Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:22 (GMT +7)
Quảng Yên: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong học sinh
Thứ 3, 07/09/2021 | 07:35:36 [GMT +7] A A
Đam mê, sáng tạo với sự hướng dẫn của cán bộ, giáo viên, các em học sinh trên địa bàn TX Quảng Yên đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả cao.
Trường THPT Bạch Đằng (TX Quảng Yên) được đánh giá là đơn vị đi đầu trong phong trào đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin và KHKT vào giảng dạy. Với sự hướng dẫn của thầy cô, phong trào nghiên cứu KHKT đã lan tỏa rộng rãi. Hằng năm, có nhiều nghiên cứu, dự án của học sinh tham gia Hội thi KHKT của tỉnh và đoạt giải. Đề tài máy sản xuất thức ăn sinh học của 2 học sinh Đinh Thị Thanh Tâm, Đinh Đức Nghĩa (lớp 12A8) đã đoạt giải nhì Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 và vừa gửi đi dự thi Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 17 năm 2021. Nhiều khách hàng sử dụng sản phẩm cũng đánh giá cao về máy sản xuất thức ăn sinh học do các em sáng chế.
Đinh Thị Thanh Tâm và Đinh Đức Nghĩa cho biết: Trên thị trường máy nông nghiệp của Việt Nam đã có các dòng máy như xay, trộn, ép viên cám thức ăn cho gia cầm, nhưng chỉ là máy tách rời làm một chức năng. Vì vậy, để có thể đáp ứng cả 3 nhu cầu trên, nhóm chúng em đã nghiên cứu và tiến hành làm máy sản xuất thức ăn sinh học, là tổng thể ghép 3 thiết bị máy vào một hệ thống chung.
Hệ thống bao gồm máy xay, máy trộn và máy ép viên. Máy này tận dụng được tất cả các loại nguyên liệu sẵn có, như: Bã mía, vỏ mía, cây ngô, rau, bèo kết hợp thêm hàm lượng dinh dưỡng chất đạm, tinh bột, men vi sinh để đưa vào xay, trộn, ép viên. Máy có thể xay, trộn 2-2,5 tạ thức ăn/giờ, hoặc xay, trộn và ép viên 1-1,5 tạ thức ăn/giờ… Máy ép viên làm việc ở nhiệt độ tối đa không quá 45 độ C nên đảm bảo hàm lượng men vi sinh có tác dụng cao.
Với cách làm thủ công, tách rời 3 máy riêng lẻ có thể phải tốn 3 nhân công để làm việc, nhưng với hệ thống này thì chỉ cần một người, còn tận dụng được khung bệ của máy, tiết kiệm được chi phí cho người dân. Đặc biệt, với cách làm này, thức ăn của vật nuôi được đảm bảo an toàn, chất lượng thịt của vật nuôi không có hàm lượng các chất tăng trọng.
Tại Trường THCS Phong Cốc (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên), đề tài Dung dịch phòng - trị nấm cho cá cảnh từ lá bàng khô và muối biển của các em Vũ Thị Hải Ly và Nguyễn Thị Thanh Hoa (lớp 9A) cũng đoạt giải ở các cuộc thi KHKT cấp thị xã, cấp tỉnh trước khi dự thi Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 17.
Tính sáng tạo của đề tài là sử dụng lá bàng khô chiết suất dung dịch không màu để phòng và chữa bệnh cho cá Betta, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường. Dung dịch không độc hại, an toàn cho người sử dụng và không ảnh hưởng đến môi trường. Giá thành rẻ do tận dụng được nguồn nguyên liệu và có thể thực hiện được ngay tại gia đình. Đề tài đã được thực nghiệm trên 39 cá thể cá bị nấm thuộc 5 hộ dân tại phường Phong Hải và phường Phong Cốc, cá khỏi bệnh đạt 100%...
Theo cô giáo Nguyễn Hoàng Kim Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Phong Cốc, trường đã tổ chức các hoạt động giáo dục trong đó có giáo dục STEM, hoạt động nghiên cứu KHKT. Đối với cuộc thi KHKT cấp tỉnh, từ năm học 2013 đến nay (trừ năm 2019-2020) nhà trường đều có dự án tham gia và đoạt giải. Đối với Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh, nhà trường tham gia từ lần đầu tiên đến nay đều có giải. Năm học 2019-2020 là năm học đầu tiên Quảng Ninh đưa Cuộc thi sáng tạo robot vào trường học. Phong Cốc là trường đầu tiên trong thị xã và là một trong 2 trường THCS trong toàn tỉnh tổ chức cuộc thi cấp trường, tạo khí thế sôi nổi trong học sinh toàn trường về phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo.
Có thể thấy, phong trào thi đua nghiên cứu ứng dụng KHKT trong học sinh phát triển rất mạnh mẽ, có sức lan tỏa và đem lại hiệu quả thực tiễn cao. Phòng GD&ĐT TX Quảng Yên đã chỉ đạo các trường triển khai thực hiện kịp thời các hội thảo, hội nghị, tập huấn về giáo dục STEM; triển khai giáo dục STEM trong các trường THCS. Đặc biệt, tổ chức nghiên cứu khoa học và cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học.
Để hoạt động nghiên cứu khoa học đi vào chiều sâu và có chất lượng, Phòng GD&ĐT thị xã đã chỉ đạo các trường THCS đưa nội dung nghiên cứu khoa học của học sinh vào chuyên đề sinh hoạt của các tổ bộ môn, xây dựng đội ngũ giáo viên có năng lực tham gia vào công tác hướng dẫn học sinh nghiên cứu; 14 trường có câu lạc bộ STEM với 421 học sinh tham gia duy trì hoạt động hiệu quả... Năm học 2020-2021, 20 trường có cấp THCS (đạt 100%) đều có dự án tham gia cuộc thi KHKT cấp thị xã; 4/5 dự án của thị xã dự cuộc thi KHKT cấp tỉnh đã đoạt giải... Thông qua phong trào đã khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng vào thực tiễn.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()