Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 22:06 (GMT +7)
Để bà con vùng đồng bào DTTS vươn lên
Thứ 7, 10/07/2021 | 06:58:53 [GMT +7] A A
Thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho hàng nghìn hộ dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, nhất là tại khu vực khó khăn trên địa bàn tỉnh có nguồn vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiện, Quảng Ninh không còn xã khó khăn và đặc biệt khó khăn (khu vực 2 và 3). Do đó, người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách để tiếp tục phát triển sản xuất.
Vài năm trước, khi còn là hộ nghèo của xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ), bà Triệu Thị Hương, thôn Khe Mằn không dám mơ để có được những cánh rừng trải dài xanh ngát. Thế nhưng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã giúp cho ước mơ của gia đình bà trở thành hiện thực. Ngoài nguồn vốn cho vay hộ nghèo 50 triệu đồng, gia đình bà tiếp tục được vay vốn chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để trồng thêm rừng. Tiền bán keo, quế, sa mộc khi thu hoạch, một phần bà trả nợ cho ngân hàng, số còn lại bà tiếp tục mua cây giống, phân bón, chăm sóc rừng. Cuối năm 2017, gia đình bà Hương đã chính thức thoát nghèo.
Khoản vay ưu đãi của chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn còn là trợ lực thúc đẩy sản xuất cho nhiều hộ dân xã vùng cao Đồng Lâm, TP Hạ Long. Bà Triệu Thị Toan, thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm, TP Hạ Long, cho biết: Không có việc làm ổn định, con trai bị tật nguyền nên nhiều năm gia đình tôi là một trong những hộ nghèo của xã. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, năm 2017, Hội phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho tôi vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh để trồng rừng. Từ nguồn vốn vay, gia đình tôi đã trồng 3ha keo, có việc làm ổn định, thu nhập cũng được cải thiện. Gia đình giờ không còn là hộ nghèo.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh, tính đến 30/6, dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên 364 tỷ đồng với 7.919 hộ vay, chiếm 10,7% tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng kịp thời nhu cầu bức thiết về vốn phát triển sản xuất, nhất là tại các khu vực còn nhiều khó khăn. Bởi ở những vùng đất có điều kiện thuận lợi nhưng không có vốn để sản xuất đã khó, thì ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào sinh sống mà thiếu vốn lại càng khó khăn gấp bội phần. Nguồn vốn còn góp phần quan trọng vào việc đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu chương trình 135, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, theo Quyết định 861/QĐ-TTg 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh hiện không còn xã khu vực 2 và 3. Do đó, người dân tại khu vực này không thể tiếp tục được vay vốn từ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Người dân tại khu vực này không phải là đối tượng cho vay của nhiều chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... Bên cạnh đó, mặc dù không bị hạn chế bởi đối tượng song nguồn vốn cho vay giải quyết việc thường xuyên rơi vào tình trạng cung không đủ cầu. Bởi nhiều năm, Quảng Ninh không được bố trí vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Theo rà soát của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn tiếp tục phát triển sản xuất của người dân tại các khu vực này rất lớn.
Ông Đặng Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm, TP Hạ Long, cho biết: Sau khi hoàn thành chương trình 135, người dân trên địa bàn xã hiện không thuộc đối tượng vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, số hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm, vốn vay giải quyết việc làm hạn chế. Trong khi đó, người dân rất cần vay vốn ưu đãi để tiếp tục phát triển sản xuất, thực hiện các mô hình, nâng cao thu nhập. Nhiều hộ trên địa bàn xã đã mua giống, trồng cây... song giờ đang thiếu vốn để chăm sóc, nuôi dưỡng, duy trì. Do đó, chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục có các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi để người dân xã vùng cao dễ dàng tiếp cận, có thêm vốn tiếp tục phát triển sản xuất, phát triển kinh tế bền vững.
Ngày 17/5/2021, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06, trong đó, cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua hệ thống Ngân hàng CSXH triển khai đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân để phát triển sản xuất, nhất là tại địa bàn các xã, thôn mới hoàn thành chương trình 135 và các xã miền núi, biên giới, hải đảo. Hy vọng rằng, nguồn vốn cho vay nhanh chóng lan tỏa đến từng hộ dân, qua đó, đẩy mạnh phát triển KT-XH nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()