Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 19:38 (GMT +7)
Đầu tư hạ tầng viễn thông thúc đẩy chuyển đổi số
Thứ 3, 19/11/2024 | 17:15:00 [GMT +7] A A
Hạ tầng viễn thông là nền tảng quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, thời gian qua, các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động quan tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng. Qua đó, góp phần đẩy mạnh các hoạt động trên môi trường điện tử, phù hợp với sự phát triển của đơn vị, địa phương trong tiến trình chuyển đổi số ở các lĩnh vực.
Hiện, Mobifone Quảng Ninh đang thực hiện dự án triển khai 71 thiết bị 5G trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đồng thời nâng cấp mở rộng mạng truyền dẫn tại Quảng Ninh phục vụ phát triển 5G. Đơn vị cũng tham gia sâu rộng trong công tác tư vấn chuyển đổi số cho các địa phương và các doanh nghiệp lớn tại địa bàn. Trong đó, Mobifone Quảng Ninh đã xây dựng giải pháp chuyển đổi số quốc gia ở các lĩnh vực như: Giáo dục có mobiedu tại gần 100 trường trên địa bàn; hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số du lịch, bảo tồn văn hóa như: Mô hình du lịch thực tế ảo tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, Đền Cửa Ông, số hóa cổ vật…; hỗ trợ bổ túc kiến thức về chuyển đổi số cho các tổ công nghệ số cộng đồng, đoàn thanh niên, các sở, ban, ngành qua nền tảng đào tạo MOOCS. Bên cạnh đó, xây dựng nhiều giải pháp chuyển đổi số đặc thù cho các doanh nghiệp như: Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam... Chuyển đổi số toàn bộ hệ thống truyền thanh IP trên địa bàn tỉnh, giúp các địa phương xây dựng mô hình nông thôn mới hiệu quả, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến chuyển đổi số.
Ông Tạ Tiến Quang, Trưởng phòng Kỹ thuật Mobifone Quảng Ninh cho biết: Hiện chính sách đầu tư hạ tầng viễn thông đã có những bước tiến tích cực, giúp phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng mạng viễn thông trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng về kết nối và công nghệ. Các chính sách này hỗ trợ đáng kể cho việc triển khai các mạng 4G, 5G, và tạo nền tảng cho các ứng dụng IoT, AI, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, một số thách thức vẫn tồn tại như: Thủ tục phê duyệt đầu tư đôi khi còn phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hạ tầng tại một số khu vực, nhất là hạ tầng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch,… chưa được quy hoạch sẵn, quan tâm. Chi phí đầu tư cũng rất cao, nhất là tại những nơi vùng sâu, vùng xa, mật độ dân cư thấp, gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp trong việc đảm bảo tính hiệu quả kinh tế.
Chính vì vậy, đơn vị mong muốn chính quyền địa phương xây dựng các chương trình truyền thông giúp cộng đồng và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của chuyển đổi số và viễn thông, tạo ra một nhận thức chung và ủng hộ từ xã hội cho các chính sách đầu tư hạ tầng. Cùng với đó, xây dựng cơ chế chia sẻ hạ tầng viễn thông, tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác, chia sẻ cơ sở hạ tầng (như cột thu phát sóng, trạm BTS, cống bể cáp) ở những khu vực có nhu cầu thấp hoặc địa bàn khó khăn. Việc chia sẻ giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu, tối ưu hóa nguồn lực và tăng cường khả năng phủ sóng một cách toàn diện và hiệu quả.
Cùng với Mobifone Quảng Ninh, Viettel Quảng Ninh là một trong những đơn vị chủ lực phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn. Viettel Quảng Ninh hiện đã đầu tư trạm viễn thông mở rộng vùng phủ sóng thông tin liên lạc, internet siêu băng thông trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Ninh nâng mật độ phủ sóng lên 99% diện tích tỉnh Quảng Ninh được phủ sóng thông tin di động. Mạng cáp quang Internet cung cấp dịch vụ GPON Internet siêu băng thông đã đáp ứng tới từng hộ gia đình. Về lâu dài, định hướng xây dựng Quảng Ninh trở thành mô hình điểm trong toàn quốc về xã hội số; hỗ trợ chuyển đổi số cho tỉnh và các thành phố, huyện, thị xã. Đồng thời, xây dựng và thực hiện thí điểm các giải pháp, nền tảng số để triển khai mô hình điểm Huyện chuyển đổi số toàn diện đối với huyện đảo Cô Tô; xây dựng phát triển các mô hình “cảng dữ liệu” tại Quảng Ninh…
Thiếu tá Đào Như Quỳnh, Giám đốc Viettel tỉnh Quảng Ninh đề xuất: Chúng tôi mong muốn các cơ quan truyền thông sẽ đăng tải các thông tin chính thống về nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc sóng viễn thông không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chúng tôi cũng mong muốn các sở, ngành, địa phương quan tâm đến việc phát triển hạ tầng viễn thông như hạng mục điện, nước để được phát triển hạ tầng song hành, cung cấp dịch vụ đến các hộ dân. Qua đó, từng bước thực hiện chuyển đổi số sâu rộng, mạnh mẽ hơn.
Có thể thấy, Quảng Ninh là một trong những địa phương điển hình về phát triển hạ tầng số. Cùng với việc không còn vùng lõm sóng di động, tỉnh cũng đã triển khai hạ tầng Internet băng rộng tới 100% xã, phường, thị trấn. Đáng chú ý, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Quảng Ninh là một trong các địa phương điển hình về phát triển hạ tầng số. Hiện Quảng Ninh không còn vùng lõm sóng di động. Hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn. Tỉ lệ thuê bao di động/người dân của Quảng Ninh đạt 1,3 so với cả nước là 1,23 thuê bao/người dân. Số hộ gia đình có băng rộng cố định đạt tỷ lệ 93%, so với cả nước là 79%. Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã có Trung tâm tích hợp dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Đến nay, 100% các địa bàn dân cư ở tất cả các xã, phường, thị trấn của Quảng Ninh đều có sóng thông tin di động.
Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, nâng cấp hạ tầng viễn thông hiện tại; triển khai ứng dụng công nghệ thông minh cho hạ tầng cáp quang để đáp ứng băng thông cho phát triển kinh tế số, xã hội số; hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; tập trung nâng cấp mạng di động 4G, triển khai hạ tầng mạng di động 5G; thí điểm những ứng dụng dịch vụ, nền tảng, giải pháp công nghệ mới để chuyển đổi số…
Dương Hà
Liên kết website
Ý kiến ()