Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:48 (GMT +7)
Dạy trẻ biết 'lựa lời mà nói' theo từng độ tuổi
Thứ 2, 08/07/2024 | 12:09:07 [GMT +7] A A
Chìa khóa để dạy trẻ về lịch sự và sự tử tế là giáo dục con từ sớm cùng với sự nhất quán trong hành vi của người lớn.
Cha mẹ là hình mẫu đầu tiên và quan trọng nhất của trẻ.
Phụ huynh nên dạy trẻ giao tiếp qua việc hướng dẫn nói những lời hay, ý đẹp từ lứa tuổi mẫu giáo. Bởi, đây là giai đoạn trẻ bắt đầu học nói, hình thành những ý thức ban đầu về cách giao tiếp.
Tránh tiếp xúc ngôn từ không phù hợp
Lời nói, dù ở thời đại nào, cũng mang sức mạnh tối thượng trong việc biểu đạt tư tưởng, tình cảm của con người khi giao tiếp. Sử dụng lời nói khôn ngoan giúp người nghe xác định chính xác thái độ và mong muốn của người nói, đồng thời mang lại cảm xúc tốt đẹp cho người nghe.
Còn gì tuyệt vời hơn khi hàng ngày chúng ta gặp một đứa trẻ lịch sự, nói những lời nhẹ nhàng tử tế. Một đứa trẻ biết chào hỏi lễ phép, nói “làm ơn”, cúi đầu nói “cảm ơn” mà không cần được nhắc nhở.
Chắc chắn, phụ huynh nào cũng sẽ cảm thấy vô cùng tự hào khi con mình luôn có những “lời hay ý đẹp”.
Không ít phụ huynh cảm thấy khó khăn trong quá trình giáo dục con lời ăn tiếng nói. Song, theo các chuyên gia, sự giáo dục đúng mực và sâu sắc là điều khó khăn, nhưng không đến mức là không thể.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, sự khen ngợi động viên không chỉ tác động tích cực đến trẻ như nâng cao lòng tự trọng, giúp trẻ học cách tin vào bản thân, mà còn hỗ trợ phát triển trí tưởng tượng, thúc đẩy chúng tiếp tục cố gắng và nỗ lực hết mình trong mọi điều. Đồng thời, sự động viên còn thay đổi cả ngôn từ trẻ sử dụng theo hướng tích cực.
Từ xa xưa, đã có câu “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, trẻ tiếp xúc với hàng loạt thông tin trên Internet. Đó cũng là một trong những lý do khiến không ít trẻ và cả các bậc phụ huynh bỏ quên tầm quan trọng của việc nói những lời hay, ý đẹp.
Chia sẻ về vấn đề này, ThS công tác xã hội Đinh Văn Mãi – Trường Đại học Văn Lang (TPHCM) cho biết: “Trẻ ngày nay có nhiều cơ hội tiếp xúc với mạng xã hội từ sớm. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ xem, đọc, nghe, nhìn những video, bài viết sử dụng các từ xấu, nói tục, chửi bậy. Phụ huynh cần giúp trẻ tránh tiếp xúc với những từ ngữ, video không phù hợp khi dùng Internet”.
Cũng theo chuyên gia này, phụ huynh có thể cân nhắc một số giải pháp. Trước hết, cần đặt ra khoảng thời gian cố định cho trẻ sử dụng Internet. Lưu ý, cần trao đổi về thời gian để con cam kết thực hiện.
Ngoài ra, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ lựa chọn những nội dung phù hợp với lứa tuổi và giới thiệu cho con những website lành mạnh, có tính giáo dục. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động online bổ ích như học trực tuyến, chơi game giáo dục. Trẻ cũng có thể tham gia các diễn đàn hoặc nhóm sở thích tích cực.
“Cha mẹ hãy dành thời gian để trò chuyện, lắng nghe những điều trẻ chia sẻ khi sử dụng Internet. Điều đó sẽ giúp phụ huynh thấu hiểu những điều trẻ tiếp nhận cũng như định hướng cho trẻ ứng xử văn minh, lịch sự trên môi trường không gian mạng”, chuyên gia gợi ý.
Phụ huynh đồng thời có thể dạy trẻ kỹ năng sử dụng Internet hiệu quả, bảo mật thông tin trên mạng xã hội, cũng như chia sẻ với con những tác hại của mạng xã hội để tăng cường “vắc-xin số” cho trẻ.
“Trẻ thường học theo hành động của người lớn. Do đó, việc phụ huynh thể hiện cách sử dụng Internet đúng mực sẽ ảnh hưởng tích cực đến trẻ. Việc áp dụng những biện pháp này sẽ giúp phụ huynh bảo vệ trẻ khỏi các nội dung không phù hợp trên Internet. Đồng thời, tạo điều kiện cho trẻ phát triển kỹ năng sử dụng Internet một cách an toàn và hiệu quả”, ThS Đinh Văn Mãi chia sẻ.
