Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:04 (GMT +7)
ĐBQH Ngô Thị Minh tham gia ý kiến về Luật Phòng cháy, chữa cháy
Chủ nhật, 27/10/2013 | 11:52:39 [GMT +7] A A
Chiều ngày 25-10, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận tại hội trường về Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Tham gia phát biểu, Đoàn ĐBQH Quảng Ninh có đại biểu Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Đại biểu Ngô Thị Minh đồng tình cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý chặt chẽ, thuyết phục của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu khá nhiều ý kiến của ĐBQH tham gia từ kỳ họp thứ 5 và sự tiếp thu chỉnh lý này đã cơ bản khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay.
Đại biểu Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu. |
Đại biểu đồng tình cao về việc bỏ quy định về “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình phải bồi thường khi để xảy ra cháy nổ, gây thiệt hại cho các nhân, tổ chức” ra khỏi dự thảo vì cháy nổ là điều không ai muốn xảy ra. Tại Điều 5 của Luật PCCC đã ghi rõ: “PCCC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Khoản 3 điều này cũng nêu trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCCC, đồng thời chúng ta đã có luật bồi thường Nhà nước, điều chỉnh chung cho các thiệt hại thuộc phạm vi, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước gây ra thiệt hại, trong đó có các công chức thực thi nhiệm vụ và luật này cũng dẫn chiếu “nếu luật bồi thường Nhà nước không có quy định cụ thể về việc xác định trách nhiệm bồi thường và thủ tục giải quyết bồi thường đối với các trường hợp thuộc phạm vi, trách nhiệm bồi thường Nhà nước thì áp dụng các quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự (Điều 4 - Luật bồi thường Nhà nước)".
Đại biểu cũng nhất trí cao với việc quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chủ hộ gia đình, trách nhiệm cá nhân và lực lượng cảnh sát PCCC như trong dự thảo luật.
Về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng PCCC, đại biểu cho rằng, qua thực tế từ trước đến nay, lực lượng này là một lực lượng trong bộ phận công an nhân dân, tính chất vũ trang rất rõ, họ không chỉ làm nhiệm vụ PCCC mà còn làm nhiều việc khác thuộc chức năng nhiệm vụ chung của ngành công an, đặc biệt là tham gia bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống khủng bố... Thời gian qua, ở một số nơi đã thành lập Sở PCCC như: Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất với Chính phủ cho thành lập Sở PCCC trực thuộc Ủy ban thành phố. Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động, thấy hiệu quả không cao nên đã chuyển về Bộ Công an quản lý, đại biểu đề nghị, lực lượng này nên thống nhất gọi tên là “Cảnh sát PCCC” của tỉnh, thành phố và là một bộ phận của lực lượng công an nhân dân, để thống nhất về tổ chức trên phạm vi cả nước.
Về quy định của Luật PCCC đối với khu cao tầng (chung cư, khu văn phòng, trung tâm thương mại...), đại biểu băn khoăn về hệ thống báo cháy, chữa cháy và hệ thống gas nhiên liệu cung cấp cho các gia đình. Theo đại biểu, trong dự thảo luật cần phải có quy định chặt chẽ về việc thiết kế hệ thống báo cháy theo tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với công trình và phải được kiểm định trước khi lắp đặt; đồng thời với thiết bị báo cháy nên khuyến khích trang bị hệ thống chữa cháy tại chỗ như: hệ thống vòi phun nước tự động, cung cấp ô xy... để giảm thiểu thiệt hại về người. Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm các giải pháp PCCC cho các nhà cao tầng ở các nước phát triển áp dụng cho phù hợp. Mặt khác, dự thảo cần xem xét các quy định tại Điểm 4 Điều 22 trong dự thảo về hệ thống gas nhiên liệu cung cấp cho gia đình, điều này quy định “Tổ chức cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ công ứng, vận chuyển vật tư, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC, phải in các thông số kỹ thuật trên nhãn hàng hóa và phải có bản hướng dẫn an toàn về PCCC bằng tiếng Việt”. Tuy nhiên thực tế, sản phảm của các nhà cung cấp gas nhiên liệu, nhiều cơ sở không thực hiện quy định này; thậm chí một số cơ sở sử dụng quy trình sang, chiết gas và hệ thống bình chứa gas không an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao nhưng việc kiểm tra thực hiện quy định về PCCC nhiều nơi làm chưa thường xuyên, việc xử lý vi phạm thiếu nghiêm túc... Vấn đề này đặt ra là cơ quan nào có thẩm quyền về chuyên môn để kiếm tra, thẩm định các tiêu chuẩn kỹ thuật của các phương tiện, trang thiết bị PCCC trước khi lắp đặt cho các công trình hoặc trước khi đưa vào sử dụng và trách nhiệm đối chiếu, kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật trên thực tế có đúng với giấy tờ trình báo hay không, ban soạn thảo cũng cần quy định rõ trách nhiệm này thuộc về của cơ quan quản lý Nhà nước về PCCC hay cơ quan đăng kiểm...
Tiếp đó, đại biểu tham gia vào một số điều khoản cụ thể, tại Điều 3 về giải thích từ ngữ, đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm khái niệm “khí dễ cháy, nổ; hóa chất nguy hiểm cháy nổ; vật tư, hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ”, để có cơ sở phân biệt với các chất bình thường trong quá trình sử dụng, kiểm tra, giám sát; tại Điểm đ, Mục 3b Điều 5, đề nghị thay cụm từ “trực tiếp phát sinh” bằng từ “gây”; tại Điều 23 về “phòng cháy đối với công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm, công trình khai thác khoáng sản khác, nhà khung thép mái tôn”, đại biểu đề nghị bổ sung thêm vào Khoản 3 điều này các cụm từ “đường lò”, “khí cháy nổ”, “bụi than”, “than tự cháy”, “các loại khí phát sinh tự cháy trong hầm lò”, “cháy nổ”, “khí độc hại”, đây là những cụm từ rất cần thiết đặt ra trong thực tiễn ngành khai thác than...
Ngô Sỹ Khảo (VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()