Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 28/12/2024 21:00 (GMT +7)
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Thứ 5, 13/10/2022 | 08:12:03 [GMT +7] A A
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hằng ngày.
Ý thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của chuyển đổi số đối với sự phát triển của đất nước, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia, nhằm nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số...
Phát biểu tại chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh; hạ giá thành sản phẩm; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả.
Có thể nói, thời gian qua, việc chuyển đổi số của quốc gia nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực bước đầu. Nhận thức và hành động về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến. Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo. Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục phát triển. Cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số, công tác truyền thông được thúc đẩy. Dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng. Nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho chuyển đổi số được tăng cường. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng...
Xác định rõ tầm quan trọng, ý nghĩa, hiệu quả, tiện ích mà chuyển đổi số mang lại đối với mọi lĩnh vực và người dân cũng như doanh nghiệp, nên thời gian qua Quảng Ninh đã chủ động đẩy mạnh thực hiện công cuộc chuyển đổi số ở các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành, địa phương và người dân trong tỉnh. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, việc thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính mục tiêu đến năm 2023 sẽ hoàn thành 100% số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được giải quyết thành công ở cả 3 cấp. Đến năm 2024, bảo đảm 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ký bằng chữ ký số và trả kết quả cho người dân trên môi trường mạng.
Hiện tại, 100% thủ tục hành chính tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính. Quảng Ninh cũng đang dẫn đầu về cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia...
Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong chuyển đổi số thời gian qua mới chỉ là bước đầu, thực tế công tác này vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước. Do vậy, để thực hiện được chuyển đổi số một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.
Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số, do vậy chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, để từ đó tạo ra nguồn lực cho sự phát triển, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của quốc gia cũng như địa phương...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()