Tất cả chuyên mục

Ngành nông sản Việt Nam đang nhanh chóng nắm bắt cơ hội, triển khai nhiều biện pháp kích cầu nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hàng Việt
Ghé khu vực trưng bày trái cây của một siêu thị trên đường An Phú (TP Thủ Đức), chị Nguyễn Kiều Phương (sống tại TP Thủ Đức) chọn cho mình 2kg bơ 034 có xuất xứ từ Lâm Đồng đang giảm giá 50%.
“Tôi thường mua trái cây, nông sản Việt Nam vì chất lượng ngon, hợp khẩu vị gia đình. Các siêu thị cũng thường xuyên có chương trình khuyến mãi cho các mặt hàng này nên tôi cũng mua về sử dụng, góp phần ủng hộ bà con nông dân” - chị Phương chia sẻ.
Ghi nhận của Lao Động cho thấy, tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn TPHCM, các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được giảm giá từ 30-50%. Các loại trái cây đạt chứng nhận OCOP cũng có mức giá hấp dẫn nhằm kích thích sức mua.
Ông Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc thương mại MM Mega Market Việt Nam cho biết, đơn vị đã giảm giá mạnh cho các mặt hàng nông sản, rau củ quả và trái cây trên toàn quốc, với mức giảm lên đến 50%. Bên cạnh đó, siêu thị còn triển khai các chương trình giảm giá cuối tuần dành cho khách hàng thành viên.
Những chương trình kích cầu này không chỉ mở rộng đầu ra bền vững cho nông sản Việt, mà còn nâng cao giá trị và khẳng định chất lượng sản phẩm nội địa trong mắt người tiêu dùng. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thúc đẩy tiêu dùng trong nước và củng cố nền sản xuất quốc gia.
Động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, các chương trình khuyến mãi với mức giảm giá sâu có vai trò hết sức quan trọng trong việc kích thích tiêu dùng. “Việc người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận sản phẩm chất lượng với giá ưu đãi sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy sức mua và từ đó kéo theo đà tăng trưởng kinh tế” - ông Phương nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của doanh nghiệp và hệ thống phân phối, thị trường TPHCM đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Theo Cục Thống kê TPHCM, tính chung 4 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 444.885 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 4.2025, con số này ước đạt 128.886 tỉ đồng, tăng 17,9% so với tháng trước và tăng 37,6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 4 ước đạt 57.776 tỉ đồng, chiếm gần 45% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Các nhóm ngành hàng chính đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh: lương thực, thực phẩm tăng 11,1%, đồ dùng và thiết bị gia đình tăng 12,9%…
Với đà tăng trưởng hiện tại, các doanh nghiệp và hệ thống phân phối kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì và thúc đẩy tiêu dùng trong suốt mùa hè 2025. Những nỗ lực giảm giá, kích cầu không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng mà còn hỗ trợ hiệu quả cho các nhà sản xuất nông nghiệp, giúp ngành nông sản Việt Nam xây dựng vị thế vững chắc trên thị trường nội địa.
Ý kiến ()