Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 01:16 (GMT +7)
Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển ngành du lịch
Thứ 4, 15/03/2023 | 09:50:48 [GMT +7] A A
Sáng 15/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các tập đoàn, doanh nghiệp chủ chốt; điểm cầu trực tuyến trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau khi mở cửa lại hoạt động du lịch, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, khó khăn, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương cả nước, ngành Du lịch đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và đạt được những kết quả quan trọng. Lượng khách du lịch nội địa thiết lập kỷ lục mới, năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trên bình diện quốc tế tăng đáng kể và nhận thức của toàn xã hội về tác động lan tỏa của ngành Du lịch trong nền kinh tế sau thời gian hơn 2 năm dịch bệnh có chuyển biến tích cực.
Những năm vừa qua, ngành Du lịch đã có những đóng góp tích cực, quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trước dịch Covid-19, lượng khách quốc tế đã tăng 2,3 lần trong vòng 4 năm, từ 7,9 triệu lượt (năm 2015) lên 18 triệu lượt (năm 2019), tăng trưởng bình quân 22,7%/năm. Theo các báo cáo hằng năm của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), đây là mức cao hàng đầu thế giới. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Thái Lan, Malaysia), tăng trưởng 16,2%, cao hơn hẳn mức trung bình toàn cầu (3,8%) và khu vực châu Á và Thái Bình Dương (4,6%).
Trong khi đó, khách nội địa tăng 1,5 lần, từ 57 triệu lượt (năm 2015) lên 85 triệu lượt (năm 2019), tăng trưởng bình quân 10,5% năm. Tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước của ngành Du lịch lên đến 9,2%. Du lịch góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa; bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia.
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cầu hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng phát triển; hệ thống sản phẩm du lịch đã và đang được hình thành, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam ngày càng được cải thiện, xếp hạng 63/140 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2019, tăng 17 bậc so với năm 2011. Năm 2021, xếp thứ 52/117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, Việt Nam là 1 trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng ngành Du lịch cao nhất.
Đại dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến ngành Du lịch thế giới cũng như Việt Nam. Năm 2020, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, công suất buồng bình quân cả nước chỉ đạt 20%; 52% lao động du lịch mất việc làm; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 57,8% so với năm 2019.
Từ tháng 11/2021, Việt Nam đã bước đầu thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Năm 2021, Việt Nam đón khoảng 3.800 lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ khoảng 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, công suất buồng bình quân ước chỉ đạt khoảng 5%, chỉ có 25% lao động du lịch được tham gia công việc toàn thời gian, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ 2020.
Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành và nỗ lực toàn ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa.
Về lượng khách và doanh thu du lịch: thị trường nội địa có tốc độ phục hồi nhanh và tăng trưởng ngoạn mục, là bệ đỡ khôi phục hoạt động du lịch Việt Nam, khẳng định vai trò của mình đối với sự phát triển chung của ngành Du lịch trong bối cảnh hoạt động du lịch quốc tế phạm vi toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt (vẫn giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019), đạt 70% so kế hoạch. Tuy nhiên, việc mở cửa du lịch quốc tế đã thể hiện ý chí, nỗ lực của toàn ngành nhằm “phá băng” sau gần 2 năm đóng cửa. Trong bối cảnh nhiều điểm đến đối thủ cạnh tranh và thị trường còn đang đóng cửa hoặc mở cửa hạn chế, đây có thể nói là những tín hiệu khả quan để phục hồi của Du lịch Việt Nam.
Với việc cho phép mở cửa từ ngày 15/3/2022, Việt Nam được UNWTO đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước mở cửa sớm nhất khu vực. Ngay sau khi mở cửa, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường toàn cầu của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đã liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh. Chỉ tính riêng trong tháng 4, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 70.000 lượt khách và lượng khách quốc tế qua các sân bay của Việt Nam trong tháng 4/2022 đã bằng tổng 3 tháng trước đó cộng lại…
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể các quý vị đại biểu dự Hội nghị Du lịch toàn quốc lần thứ 3. Nhìn lại sau hội nghị du lịch năm 2020, chúng ta phải đối mặt với đại dịch Covid-19 khốc liệt, gây thiệt hại đối với các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành Du lịch. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đất nước ta đã vượt qua đại dịch. Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm, nắm bắt tình hình để đưa ra đối sách quan trọng.
