Tất cả chuyên mục

Có lẽ, lâu nay, cụm từ “dạy học tích cực” đã chẳng còn xa lạ đối với các thầy, cô giáo, học sinh trong các trường học. Cách học này được hiểu là sự phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh. Tức là chuyển từ cách dạy thụ động, truyền thụ một chiều “đọc - chép”, giáo viên làm trung tâm sang cách dạy lấy học sinh làm trung tâm. Trong cách dạy này, học sinh là chủ thể hoạt động, giáo viên là người hướng dẫn, tạo nên sự tương tác tích cực giữa người dạy và người học.
Tuy nhiên, phải đến khi nhận được sự thụ hưởng từ chương trình giáo dục của Tổ chức hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Flamăng - Vương quốc Bỉ (VVOB) giai đoạn 2008-2013, quá trình chuyển đổi sang dạy học tích cực tại Quảng Ninh mới thực sự hiệu quả. Mặc dù đã khép lại, song kết quả mà chương trình mang lại đã được khẳng định, trong đó, điều đáng ghi nhận nhất chính là việc tạo hứng thú cho học sinh tiếp cận với môn học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Giảng viên và sinh viên Trường CĐ Sư phạm Quảng Ninh cùng hợp tác nhóm theo phương pháp dạy học tích cực. Ảnh CTV |
Trường CĐ Sư phạm Quảng Ninh là một trong những đơn vị được hưởng thụ từ chương trình này. Suốt 5 năm qua, nhờ được hỗ trợ một số thiết bị, kinh phí, kỹ thuật từ VVOB (máy chiếu đa năng, máy tính, lắp đặt internet…) nhà trường đã từng bước áp dụng phương pháp dạy học tích cực, chấm dứt tình trạng truyền thụ kiến thức một chiều. Thầy giáo Bùi Văn Tân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhờ có chương trình này, tập thể cán bộ, giảng viên trong trường đã thay đổi đáng kể nhận thức cũng như hành động trong việc dạy học tích cực. Chúng tôi đã yêu cầu giảng viên phải chú trọng phương pháp hướng dẫn sinh viên tự học, tham gia vào cuộc thi thiết kế kế hoạch bài học do VVOB tổ chức”.
Bên cạnh việc thay đổi nhận thức, việc thực hiện hợp tác với VVOB đã giúp cho cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, sử dụng các phương tiện dạy và học hiện đại. Hiện tại đã có 30% giảng viên sử dụng tốt các phần mềm hỗ trợ dạy học; 40% giảng viên thường xuyên chia sẻ thông tin với đồng nghiệp qua email hoặc facebook; 20% giảng viên thường xuyên liên hệ, chia sẻ thông tin, giao và nhận bài tập… với sinh viên qua internet. Ngoài ra, đối với sinh viên năm cuối, hầu như các em đã biết áp dụng dạy học tích cực và ứng dụng CNTT trong quá trình tập soạn, tập giảng và thực tập sư phạm. Em Lương Thị Phương Giang, sinh viên lớp Toán - Lý K31 của Trường cho hay: “Quả thật, với việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực, chúng em đã chủ động hơn trong việc khai thác thông tin trên mạng internet để phục vụ học tập. Giờ đây, chúng em đã quen với hình thức chia sẻ thông tin, kinh nghiệm dạy - học qua email, moodle… Rất nhiều bạn đã từ bỏ thói quen học thụ động”.
Trên thực tế, tại Quảng Ninh, ngoài Trường CĐ Sư phạm Quảng Ninh, chương trình giáo dục cơ bản mà VVOB thực hiện còn phối hợp với Sở GD-ĐT, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh để thực hiện chuyển đổi sang dạy học tích cực. Riêng việc phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, qua 5 năm thực hiện cũng thấy rất rõ, mối liên hệ giữa trường học với các tổ chức quần chúng và cộng đồng đã được nâng lên đáng kể, góp phần hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sang dạy học tích cực. Trong đó, phải kể đến việc Hội Phụ nữ các xã Lê Lợi, Dân Chủ (Hoành Bồ) và phường Nam Hoà (TX Quảng Yên) đã phối hợp với các trường THCS trên địa bàn tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; giúp phụ huynh học sinh biết được cách dạy học tích cực thông qua các bài viết đăng tải trên website của Sở GD-ĐT.
Còn với Sở GD-ĐT, 5 năm qua, VVOB đã tổ chức rất nhiều các đợt bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý, công tác giám sát, đánh giá cho cán bộ, giáo viên cốt cán trong các trường học (trong đó, quan tâm đặc biệt đến cấp học THCS). Cụ thể như: Có tới 60 Hiệu trưởng các trường THCS được nâng cao năng lực theo 7 chuyên đề của chương trình Việt Nam - Singapore; tổ chức cho hàng chục cán bộ cốt cán tham quan và tìm hiểu các mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực, thực hành dạy học tích cực tại Thái Lan, Malaysia (năm 2011 và 2012). Bên cạnh đó, VVOB còn giúp ngành Giáo dục Quảng Ninh xây dựng Trang Tài nguyên điện tử tích hợp trên website của Sở GD-ĐT, từ đó, cán bộ, giáo viên của ngành có thể cập nhật mọi tài liệu, thông tin liên quan đến dạy và học…
Có thể thấy rằng, chương trình giáo dục cơ bản mà VVOB hỗ trợ tại Quảng Ninh đã mang lại những hiệu quả tốt trong quá trình chuyển sang dạy học tích cực - một phương pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, trên cơ sở vận dụng những kinh nghiệm và kết quả đã đạt được, ngành Giáo dục Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng phương pháp dạy học này tại các cấp học.
Lan Anh
Ý kiến ()