Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 16:23 (GMT +7)
Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình
Thứ 7, 19/08/2023 | 14:10:33 [GMT +7] A A
Để tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp hoàn chỉnh và hiệu quả dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đây được xem là một trong những khâu quan trọng trong việc xây dựng chính quyền số.
Dịch vụ công trực tuyến toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về TTHC, việc giải quyết TTHC đều được thực hiện trên môi trường mạng. So với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được triển khai trước đây, việc trả kết quả sẽ được thực hiện trực tuyến và ký số, đóng dấu số.
Anh Nguyễn Văn Yên (phường Quang Trung, TP Uông Bí) đến thời hạn phải cấp đổi giấy phép lái xe, nếu như trước đây phải đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để làm TTHC trực tiếp, thì giờ đây anh chỉ cần ở tại địa phương nộp TTHC cấp đổi giấy phép lái xe bằng hình thức trực tuyến toàn trình.
“Toàn bộ quy trình cấp đổi, đồng bộ các loại giấy tờ có liên quan, nộp phí, lệ phí, tôi đều thực hiện trên môi trường mạng mà không cần đến làm việc trực tiếp. Tôi thấy thật sự tiện lợi, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức, không cần phải đi lại, chờ đợi nhiều lần” - anh Yên chia sẻ.
Sau khi tiếp nhận thủ tục trực tuyến của tổ chức, công dân, CBCC sẽ thẩm định, ký số và trình ký cấp trên thông qua hệ thống điện tử. Cán bộ được phân cấp ký phê duyệt cũng sẽ ký bằng chữ ký số và chuyển bộ phận trả kết quả đóng dấu số, trước khi chuyển tiếp kết quả số vào tài khoản dịch vụ công của công dân.
Phó Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT Trần Duy Chinh cho biết: Khi thực hiện dịch vụ công toàn trình, tôi cho rằng rất thuận tiện, thời gian giảm so với trước đây rất nhiều, bất cứ nơi đâu tôi cũng ký phê duyệt được. Bên cạnh đó, việc giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử cũng giúp lưu lại hồ sơ trong thời gian dài.
Hiện nay, Trung tâm Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành cung cấp 1.366 TTHC (đạt 100%) trên cổng dịch vụ công của tỉnh, trong đó có 902 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 72,5%). Đồng thời đã tích hợp, kết nối 1.248 TTHC dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành lên cổng dịch vụ công quốc gia. Cấp huyện đã cung cấp 138 TTHC dịch vụ công trực tuyến, trong đó 88 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Cấp xã đã cung cấp 80 TTHC dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 27 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỉnh cũng đã cung ứng đầy đủ các điều kiện để mọi tổ chức, công dân có thể thực hiện dịch vụ công toàn trình.
7 tháng đầu năm 2023, số hồ sơ dịch vụ công tính riêng trên cổng dịch vụ công cấp tỉnh là 27.577 hồ sơ (đạt 98,3%), số hồ sơ dịch vụ công trên cả cổng dịch vụ công của tỉnh và các phần mềm chuyên ngành là 61.450 hồ sơ (đạt 68,4%); số hồ sơ dịch vụ công tính riêng trên cổng dịch vụ công của cấp huyện là 83.930 hồ sơ (đạt 92,9%), số hồ sơ dịch vụ công trên cả cổng dịch vụ công của tỉnh và các phần mềm chuyên ngành là 192.930 hồ sơ (đạt 56,3%), cấp xã là 149.590 hồ sơ (đạt 94,3%).
Hiện nay, các TTHC của tỉnh đều được cắt giảm 40-50% về thời gian so với quy định của Trung ương. Với dịch vụ công trực tuyến toàn trình, thời gian giải quyết các thủ tục còn được rút ngắn hơn nữa, nếu các bước thẩm định và phê duyệt diễn ra nhanh chóng. Ngoài ra, đối với CBCC xử lý hồ sơ thủ tục dịch vụ công toàn trình, toàn bộ quy trình giải quyết đều công khai, minh bạch, có sự giám sát, đánh giá nhanh, chậm đối với từng bước, rõ người, rõ việc, thể hiện sự chuyên nghiệp trong hoạt động của chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo chỉ đạo của tỉnh và Chính phủ, đồng thời tạo thuận lợi nhất cho chính từng người dân khi giải quyết TTHC, mỗi người dân cần tiếp cận ứng dụng CNTT như: Tạo lập tài khoản dịch vụ công, thanh toán trực tuyến, cấp chữ ký số cá nhân trong việc giải quyết TTHC.
Ngọc Trâm
Liên kết website
Ý kiến ()