất khác, cơ thể nhanh đói và thèm ăn vặt hơn.
Khô miệng, khát nước quá mức
Tình trạng xảy ra khi hàm lượng glucose trong máu cao, lúc này cơ thể tách nước từ những tế bào, sau đó bơm lượng nước này vào máu để pha loãng nồng độ glucose đang bị dư thừa tích lũy trong máu. Những tế bào trong cơ thể bị thiếu nước truyền tín hiệu, kích thích não bộ gây khát nước liên tục dù đã uống nhiều nước.
Hay mệt mỏi
Tế bào không có khả năng lấy glucose để cung cấp năng lượng có thể khiến người bệnh tiểu đường cảm thấy kiệt sức. Mất nước làm cho tình trạng mệt mỏi trầm trọng hơn.
Đi tiểu thường xuyên
Người bình thường đi tiểu 4-7 lần trong 24 giờ, nhưng người có đường máu cao thường đi tiểu nhiều hơn. Nguyên nhân là cơ thể tái hấp thu glucose khi đi qua thận. Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu tăng cao, thận có thể không làm tốt công đoạn này, vì thế tạo ra nhiều nước tiểu hơn. Do uống nước liên tục nên người bị đái tháo đường đi tiểu thường xuyên.
Tăng cân
Khi ăn nhiều thực phẩm giàu đường, tinh bột, nhiều năng lượng, cơ thể đốt cháy đường nhanh chóng và tăng cảm giác đói. Lượng đường dư thừa có thể chuyển hóa thành chất béo, gây tích tụ mỡ, nhất là ở vùng bụng. Cơ thể thường xuyên đói dẫn đến ăn vặt vô thức, tăng tiêu thụ đồ uống có đường, thực phẩm chứa nhiều tinh bột, calo... Nếu chế độ ăn này kéo dài dẫn đến tăng cân.
Đường ruột có hơn 100 nghìn tỷ sinh vật đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, điều chỉnh lượng đường huyết, mức insulin và xử lý lipid, cholesterol. Nếu lượng đường máu dư thừa gây xáo trộn, gián đoạn trao đổi chất và khả năng xử lý lipid, cholesterol đúng cách, dễ dẫn đến tăng cân.
Da khô
Khi đường huyết cao, trung tâm điều hòa thân nhiệt bị gián đoạn, dây thần kinh bị tổn thương dẫn đến gián đoạn hoạt động bình thường của các tuyến mồ hôi, tăng tiết mồ hôi, gây mất cân bằng nước ở da. Đây có thể là dấu hiệu của chứng xơ vữa động mạch hay gặp ở người bệnh tiểu đường. Lúc này động mạch bị cứng, thu hẹp diện tích, giảm lưu thông máu.
Suy giảm trí nhớ, mất tập trung
Đường máu cao theo thời gian làm hỏng mạch máu trong não vận chuyển máu giàu oxy. Khi não nhận được quá ít máu, tế bào não có thể bị chết, gây ra vấn đề trí nhớ, mất tập trung
Nguyên nhân suy giảm trí nhớ có thể xuất phát từ sự thay đổi trong của vi khuẩn liên quan đến điều chỉnh sự phát triển nhận thức thần kinh trong đường ruột. Trẻ em tiêu thụ đồ uống có đường hàng ngày trong những năm thiếu niên có liên quan đến giảm hiệu suất học tập, trí nhớ khi trưởng thành.
Giảm thị lực
Đây có thể là hậu quả của hiệu ứng mất nước khi lượng đường huyết cao, ảnh hưởng các tế bào mắt. Thủy tinh thể của mắt bị sưng, khiến mắt mờ, giảm khả năng quan sát.
Thường xuyên cáu gắt
Tiêu thụ quá nhiều đường có khả năng dẫn đến mất cân bằng đường huyết. Sự biến đổi nhanh chóng của đường huyết có thể làm ảnh hưởng đến tâm trạng, tăng nguy cơ lo âu và trầm cảm. Tuy nhiên, các tác động này vẫn phụ thuộc vào lượng đường tiêu thụ, cơ địa, các yếu tố khác.
Theo chuyên viên Huyền, đường cũng có tác dụng gây nghiện do kích thích các tế bào thần kinh trong hệ thống limbic - một nhóm cấu trúc trong não điều chỉnh cảm xúc, hành vi, động lực và trí nhớ. Điều này dẫn đến những thay đổi tâm trạng, hành vi.
Đường cũng ảnh hưởng đến sự hấp thụ crôm - khoáng chất quan trọng trong việc cải thiện độ nhạy của insulin và hỗ trợ vận chuyển tryptophan vào não để sản xuất serotonin. Thiếu hụt crôm có thể làm giảm quá trình này. Mức serotonin thấp liên quan đến tâm trạng tiêu cực, lo lắng hoặc trầm cảm.
Rối loạn tiêu hóa
Tiêu thụ quá nhiều đường trong thời gian dài có thể làm tổn thương các dây thần kinh và mô tế bào đường tiêu hóa. Hàng rào ruột bị phá vỡ, làm tăng tính thấm của ruột và gây loạn khuẩn đường ruột, tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón.
Một số loại như fructose và sorbitol (thường được sử dụng trong thực phẩm chế biến sẵn) có thể gây đầy hơi, chướng bụng ở người mắc bệnh tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS), phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột non (SIBO).
Dễ mắc bệnh nhiễm trùng
Lượng đường cao có thể làm suy yếu tế bào bạch cầu, suy giảm miễn dịch khiến cơ thể giảm khả năng chống chọi với virus, vi khuẩn gây bệnh, dễ mắc bệnh nhiễm trùng.
Nổi mụn, lão hóa da
Nồng độ đường huyết cao lặp đi lặp lại có thể khiến mạch máu sản sinh ra gốc tự do, gây stress oxy hóa, làm tổn hại đến chức năng của tế bào. Lượng đường tăng đột biến cũng kích thích hoạt động của các tế bào bạch cầu và cytokine trong hệ miễn dịch để phân hủy glucose, tăng nguy cơ viêm trong cơ thể. Điều này dễ gây nổi mụn, da nhờn hoặc eczema (bệnh viêm da mạn tính).
Các phân tử đường cũng có thể liên kết với protein trong cơ thể thông qua quá trình glycation, làm giảm độ đàn hồi của da, tăng trơ cứng. Chức năng hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, gây lão hóa với biểu hiện nhiều nếp nhăn, chảy xệ.
Vết thương chậm lành
Đường máu cao khiến chất lượng tuần hoàn máu giảm, tế bào bạch cầu khó di chuyển để chống lại sự nhiễm trùng, mô tế bào không đủ dinh dưỡng để phục hồi vết thương. Hệ miễn dịch suy giảm, các phản ứng viêm trong cơ thể kéo dài hơn bình thường cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Khó ngủ
Khi tiêu thụ nhiều đường gần giờ đi ngủ, cơ thể giải phóng hormone cortisol, dễ khiến người dùng mất ngủ, cảm giác mệt mỏi, uể oải vào ngày hôm sau.
Nhịp tim nhanh
Lượng đường cao ảnh hưởng đến hệ thần kinh và mạch máu, gây nhịp tim nhanh, tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp, tim mạch.
Tê tay, chân
Tê bì tay chân hoặc mất cảm giác ở bàn chân do dây thần kinh có thể bị tổn thương.
Giảm nhu cầu sinh lý ở nam giới
Nếu đường máu cao ảnh hưởng đến các dây thần kinh, lưu lượng máu, sự cân bằng hormone, gây rối loạn cương dương.
Ý kiến ()