Tất cả chuyên mục

Bẵng đi đến 6 năm tôi mới có dịp trở lại chùa Ba Vàng. Cảnh vật đổi thay, con đường hành sơn từ khu đô thị phường Thanh Sơn (Uông Bí) lên chùa ngày xưa còn đất đỏ thì nay đã được đổ bê tông sạch sẽ. Đầu xuân, đường lên chùa dập dìu lữ khách.
Chùa Ba Vàng - tên cổ là Bảo Quang tự - hàm ý là vầng ánh sáng (của chùa) toả ra bốn phía (từ trên núi) nằm trên lưng chừng của núi Thành Đẳng, còn gọi là núi Ba Vàng, cách khu du lịch sinh thái Lựng Xanh khoảng 1km. Chính nguồn nước từ núi Ba Vàng chảy ra đã tạo nên Lựng Xanh - một điểm du lịch hấp dẫn của Uông Bí. Khu vực chùa Ba Vàng toạ lạc trên một khu đất bằng phẳng, theo thế phong thuỷ tuyệt đẹp “toạ sơn, đạp thuỷ” - tựa lưng vào núi, trông ra phía trước xa xa là sông Đá Bạc; hai bên phải, trái là các dãy núi nhỏ xanh mướt rừng thông chạy lúp xúp ra biển theo thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Địa thế ấy tạo cho Ba Vàng một khung cảnh hữu tình, nên thơ mà vẫn toát lên sự linh thiêng, tụ khí của chốn thiền nhà Phật.
![]() |
Toà “Đại hùng bảo điện” chùa Ba Vàng đang được hoàn thiện. |
Còn nhớ 6 năm trước, khi tôi đến đây, Ba Vàng chỉ có ngôi chùa chính là mấy gian nhà cấp 4, được các phật tử dựng tạm trên nền chùa cũ hoang phế chỉ có gạch ngói vỡ, khung cảnh tiêu điều. Đây đó lăn lóc các mảnh vỡ của cây hương, rùa đá, bia đá… Vậy mà nay trở lại khung cảnh đã quá đổi thay. Ba Vàng đã và đang được xây dựng bề thế khang trang với hàng chục hạng mục công trình lớn nhỏ. Quy mô nhất, hoành tráng nhất là toà “Đại hung bảo điện” - hay còn gọi là chùa chính có kiến trúc 2 tầng, quy mô hơn 4.000m2. Hiện nay, công trình đang hoàn thiện phần nội thất, khi hoàn thành sẽ là một trong những toà bái đường lớn nhất miền Bắc. Nét nổi bật của “Đại hùng bảo điện” là toàn bộ kiến trúc cột kèo, vì mái, xà… đều bằng bê tông, cốt thép nhưng được sơn giả gỗ nên chùa vẫn mang dáng dấp thuần Việt. Trên các bức tường giáp mái là các bức tranh tường khổ lớn từ khoảng 6-30m2 diễn tả cuộc đời Phật tổ Thích Ca Màu Ni từ khi sinh ra đến khi đi tu, đắc đạo và truyền giáo. Tác giả của các bức tranh này là các hoạ sĩ đến từ ba miền Bắc - Trung - Nam. Chùa to nên hệ thống tượng pháp trong chùa cũng đều làm bằng gỗ có kích thước to lớn. Các tượng Tam thế, Quan âm, ông Thiện, ông Ác… đều cao từ trên 2m trở lên. Trong đó, pho tượng A Di Đà tới đây khi hoàn thành sẽ là một trong những tượng Phật bằng gỗ lớn nhất miền Bắc.
Nằm kế bên “Đại hùng bảo điện”, các công trình như khu giảng đạo, trai phòng, thư viện, lầu chuông… được thiết kế hài hoà, liên hoàn mang dáng dấp truyền thống của các ngôi chùa miền Bắc, tạo thuận lợi cho các nhà sư hành đạo cũng như phật tử lễ Phật. Đáng chú ý, tất cả các viên ngói lợp chùa đều có chữ nổi “Chùa Ba Vàng” do được đặt hàng sản xuất từ Bát Tràng, cho thấy khi xây dựng chùa, từng chi tiết đã được quan tâm.
Chùa Ba Vàng được khang trang như ngày nay có công lao rất lớn của Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa. Gần 10 năm qua, từ khi về trụ trì chùa, bằng đức độ và tấm lòng hết mình vì Phật pháp, sư thầy Thái Minh đã bền bỉ xây dựng, đề xuất với các cấp chính quyền quy hoạch chùa, thiết kế trùng tu, tôn tạo, vận động xã hội hoá vật chất, kinh phí tôn tạo lại chùa. Tới đây, khi hoàn thành, chùa Ba Vàng sẽ thành một “vệ tinh” của Yên Tử, kết nối với khu du lịch Lựng Xanh, đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo phật tử, du khách gần xa.
Trần Minh
Ý kiến (0)