Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:24 (GMT +7)
Đẩy nhanh lộ trình đóng cửa các mỏ đá để bảo vệ môi trường
Thứ 5, 11/08/2022 | 08:26:43 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh đặt ra lộ trình phấn đấu đến năm 2025 sẽ chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.
Ngày 13/7/2018, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 119/2018/NQ-HĐND về việc điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ bổ sung giải pháp thực hiện quy hoạch mỏ đá vôi, không cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đá và thực hiện lộ trình đóng cửa mỏ, không gia hạn các mỏ đá vôi nằm dọc theo các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ, khu vực cảnh quan ven Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Bám sát chủ trương này, từ năm 2018 đến nay, các sở, ngành, địa phương đã không tham mưu UBND tỉnh gia hạn thời gian khai thác đối với các mỏ đá đã hết hạn.
Đơn cử như mỏ đá Km6, phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) do Công ty CP Khai thác đá và Sản xuất vật liệu xây dựng Cẩm Phả khai thác được gia hạn gần đây nhất vào năm 2017. Quy mô mỏ đá rộng 12,5ha, sản lượng khai thác bình quân 450.000m3/năm. Theo lộ trình đến năm 2022, mỏ đá Km6 sẽ phải đóng cửa và thực hiện hoàn nguyên môi trường toàn bộ khu vực mỏ đá. Thực hiện chủ trương đóng cửa mỏ, hiện toàn bộ dây chuyền khai thác và sản xuất đá của công ty đã dừng hoạt động theo đúng cam kết.
Ngay sau khi kết thúc khai thác, công ty đã khẩn trương hoàn nguyên môi trường theo quy định. Đến nay, công ty đã tháo dỡ các biển báo, thu hồi hệ thống dây điện; triển khai phương án hạ cốt, cậy bẩy đất đá, tạo mặt bằng những vị trí phù hợp để trồng cây xanh. Từ nay đến cuối năm 2022, Công ty CP Khai thác đá và Sản xuất vật liệu xây dựng Cẩm Phả cam kết sẽ tiếp tục triển khai các phương án hoàn nguyên môi trường như san sửa mặt bằng, trồng và chăm sóc cây xanh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 22 khu vực mỏ đá vôi được cấp phép khai thác. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép 6 khu vực mỏ đá, UBND tỉnh cấp phép khai thác 16 khu vực mỏ đá. Thực hiện chủ trương của tỉnh, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thông báo đến các đơn vị có hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh về lộ trình khai thác, cải tạo môi trường, đóng cửa mỏ theo đúng lộ trình.
Ngoài ra, hướng dẫn các đơn vị ký quỹ phục hồi môi trường theo cam kết trong các phương án, cải tạo phục hồi môi trường được phê duyệt. Công tác phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ trong hoạt động khoáng sản được thực hiện theo đúng quy định. Đặc biệt công tác quan trắc môi trường được tiến hành theo kế hoạch định kỳ nhằm đánh giá hiện trạng môi trường tại các cơ sở hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Được biết, trước đó giai đoạn 2018-2021, tỉnh đã quyết định đóng cửa mỏ đối với 6 khu vực mỏ đá làm vật liệu thông thường. Sau khi đóng cửa các khu vực mỏ đá đã hoàn nguyên cải tạo, phục hồi môi trường trả lại mặt bằng “xanh” cho những khu vực này.
Đối với 16 khu vực mỏ đá do tỉnh cấp phép, theo lộ trình đến năm 2025 sẽ có 12/16 mỏ kết thúc khai thác; 4 mỏ đá còn lại có lộ trình kết thúc khai thác sau năm 2025. Riêng 6 mỏ đá phục vụ sản xuất các nhà máy xi măng do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép việc đóng cửa sẽ do Bộ quyết định. Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường, cảnh quan và phù hợp với định hướng phát triển “xanh”, Quảng Ninh vẫn tiếp tục đề nghị các bộ, ngành cho dừng hoạt động các nhà máy xi măng tại Hạ Long và Cẩm Phả trước năm 2030.
Thực tế trong quá trình khai thác đá dù các doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, tuy nhiên khó tránh khỏi những tác động gây ô nhiễm môi trường và tàn phá cảnh quan xung quanh. Vì vậy, việc “khai tử” dần các mỏ đá là chủ trương đúng, được nhiều người dân ủng hộ.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()