Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:57 (GMT +7)
Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm ngành giao thông vận tải
Thứ 3, 21/02/2023 | 17:11:55 [GMT +7] A A
Chiều 21/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được truyền trực tuyến 39 tỉnh, thành phố có các dự án giao thông trọng điểm đi qua. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Về các dự án giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội: tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội chưa phê duyệt các dự án thành phần đầu tư đường song hành và dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nguyên nhân do chậm trong triển khai lựa chọn nhà thầu tư vấn, chậm triển khai công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (theo yêu cầu phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày 31/12/2022, phê duyệt dự án đầu tư ngày 30/1/2023).
Dự án Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh: tỉnh Long An, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án thành phần đầu tư xây dựng đường vành đai. Tỉnh Đồng Nai chưa phê duyệt do chậm triển khai công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (theo yêu cầu, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày 15/11/2022, phê duyệt dự án đầu tư ngày 30/11/2022).
Dự án Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột: chưa phê duyệt các dự án thành phần do điều kiện địa hình khó khăn, thời tiết bất lợi đồng thời phải cân đối tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần nên công tác triển khai lập, phê duyệt dự án kéo dài hơn so dự kiến (theo yêu cầu, phê duyệt dự án đầu tư ngày 20/1/2023).
Dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng: tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ đã phê duyệt dự án thành phần, riêng tỉnh An Giang chưa phê duyệt dự án thành phần 1 do công tác thẩm định phê duyệt của tỉnh kéo dài hơn so dự kiến (theo yêu cầu, phê duyệt dự án đầu tư ngày 20/1/2023).
Đối với các dự án đang triển khai thi công (24 dự án/dự án thành phần): dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020: gồm 11 dự án thành phần, đã đưa vào khai thác 2 dự án thành phần trong năm 2022, kế hoạch hoàn thành 7 dự án thành phần trong năm 2023 và 2 dự án thành phần trong năm 2024:
Ba dự án thành phần đoạn Mai Sơn–Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây (dài 263km) hoàn thành trước ngày 30/4/2023: Bộ Giao thông vận tải đang quyết liệt chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công tập trung nhân lực, thiết bị, thi công “3 ca, 4 kíp” để bảo đảm tiến độ yêu cầu. Hiện nay, thủ tục gia hạn mỏ đất đắp tại tỉnh Bình Thuận chưa hoàn thành, ảnh hưởng tiến độ thi công hệ thống đường gom; Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các đơn vị tập trung hoàn thành tuyến chính để đưa vào khai thác sử dụng theo kế hoạch.
Bốn dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Nha Trang-Cam Lâm, cầu Mỹ Thuận 2 (dài 149km) hoàn thành cuối năm 2023: sản lượng thi công từ 58,8% đến 71,6% giá trị hợp đồng, tiến độ đáp ứng yêu cầu.
Hai dự án thành phần đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt và Cam Lâm-Vĩnh Hảo (dài 128km) hoàn thành trong năm 2024: sản lượng thi công đạt 25,6% và 39,6% giá trị hợp đồng. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Ban Quản lý dự án theo dõi sát tiến độ triển khai, đôn đốc chủ đầu tư có các giải pháp kịp thời bảo đảm tiến độ hoàn thành.
Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 (dài 721,2km) gồm 12 dự án thành phần cơ bản hoàn thành trong năm 2025: các tỉnh đã bàn giao mặt bằng 559/721,2km (đạt 77,6%). Tuy nhiên, vẫn còn vướng mặt bằng tại một số vị trí đường tiếp cận công trường và do một số hộ dân chưa bàn giao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.
Các dự án thành phần đã đồng loạt triển khai, hiện nay, các nhà thầu đang tập trung huy động máy móc, nhân lực, xây dựng lán trại, thi công đường công vụ, triển khai các thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng và thi công các hạng mục trên tuyến. Bộ Giao thông vận tải đang tập trung chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai thi công quyết liệt ngay từ giai đoạn đầu, bảo đảm tiến độ.
Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (dài 40,2km): tỉnh Tuyên Quang đang chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Tuyên Quang đang phối hợp các bộ, ngành để bổ sung đầu tư hoàn thiện đường theo quy mô 4 làn xe (Bnền=17m, Bmặt=16m), bảo đảm hoàn thành đưa vào khai thác trước ngày 31/12/2023.
Dự án đường bộ cao tốc Bến Lức-Long Thành (dài 57,7km): Tổng công ty VEC đang phối hợp các bộ, ngành hoàn thành các thủ tục điều chỉnh dự án và bố trí nguồn vốn. Hai gói thầu (A2-2 và A7) đang triển khai thi công nhưng tiến độ rất chậm; 4 gói thầu (A1, A4, A6, J3) đang thực hiện thủ tục để lựa chọn nhà thầu, tiến độ triển khai chậm do các vướng mắc về nguồn vốn.
Dự án đường giao thông kết nối với Nhà ga hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (dài 4km): dự án đã được Thành phố Hồ Chí Minh khởi công vào ngày 24/12/2022. Tuy nhiên, việc triển khai chậm do vướng giải phóng mặt bằng (tiến độ yêu cầu hoàn thành bàn giao mặt bằng trong tháng 12/2022.
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng - đã nêu rõ, đến 2025 phải có 3.000km đường cao tốc, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện. Được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt triển khai các dự án giao thông trọng điểm. Chúng ta nhìn lại việc triển khai các dự án trọng điểm vừa qua, đánh giá khách quan, trung thực xem ta đã làm được những gì, nguyên nhân; từ đó phải bám sát các mục tiêu, bảo đảm sự chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh, môi trường. Chúng ta cần đúc rút kinh nghiệm ngay, hạn chế những bất cập, từ đó đạt mục tiêu cao nhất trong công tác này.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()