Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:20 (GMT +7)
Dạy robot lúc nào nên cười
Chủ nhật, 09/10/2022 | 09:11:16 [GMT +7] A A
Các nhà khoa học hiện đang phát triển một hệ thống AI nhằm tái tạo lại những sắc thái biểu cảm của con người bằng cách dạy nó cười đúng cách, vào đúng thời điểm.
Theo nhóm nghiên cứu đằng sau con robot cười, có tên là Erica, hệ thống này có thể giúp các cuộc trò chuyện giữa con người và AI trở nên tự nhiên hơn.
“Chúng tôi nghĩ rằng một trong những chức năng quan trọng của AI đàm thoại là sự đồng cảm. Vì vậy, chúng tôi tin rằng cách mà robot có thể đồng cảm với người dùng là chia sẻ tiếng cười cùng với họ”, tiến sĩ Koji Inoue, Đại học Kyoto, tác giả chính của nghiên cứu nói.
Tiến sĩ Inoue và các đồng nghiệp đã bắt đầu dạy cho hệ thống AI của họ nghệ thuật của việc trò chuyện bằng tiếng cười. Họ thu thập dữ liệu đào tạo từ hơn 80 cuộc đối thoại giữa sinh viên đại học và người máy, mà thực ra ban đầu được điều khiển bởi bốn diễn viên nữ.
Sau đó trong từng cuộc hội thoại, tiếng cười một mình, tiếng cười xã giao (không có sự hài hước, chẳng hạn như tiếng cười lịch sự hoặc xấu hổ) và tiếng cười lớn sẽ được chú thích. Dữ liệu này sau đó được sử dụng để đào tạo một hệ thống AI quyết định xem có nên cười hay không và chọn kiểu cười thích hợp.
Bắt chước một tiếng cười lịch sự nhỏ có thể khó xử, nhưng tham gia một tràng cười vui vẻ lại thể hiện sự đồng cảm. Dựa trên các tệp âm thanh, hệ thống đã tìm hiểu các đặc điểm cơ bản của kiểu cười xã giao, có xu hướng nhẹ nhàng hơn, và kiểu cười thật sự, với mục đích thực hiện chúng trong các tình huống thích hợp.
“Thách thức lớn nhất của chúng tôi trong dự án này là xác định các trường hợp chia sẻ tiếng cười thật sự, điều này không hề dễ dàng vì như bạn có thể thấy, hầu hết tiếng cười thực chất không được chia sẻ. Chúng tôi đã phải cẩn thận phân loại chính xác những tiếng cười nào mà chúng tôi có thể sử dụng để phân tích, chứ không thể giả định rằng bất kỳ tiếng cười nào cũng nên được đáp lại”, tiến sĩ Inoue cho biết.
Nhóm đã kiểm tra “khiếu hài hước” của Erica bằng cách tạo ra bốn cuộc đối thoại ngắn để nó chia sẻ với một người, với hệ thống chia sẻ tiếng cười mới được thêm vào phần mềm trò chuyện hiện có. Các cuộc hội thoại sau đó được phát cho 130 tình nguyện viên, những người sẽ đánh giá hệ thống dựa trên khả năng đồng cảm, tính tự nhiên, và sự thấu hiểu giống con người.
Nhóm nghiên cứu tin rằng tiếng cười có thể giúp tạo ra các robot có đặc điểm riêng biệt. “Chúng tôi nghĩ rằng chúng có thể thể hiện cá tính thông qua các hành vi trò chuyện, chẳng hạn như tiếng cười, ánh mắt, cử chỉ và phong cách nói”, tiến sĩ Inoue cho biết và nói thêm rằng, có thể mất hơn 20 năm trước khi chúng ta có thể có một trò chuyện với một robot giống như với một người bạn.
Giáo sư Sandra Wachter, thuộc Viện Internet Oxford tại Đại học Oxford cho biết: Một trong những điều cần lưu ý là một con robot hoặc một hệ thống sẽ không bao giờ có thể hiểu được bạn. Nó không biết bạn, không hiểu bạn và không hiểu ý nghĩa của tiếng cười. “Chúng không có tri giác, nhưng chúng có thể rất giỏi trong việc khiến bạn tin rằng chúng nhận thức được chuyện gì đang xảy ra”, giáo sư nói.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()