Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 09:38 (GMT +7)
Đề án 25 và sự vào cuộc của báo chí Quảng Ninh
Chủ nhật, 21/06/2015 | 11:58:55 [GMT +7] A A
Ngay từ tháng 2-2014, khi Quảng Ninh bắt đầu triển khai đề án “Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (gọi tắt là Đề án 25), các cơ quan báo chí trên địa bàn đã nhanh chóng vào cuộc, kịp thời tuyên truyền, phản ánh, góp phần tạo được sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị của tỉnh về một chủ trương đầy táo bạo và năng động này...
Ê kíp làm phóng sự về Đề án 25 của Đài PTTH Quảng Ninh tác nghiệp. |
Bên cạnh việc thông tin nhanh, đầy đủ các buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh với các sở, ban, ngành, địa phương và các đoàn thể về công tác xây dựng và thực hiện Đề án 25 trên các chương trình Truyền hình Quảng Ninh, báo Quảng Ninh, nhiều tác phẩm thể hiện khả năng tổng hợp cũng như tư duy lý luận cao đã được thực hiện, như tác phẩm “Đề án 25: Động lực cho sự phát triển” của tác giả Ngọc Hà đăng tải trên báo Quảng Ninh, tác phẩm “Đề án 25: Đột phá từ tư duy” của tác giả Ngọc Ánh đăng tải trên Báo điện tử Đài PTTH Quảng Ninh v.v.
Đặc biệt, phóng sự truyền hình “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng - nhìn từ tinh giản bộ máy biên chế ở Quảng Ninh” do nhóm tác giả Thế Lãm, Minh Toàn, Nguyễn Hưng, Hoàng Nam (Đài PTTH Quảng Ninh) thực hiện đã gây được nhiều ấn tượng với khán giả. Và đây cũng là tác phẩm đã vinh dự đoạt giải A giải Báo chí Quốc gia năm 2014. Cùng với đó, loạt bài dài kỳ: “Tinh giản bộ máy biên chế, Quảng Ninh tiên phong” của tác giả Lan Hương - Thuỳ Linh (Báo Quảng Ninh) cũng góp một cách nhìn mới trong việc tuyên truyền thông tin về Đề án 25. Tác phẩm này cũng đã đoạt giải C giải Báo chí quốc gia năm 2014.
Nhà báo Thế Lãm, Phó Giám đốc Đài PTTH Quảng Ninh, trưởng nhóm tác giả phóng sự truyền hình “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng - nhìn từ tinh giản bộ máy biên chế ở Quảng Ninh”, chia sẻ: “- Nhận thấy Đề án 25 là một vấn đề lớn, có tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị, đồng thời cũng được dư luận rất quan tâm, Phòng Thời sự (Đài PTTH Quảng Ninh) đã xây dựng một chuyên mục về vấn đề này ngay từ khi Đề án ra đời. Và sau một thời gian thực hiện, tiếp xúc với nhiều đơn vị, điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là những bất cập, chồng chéo trong tổ chức bộ máy ở tất cả các cấp. Ví dụ như khi chúng tôi đến tìm hiểu thực tế tại xã Quảng Long (huyện Hải Hà) thấy Trường Tiểu học và THCS nằm ngay cạnh trạm Y tế xã với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh, nhưng ở mỗi trường vẫn bố trí một cán bộ Y tế học đường. Công việc chính của các cán bộ này chỉ là mỗi tháng khám cho một vài học sinh bị nhức đầu, sổ mũi… Đây không chỉ là thực trạng đang diễn ra ở xã Quảng Long mà còn là vấn đề chung của cả tổ chức bộ máy. Trước thực trạng như vậy, chúng tôi nhận thấy là phải có sự thay đổi, và sự thay đổi trước hết là phải nằm trong tư duy. Đây cũng là lý do chính để chúng tôi thực hiện phóng sự này”.
Phóng viên Đài PTTH tỉnh, Báo Quảng Ninh phỏng vấn tân Bí thư Huyện uỷ Tiên Yên Vũ Văn Diện về việc triển khai Đề án 25 tại địa phương trong nhiệm kỳ tới. |
Cũng theo nhà báo Thế Lãm, trong quá trình thực hiện những tác phẩm xoay quanh đề tài Đề án 25, anh và các đồng nghiệp đã gặp không ít khó khăn: “Đề án 25 là một đề án rất lớn, rất mới mà Quảng Ninh là một trong những địa phương đi tiên phong trong cả nước. Đồng thời, Đề án đụng chạm đến quyền lợi trực tiếp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức…”.
Khó khăn đầu tiên là về vấn đề tiếp cận với cơ sở, vì việc phản ánh những bất cập, hạn chế trong tổ chức bộ máy đối với một tác phẩm truyền hình là vấn đề rất khó, đặc biệt là trong khi nhiều đơn vị, cơ sở không muốn hợp tác. Một vấn đề khó khăn nữa là về lý luận. Do là địa phương đi đầu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên nhiều nội dung mang tính lý luận của đề án cũng là những vấn đề mới cần phải được tổng kết qua thực tiễn. Nhóm phóng viên thực hiện đã phải tích cực nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn, tranh thủ sự giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh để có thể hiểu sâu sắc, tường tận về vấn đề”…
Với các phóng viên báo hình, báo viết hay báo nói, qua tiếp xúc, chúng tôi cũng thấy có chung những tâm sự như vậy. Nhưng mặc dù khó khăn, đội ngũ những người làm báo Quảng Ninh đều cảm nhận được ý nghĩa quan trọng của việc tuyên truyền về đề án này; đây là một “vấn đề nóng” mà cả hệ thống chính trị cũng như dư luận xã hội rất quan tâm. Và từ đó, cũng có thể nói, một trong những hiệu ứng xã hội lớn nhất trong công tác tuyên truyền về Đề án 25 mà báo chí Quảng Ninh thực hiện trong suốt hơn một năm qua là đã tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và người dân trong việc xây dựng và triển khai Đề án 25. Những câu chuyện cụ thể về những tồn tại, bất cập trong tổ chức bộ máy, cũng như những cách làm sáng tạo trong việc thực hiện đề án trong các tác phẩm báo chí đã góp phần để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cả xã hội hiểu hơn về thực trạng của tổ chức bộ máy hiện nay và nhu cầu cần phải có sự thay đổi cũng như định hướng cho sự thay đổi phù hợp với chủ trương của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh. Chính từ hoạt động tuyên truyền của báo chí tỉnh nhà đã khẳng định sự tích cực, tiên phong triển khai xây dựng và thực hiện Đề án 25, đồng thời khẳng định mục tiêu là tìm ra những giải pháp hiệu quả trong Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy, biên chế, đóng góp hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng cũng như góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước, giảm sự chồng chéo, cồng kềnh, phục vụ nhân dân tốt hơn. Từ đó, xây dựng Quảng Ninh trở thành kiểu mẫu, điển hình trong xây dựng và thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế đối với các bộ, ban, ngành Trung ương cũng như các địa phương trên khắp cả nước.
Không thể lượng hoá hết được những tác động mà công tác tuyên truyền về Đề án 25 mang lại, nhưng những kết quả trong việc thực hiện Đề án của tỉnh cho đến thời điểm này cũng đã phần nào khẳng định sự vào cuộc chủ động, nhanh nhạy, hiệu quả của các cơ quan báo chí Quảng Ninh trong suốt hơn một năm qua…
Nguyễn Đỗ Quang (Đài PTTH tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()