Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 16:26 (GMT +7)
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia
Thứ 3, 18/10/2022 | 21:52:37 [GMT +7] A A
Chiều 18/10, Ban Chỉ đạo TW các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tổ chức Hội nghị với 63 tỉnh, thành về kết quả thực hiện các chương trình giải ngân vốn đầu tư công đến cuối năm nay.
Chiều 18/10, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đánh giá kết quả thực hiện các chương trình và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2022.
Cuộc họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu trên cả nước.
Tỷ lệ giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp
Báo cáo tại cuộc họp, thay mặt Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, cơ quan Trung ương đã tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền ban hành 68/73 văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ bản hoàn thành 93% số nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, làm cơ sở triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên cả nước.
Cụ thể, liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia, đã có 2 nghị định của Chính phủ, 23 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 43 thông tư, quyết định, văn bản, kế hoạch cấp bộ quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện nội dung, hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại địa phương, đến nay đã có 52/52 địa phương được phân bổ ngân sách Trung ương ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn để thực hiện các chương trình. 14/52 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn; 9/52 địa phương đã ban hành quy định phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện; 9/52 địa phương đã ban hành văn bản quy định thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư đối với dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; 6/52 địa phương đã ban hành cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất.
Về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia 9 tháng năm 2022, báo cáo cho thấy, vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ, giao kế hoạch là hơn 99 nghìn tỷ đồng; trong đó, hơn 7.900 tỷ đồng là vốn đầu tư phát triển; hơn 91.000 tỷ đồng là vốn sự nghiệp.
Đến nay, đã có 52/52 địa phương được giao vốn ngân sách Trung ương đã có quyết định giao kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan đơn vị cấp trực thuộc. 34/52 địa phương đã phân bổ 100% kế hoạch vốn được giao; 10/52 địa phương phân bổ trên 90% kế hoạch vốn được giao; 8/52 địa phương phân bổ trên 70% kế hoạch vốn được giao.
Về kết quả giải ngân vốn, tỷ lệ hiện nay còn rất thấp. Tuy nhiên, một số địa phương sau khi hoàn tất công tác giao vốn đã tập trung triển khai thực hiện và có kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương đạt khá như Tây Ninh (74,55%); Lạng Sơn (26,1%); Hậu Giang (21,5%); Hà Nam (39,1%); Vĩnh Long (47,57%); Thái Nguyên (17%).
Về giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương, có 46/63 địa phương báo cáo đã cân đối, bố trí hơn 13.800 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; 18/63 địa phương báo cáo kết quả giải ngân vốn khoảng 4.000 tỷ đồng, ước đạt 29,38% vốn địa phương.
Đến nay, cả nước có 5.824/8.225 xã, tương đương 71,2 % xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 925 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 110 xã đạt chuẩn nông thốn mới kiểu mẫu. Cùng với đó, 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Hiện, có 5 tỉnh: Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết hiện nay, tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo thẩm quyền của các bộ, cơ quan trung ương còn chậm so với tiến độ được giao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện một số nội dung, hoạt động thuộc các chương trình.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng tại các cấp ở hầu hết các địa phương chưa hoàn thành. Đến ngày 30/9/2022, có 37/52 địa phương vẫn đang trong quá trình lựa chọn, phê duyệt dự án, chưa thực hiện và giải ngân vốn.
Việc điều chỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp năm 2022 của 2 chương trình mục tiêu quốc gia: “Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững,” theo chỉ tiêu giao chi tiết kinh phí sự nghiệp của Bộ Tài chính làm chậm tiến độ phân bổ, giao dự toán kinh phí sự nghiệp và triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Riêng với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, do Bộ Tài chính giao kinh phí sự nghiệp chậm nên tới cuối tháng 9/2022, các địa phương mới hoàn thành việc phân bổ.
Những khó khăn trên dẫn tới tình trạng chậm phân bổ, giao kế hoạch và tổ chức thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Nhiều địa phương phản ánh khó có thể hoàn thành việc giải ngân kế hoạch vốn trước 31/12/2022 và đề nghị kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn sang năm 2023.
Tập trung khắc phục tình trạng chậm phân bổ, giải ngân vốn
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nêu một số giải pháp, kiến nghị nhằm khắc phục tình trạng chậm phân bổ, giải ngân nguồn vốn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia từ nay đến cuối năm. Các đại biểu đề nghị, cần tập trung hoàn thành việc ban hành một số văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện nội dung, dự án thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương.
Các cơ quan chủ quản chương trình tập trung quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước còn lại chưa phân bổ của giai đoạn 2021-2025 và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chương trình thông qua hoạt động chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo các cấp để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp xử lý.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương; tăng cường công tác xây dựng kế hoạch vốn thực hiện các chương trình năm 2023 để tạo sự chủ động trong triển khai công tác giải ngân ngay khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Một số đại biểu kiến nghị các bộ, ban, ngành cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; có hướng dẫn cụ thể đối với các tiểu dự án về công nghệ thông tin, đất ở, đất sản xuất… theo đặc thù địa phương.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá qua báo cáo, phát biểu của đại diện các địa phương, ý kiến giải trình các bộ, ngành liên quan tại cuộc họp, có thể thấy, việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Phó Thủ tướng lưu ý Chính phủ đặt mục tiêu rất cao trong năm 2022 trong thực hiện giải ngân đầu tư công nói chung và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng.
Đối với công tác giải ngân đầu tư công, Phó Thủ tướng cho biết đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt mức dưới 50%, còn thấp so với yêu cầu. Do đó, từ nay đến cuối năm, cần triển khai nhanh chóng các giải pháp tăng tỷ lệ vốn đầu tư công.
Đối với việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian tới, cần chú trọng hoàn thiện văn bản pháp lý cần thiết. Việc hoàn thiện 5 văn bản, thông tư hướng dẫn cần được các bộ, ngành thực hiện trong tháng 10/2022. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương triển khai ngay các hạng mục trong một số dự án, tránh việc chờ văn bản hướng dẫn đầy đủ.
Nêu thực tế khách quan và do quy định pháp luật, nhiều dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia bị chậm do thủ tục hành chính còn rườm rà, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương có giải pháp khắc phục, đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng việc quy định phân cấp cụ thể đối với từng khâu triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương cố gắng triển khai tối đa, quyết liệt giải ngân kịp thời nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022, tránh chuyển sang năm 2023./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()