Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:50 (GMT +7)
Đẩy lùi bạo lực gia đình, xây dựng xã hội văn minh
Thứ 4, 10/01/2024 | 14:12:28 [GMT +7] A A
Thời gian qua, các ngành chức năng, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã có nhiều biện pháp phù hợp, hướng mạnh về địa bàn cơ sở, góp phần làm giảm đáng kể tình trạng bạo lực gia đình, tạo được hiệu ứng xã hội mạnh mẽ.
Tại huyện Bình Liêu, một trong những nhiệm vụ đang được các cấp hội phụ nữ huyện chú trọng chính là triển khai Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2021-2025”. Các tổ truyền thông cộng đồng đã được hội phối hợp ra mắt tại 11 thôn của 4 xã Đồng Tâm, Lục Hồn, Vô Ngại, Húc Động và thị trấn Bình Liêu. Thành viên của tổ truyền thông cộng đồng có cán bộ của thôn, bản, chi, tổ hội đoàn thể cơ sở. Họ liên tục bám sát địa bàn, góp tiếng nói để dần dần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa đi những quan niệm cổ hủ để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt là đẩy mạnh phòng chống bạo lực gia đình.
Để công tác phòng chống bạo lực gia đình đi vào chiều sâu, các cấp, ngành, địa phương còn chú trọng triển khai tuyên truyền đa dạng, như: Truyền thông trực tiếp qua hội nghị, hội thảo; chiến dịch truyền thông qua mạng xã hội; sinh hoạt ngoại khóa tại các trường học, cơ quan, đơn vị... Qua đó đã tạo ra “luồng gió” mới, giúp không chỉ phụ nữ, mà cả nam giới, ở mọi ngành nghề, lứa tuổi đều có chuyển biến tích cực, kịp thời về nhận thức, hành vi của mình. Tiêu biểu như tại phường Hà An (TX Quảng Yên), các mô hình “Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” được thực hiện từ năm 2019, đến nay vẫn duy trì hoạt động đều đặn, mang lại hiệu quả tích cực tới cộng đồng.
Ông Bùi Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND phường Hà An, cho biết: Nhìn chung đời sống các hộ luôn yên ấm, hòa thuận, không xảy ra vi phạm pháp luật về bạo hành phụ nữ và trẻ em. Nhận thức của nhân dân trên địa bàn phường cũng đã chuyển biến rõ rệt, nhận thức được rằng không chỉ có những cái tát, trận đòn roi, mà cả những lời xúc phạm, đe dọa làm tổn hại đến tinh thần, sự ép buộc về tình dục, hoặc kiểm soát về kinh tế, tước bỏ tự do cá nhân... cũng là những hành vi bạo lực gia đình cần được lên án và xoá bỏ.
Theo thống kê, hiện 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập được trên 700 mô hình tổ, nhóm hòa giải cơ sở, tham gia có hiệu quả vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Các mô hình này chủ yếu được khối các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên... đảm nhận thực hiện, với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, hướng tới từng nhóm đối tượng khác nhau. Mục tiêu cuối cùng là giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới từ trong gia đình, từ mỗi khu dân cư, hóa giải những mâu thuẫn nhỏ, không để phát sinh phức tạp.
Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình phù hợp với từng địa bàn cơ sở. Qua đó nhằm liên tục phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức của đông đảo người dân về phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiệm vụ này được thực hiện có hiệu quả cũng chính là yếu tố quan trọng góp phần để tỉnh hoàn thành các mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa, văn minh ở khu dân cư, giữ gìn ANTT tại cơ sở.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/10/2021 với 10 dự án thành phần; trong đó có Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”, do Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện.
Hiện Dự án được triển khai tại 51 tỉnh, thành trong nước, trong đó tỉnh Quảng Ninh thuộc nhóm 11 tỉnh, thành tự chủ kinh phí thực hiện Dự án. Đối tượng thụ hưởng chính của Dự án là ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người DTTS trong các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực, xâm hại, di cư lao động không an toàn, lấy chồng nước ngoài trở về, phụ nữ khuyết tật...
Mục tiêu của Dự án 8 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
|
Hoàng Giang
- TP Móng Cái phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023
- Phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
- Bộ GD-ĐT: Cả nước có gần 700 vụ bạo lực học đường trong hai năm qua
- Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình
Liên kết website
Ý kiến ()