Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:54 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Thứ 2, 27/05/2024 | 18:37:47 [GMT +7] A A
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 27/5 Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị tại Khoản 1 Điều 18 dự thảo Luật quy định Hội đồng Quản lý bảo hiểm xã hội được tổ chức ở cấp quốc gia có trách nhiệm giám sát hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội và tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, một số quy định tại Điều 19 về trách nhiệm của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội không chỉ dừng lại ở trách nhiệm “giám sát, tư vấn” mà có thêm vai trò quyết định như tại khoản 2 và khoản 4 quy định Hội đồng Thông qua các báo cáo hằng năm về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm; tình hình quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm; đề án, phương án bảo toàn và tăng trưởng các quỹ bảo hiểm…Do đó không phù hợp với vai trò “giám sát, tư vấn” của Hội đồng quản lý. Đại biểu đề nghị, cần làm rõ nội hàm trong các quy định này.
Tại khoản 3 quy định Hội đồng quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư cụ thể của các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế trên cơ sở đề nghị của cơ quan bảo hiểm xã hội. Đại biểu cho rằng, danh mục, cơ cấu, phương thức đầu tư các quỹ bảo hiểm là rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự an toàn, bền vững, phát triển của các Quỹ bảo hiểm trong Luật này. Đây cũng là một trong những nội dung quản lý nhà nước về BHXH quy định tại điều 134 (khoản 6) của dự thảo luật, do đó, chủ thể quyết định những vấn đề này phải gắn với thẩm quyền quản lý nhà nước. Vì vậy, hội đồng quản lý quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về danh mục, cơ cấu và phương thức đầu tư các quỹ bảo hiểm là chưa phù hợp, bởi vì hội đồng quản lý không thuộc cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan tham gia phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về BHXH được quy định tại điều 135 dự thảo Luật.
Với các quy định tại khoản 2, 3, 4 điều 19 không phân định rõ trách nhiệm “quản lý nhà nước” của các Bộ với trách nhiệm Hội đồng Quản lý bảo hiểm xã hội. Đại biểu đề nghị cần xác định rõ hơn về phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý về bảo hiểm xã hội, tránh chồng chéo, không rõ trách nhiệm.
Đối với chiến lược phát triển ngành BHXH, tại điều 134 của dự thảo Luật quy định rõ một trong các nội dung quản lý nhà nước: Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, tuy nhiên, điều 137 chỉ quy định Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, chiến lược, kế hoạch phát triển bảo hiểm xã hội. Điều 19 quy định, Hội đồng Quản lý BHXH có trách nhiệm thẩm định chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội, giám sát, kiểm tra việc thực hiện của cơ quan bảo hiểm xã hội về chiến lược, kế hoạch, đề án sau khi được phê duyệt. Như vậy, dự thảo Luật mới chỉ quy định về thẩm quyền xây dựng, trình, thẩm định, giám sát, kiểm tra về chiến lược phát triển ngành BHXH mà chưa quy định rõ cơ quan nào ban hành hoặc quyết định chiến lược về bảo hiểm xã hội; tương tự, đối với kế hoạch dài hạn, 5 năm, hằng năm về bảo hiểm xã hội cũng cần làm rõ thẩm quyền ban hành.
Cũng theo đại biểu, theo Luật BHXH hiện hành thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và trong Báo cáo số 234/BC-CP của Chính phủ đã khẳng định, việc cơ quan BHXH thu và giải quyết chế độ BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh thời gian qua là không đúng quy định. Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất giải pháp xử lý. Đại biểu cũng đồng quan điểm ý kiến tại hội trường về nên xử lý trong Nghị quyết của Quốc hội và không đưa nội dung này về quy định chuyển tiếp vì chưa đúng nguyên tắc của quy định chuyển tiếp là để xử lý việc áp dụng quy định mới hay quy định cũ cho một quan hệ pháp luật đã tồn tại, trong khi quy định tại khoản 11 điều 142 này thì bản chất là bổ sung quy định mới. Đối với vấn đề hưởng chế độ BHXH 1 lần, đại biểu tán thành với phương án đưa ra của dự thảo luật.
Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời phân tích, làm rõ, góp ý thêm nhiều nội dung cụ thể, thiết thực cả về nội dung mang tính quan điểm, nguyên tắc, cơ chế pháp lý cả về chi tiết, từng điều khoản, quy định cụ thể của dự thảo.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu, gửi đến các cơ quan có liên quan và báo cáo lại các vị đại biểu Quốc hội để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình một cách đầy đủ, thuyết phục. Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận trong thời gian giữa hai đợt của Kỳ họp trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()