Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:06 (GMT +7)
Đầu ra cho nông sản: Nghịch lý cung, cầu
Thứ 3, 05/06/2012 | 04:54:52 [GMT +7] A A
Hiện nay, tình hình sản xuất, nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh như rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong tỉnh. Các sản phẩm rau, củ, quả, thịt (lợn, gà, bò...) vẫn phải nhập ở một số địa phương lân cận do cầu lớn hơn cung. Vì vậy để giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, trước hết cần tập trung giải quyết vấn đề về quy hoạch vùng sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi có hệ thống và quy trình sản xuất tập trung nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bất cập từ kênh phân phối
Quảng Ninh là tỉnh có nguồn nguyên liệu phong phú, đa dạng như nông sản, thuỷ hải sản, miến, sữa, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, rau củ quả, trứng gia cầm... với một số cơ sở sản xuất, chế biến hàng nông sản, thuỷ hải sản đưa ra thị trường những sản phẩm có uy tín, đảm bảo chất lượng.
Theo khảo sát của Sở Công thương, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Quảng Ninh rất lớn, ước tính năm 2011 trên toàn tỉnh tiêu thụ khoảng: 180.000 tấn rau, củ, quả; 40.000 tấn thịt các loại và 75 triệu quả trứng gia cầm. Tuy nhiên, hiện nay ngành Nông nghiệp của tỉnh mới chỉ đáp ứng được trên 60% nhu cầu, số còn lại được nhập từ các địa phương trong nước và một phần được nhập từ các nguồn khác nhau. |
Tuy nhiên từ nhiều năm nay, vấn đề đầu ra cho nông sản vẫn luôn là nỗi trăn trở của nhiều hộ nông dân. Sự lơi lỏng trong mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý và nhà phân phối trong việc tìm đầu ra cho nông sản là cản trở chính cho việc tiêu thụ. Nông dân trách siêu thị “kén cá chọn canh”. Siêu thị trách nông dân “làm chưa tới” sản phẩm. Nghĩa là, chất lượng và sản lượng nông sản chưa đáp ứng đủ các điều kiện để được vào siêu thị. Phần lớn các sản phẩm nông sản hiện nay chưa có bao bì, thiếu các chứng nhận về an toàn VSTP thì khó có thể vào được siêu thị cũng như đến được nhà phân phối, nhà hàng, đại lý cung cấp. Khó khăn trong tiêu thụ nông sản hiện nay là các sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn, chi phí đầu vào cao dẫn tới giá thành sản xuất cao, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung. Khi các sản phẩm được đưa ra thị trường chưa được quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, xuất xứ dẫn tới khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 135 chợ gồm: 19 chợ hạng 1; 19 chợ hạng 2 và 97 chợ hạng 3. Chợ là nơi trung gian tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn nhất hiện nay, nhất là các chợ trên địa bàn TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí…, chiếm 80-85% các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh và là đầu mối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từ các tỉnh khác như Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên...
Đến nay, hoa Hoành Bồ là sản phẩm thương hiệu nông sản tập thể duy nhất tại Quảng Ninh. |
Việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong và ngoài tỉnh không ổn định, giá bán thường biến động, lợi nhuận cho người sản xuất thấp, việc thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại còn hạn chế và việc cung ứng hàng hoá còn mang tính riêng lẻ. Việc sản xuất mang tính riêng lẻ này đang làm suy yếu khả năng thương lượng của người bán trước người mua về giá, và do các hộ sản xuất áp dụng biện pháp sản xuất, thu hoạch, bảo quản khác nhau, không duy trì chất lượng sản phẩm một cách ổn định nên chất lượng sản phẩm thường không đồng nhất, khó cho nhà thu mua số lượng lớn và cho chế biến.
Tăng cường liên kết 4 nhà
Thực tế đáng buồn là hiện nay nông dân vẫn chủ yếu sản xuất tự phát, một số địa phương còn chưa chú trọng trong quy hoạch, hoạch định, phát triển sản xuất, doanh nghiệp thu mua nông sản thì thất thường. Chính vì vậy làm ra sản phẩm đã khó khăn vất vả, việc tiêu thụ lại càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, do chưa có những cơ chế khuyến khích và cơ chế sản xuất ràng buộc giữa người sản xuất, đơn vị cung ứng và tiêu thụ dẫn đến việc người dân không dám đầu tư để sản xuất vì sợ sản phẩm nông nghiệp làm ra không tiêu thụ được; các đơn vị cung ứng thì nhập sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc, giá thành thấp hơn để cung ứng nhu cầu của đơn vị tiêu thụ. Việc lựa chọn giống rau, củ, quả để sản xuất còn đại trà, chưa tập trung sản xuất những loại rau, củ, quả có giá trị kinh tế cao, chưa có tiêu chí rõ ràng, phù hợp dẫn tới việc chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế của địa phương.
Do vậy, cần thiết phải xây dựng chuỗi liên kết: Giữa nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông. Giúp cho người sản xuất an tâm, không phải lo lắng tìm đầu ra cho nông sản, không còn tình trạng “được mùa, mất giá”, sản xuất ra những nông sản đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Đơn vị cung ứng (nhà phân phối) đóng vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Khích thích sản xuất phát triển, sản xuất ra những thực phẩm sạch, an toàn, mang đến cho người tiêu dùng những thực phẩm tốt nhất, đáp ứng tối đa hoá nhu cầu. Đơn vị tiêu thụ cũng an tâm hơn vì mua được những thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo ATVSTP. Để đạt được điều này, tỉnh Quảng Ninh cần sớm xây dựng Trung tâm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Đây sẽ là đầu mối phân phối và lưu thông các sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng, là địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp phân phối ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Lê Hải
TRIỂN KHAI NQ13 CỦA CHÍNH PHỦ, THÁO GỠ KHÓ KHĂN Quảng Ninh được đánh giá là thị trường tiềm năng, có nhu cầu tiêu thụ lớn, thế nhưng sản phẩm nông sản hiện nay của tỉnh vẫn gặp khó khăn về đầu ra và đặc biệt là giá cả không ổn định. Sản phẩm làm ra chưa vào được các siêu thị, chợ lớn. Thị trường tiêu thụ bị bỏ ngỏ. Người sản xuất lúng túng. Lỗi này do người nông dân, hay do chủ siêu thị chưa tin tưởng? |
Liên kết website
Ý kiến ()