Theo giảng viên Trường Đại học Văn Lang, việc giáo dục cho trẻ nói những lời hay, ý đẹp nên được chú trọng thực hiện khi con còn nhỏ. Qua đó, giúp trẻ dần hình thành nên thói quen giao tiếp lịch sự, biết và thực hành sử dụng ngôn từ tích cực, tôn trọng khi trưởng thành.
Việc sử dụng ngôn từ lịch sự, nhã nhặn sẽ giúp trẻ biết cách biểu đạt ý kiến rõ ràng, cụ thể và tôn trọng người khác. Từ đó, khích lệ trẻ giao tiếp tốt hơn, nâng cao lòng tự trọng.
Đồng thời, việc sử dụng lời hay, ý đẹp giúp trẻ dễ dàng xây dựng và duy trì mối quan hệ tích cực với gia đình, thầy cô, bạn bè; tạo nên bầu không khí gia đình an toàn, hòa thuận, góp phần xây dựng một tổ ấm hạnh phúc khiến trẻ cảm thấy thuộc về, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ khi vui, khi buồn và có trách nhiệm với gia đình.
Mặt khác, trẻ biết cách lựa lời nói sẽ giúp giảm thiểu xung đột, mâu thuẫn khi tương tác trong gia đình hay tham gia học tập. Bởi trẻ sẽ biết cách diễn đạt ý kiến phù hợp mà không làm tổn thương người khác. Từ đó, giúp trẻ phát triển nhân cách tốt đẹp.
Áp dụng những cách khác nhau
Theo ThS Đinh Văn Mãi, tùy vào từng độ tuổi của trẻ mà phụ huynh sẽ áp dụng những cách khác nhau để dạy con.
Cụ thể, với trẻ ở giai đoạn mẫu giáo (3 – 5 tuổi), phụ huynh cần làm gương khi giao tiếp với con cũng như các thành viên trong gia đình. Bởi, trẻ em ở độ tuổi này học thông qua quan sát và bắt chước người lớn.
Cha mẹ cần sử dụng ngôn từ lịch sự, nhã nhặn trong giao tiếp hàng ngày để trẻ noi theo. Phụ huynh dành thời gian để đọc cho trẻ nghe những câu chuyện có nội dung sử dụng ngôn từ lịch sự, tổ chức trò chơi sắm vai để trẻ thực hành nói lời hay, ý đẹp. Phụ huynh cũng nên khen ngợi, khuyến khích trẻ khi trẻ sử dụng ngôn từ tích cực. Điều này giúp trẻ cảm thấy tự hào và muốn tiếp tục nói lời hay ý đẹp.
Với học sinh giai đoạn tiểu học (6 – 12 tuổi), phụ huynh giáo dục con thông qua các tình huống giao tiếp thực tế hằng ngày, giải thích rõ vì sao con nên sử dụng những ngôn từ đó.
Phụ huynh nên chia sẻ về tầm quan trọng của việc sử dụng ngôn từ lịch sự, nhã nhặn. Đồng thời, đặt ra những quy tắc về việc sử dụng ngôn từ trong gia đình, ví dụ như không được nói tục, phải biết cảm ơn và xin lỗi. Phụ huynh cũng cần hướng dẫn trẻ giao tiếp an toàn, lịch sự trên mạng xã hội.
Với trẻ ở độ tuổi từ 13 trở lên, phụ huynh khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện. Những hoạt động này giúp trẻ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ bạn bè lành mạnh, học hỏi cách sử dụng ngôn từ lịch sự từ những người xung quanh.
Qua từng tình huống giao tiếp thực tế, chúng sẽ rút ra bài học về cách sử dụng ngôn từ tích cực khi giao tiếp trực tiếp cũng như trên mạng xã hội.
Theo ThS Mãi, để trẻ thấm nhuần và biến việc nói lời hay ý đẹp thành thói quen, phụ huynh có thể áp dụng những cách thức cụ thể, như: Thường xuyên nhắc nhở và củng cố thói quen sử dụng ngôn từ tích cực trong các tình huống hằng ngày. Khi nhắc nhở, phụ huynh cũng lưu ý sử dụng từ ngữ chuẩn mực với trẻ. Xây dựng môi trường giao tiếp lành mạnh, tôn trọng trong gia đình. Khi thấy mọi người xung quanh sử dụng ngôn từ tích cực, trẻ sẽ dễ dàng học theo.
“Việc dạy trẻ cần có sự đồng lòng của cha mẹ, cũng như những thành viên khác trong gia đình. Phụ huynh cần kiên nhẫn, từng bước hình thành cho trẻ ý thức nói lời hay ý đẹp, đừng nản lòng nếu con chưa thực hiện ngay lập tức. Đồng thời, đừng xung đột với thành viên khác trước mặt trẻ mà hãy tinh tế xử lý tình huống để con không cảm thấy mặc cảm.
Áp dụng những điều này sẽ giúp trẻ phát triển thói quen sử dụng ngôn từ lịch sự, nhã nhặn từ khi còn nhỏ. Từ đó, hình thành nhân cách và kỹ năng giao tiếp tốt khi trưởng thành”, ThS Đinh Văn Mãi cho biết.
Theo giaoducthoidai.vn
Liên kết website
Ý kiến ()