Chính vì vậy, chúng ta cần suy nghĩ để có thêm bài học kinh nghiệm để đối phó với những vấn đề mới nổi lên. Khi đại dịch xảy ra, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa hiểu biết hết về virus, do đó phải dùng biện pháp hành chính để chống dịch bằng các Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ. Lúc đầu, biện pháp này có hiệu quả khi quy mô lây lan chưa nhiều, nhưng khi dịch bùng phát lớn hơn, thì chúng ta đã chuyển trạng thái chống dịch bằng biện pháp hành chính sang biện pháp chuyên môn bằng Chiến lược vaccine, nhờ đó đã thành công trong kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Tháng 3/2022, Chúng ta đã quyết định mở cửa trường học, mở cửa du lịch… Đến bây giờ, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ khi đó là hết sức đúng đắn. Đó là bước ngoặt có tính chiến lược trong quá trình chống dịch. Nhìn lại 2 năm phòng, chống dịch vừa qua, ngành Du lịch bị thiệt hại nặng nề. Thủ tướng đặt vấn đề là Việt Nam là nước mở cửa sớm, chống dịch và kiểm soát dịch bệnh tốt, cũng là nước đông dân, là nền kinh tế đang phát triển, đang chuyển đổi.
Tuy nhiên, so các nước trong khu vực, năm 2022, chúng ta chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch. Hội nghị này là dịp để nhìn lại phát triển ngành Du lịch trong và sau đại dịch 1 năm, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, trên cơ sở tham khảo bài học kinh nghiệm quốc tế, từ đó đưa ra nhiệm vụ giải pháp thời gian tới để có cách vượt qua những khó khăn, biến nguy thành cơ, tận dụng những kinh nghiệm, thời cơ đã có, tận dụng những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của ngành Du lịch so các nước trong khu vực và thế giới để phát triển nhanh và bền vững.
Chúng ta cần triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung suy nghĩ, nghiên cứu xem phát triển ngành Du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương chưa?
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như xung đột Nga-Ukraine, vậy đâu là nguyên nhân chủ quan khi mà trong tiêm chủng, Việt Nam “đi trước về sau”, còn du lịch mở cửa sớm nhưng lại “đi trước về chậm”, tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số? Chính sách gì để chúng ta có đột phá trong thời gian tới, vấn đề hạ tầng như thế nào, xúc tiến và quảng bá như thế nào? Rồi vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa đã hợp lý chưa?…
Chúng ta phải phát huy tối đa những cái đã làm được, những kinh nghiệm hay, bài học quý, phát triển văn hóa gắn với du lịch, phát triển công nghiệp giải trí. Thủ tướng khẳng định du lịch không thể phát triển một mình được, du lịch không phát triển được nếu văn hóa, công nghiệp giải trí không phát triển. Chúng ta cần xem kinh nghiệm các nước chung quanh làm nông thôn? Trách nhiệm của các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân và cả Chính phủ như thế nào? Tất cả phải chung tay phát triển ngành Du lịch.
Du lịch không thể phát triển một mình được, du lịch không phát triển được nếu văn hóa, công nghiệp giải trí không phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Không ai đổ lỗi cho ai mà chúng ta phải tìm ra hướng đi bằng chính đặc thù của đất nước, linh hoạt, không máy móc. Thủ tướng gợi ý cân nhắc hình thành phong trào tất cả chung tay xây dựng đất nước xanh, sạch, đẹp để phát triển kinh tế-xã hội và du lịch bền vững được không?
Thủ tướng nêu rõ, cần phải nỗ lực phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Sau hội nghị này, cần phải ban hành một Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch, nếu cần cả Nghị định hoặc trình Quốc hội điều chỉnh, sửa đổi luật liên quan.
Thủ tướng mong các đại biểu hiến kế để chọn việc trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực, sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó. Quy hoạch và chương trình vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài, nguồn lực thì phải phù hợp khả năng.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()