Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:06 (GMT +7)
Phát triển TP Hạ Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 Để bứt phá toàn diện trong giai đoạn mới
Thứ 7, 11/09/2021 | 08:46:36 [GMT +7] A A
TP Hạ Long đã và đang chuẩn bị lộ trình cho bước phát triển mới để tạo những bứt phá toàn diện, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh; là hạt nhân quan trọng thúc đẩy Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tháng 6/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU (gọi tắt là Nghị quyết 04) về phát triển TP Hạ Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đã tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố. Trước yêu cầu phát triển mới, nhất là sau khi thực hiện mở rộng không gian phát triển, TP Hạ Long đang nghiên cứu, tham mưu với tỉnh nghị quyết mới, với những cơ chế đột phá hơn, phù hợp với định hướng phát triển.
Những kết quả khích lệ
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 04 là đưa TP Hạ Long từng bước trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế, với hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Những chỉ tiêu cơ bản cho thành phố giai đoạn 2016-2020 là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt từ 14,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 12.500 USD; thu NSNN tăng bình quân 14%/năm; tổng nguồn vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt từ 100.000 tỷ đồng trở lên...
Để tạo đà cho Hạ Long phát triển, HĐND tỉnh đã xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với thành phố, nổi bật trong đó là Nghị quyết 38/2016/NQ-HĐND (ngày 7/12/2016), Nghị quyết 85/NQ-HĐND (ngày 13/12/2017) với cơ chế nguồn thu phí tham quan vịnh được điều tiết 100% cho TP Hạ Long để đầu tư các dự án trên bờ và dưới vịnh.
Bám sát vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 04 và những cơ chế, chính sách mới, TP Hạ Long đã thực hiện chuyển dịch kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, lấy dịch vụ, du lịch làm trọng tâm phát triển kinh tế. Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã bố trí trên 3.000 tỷ đồng từ nguồn thu phí tham quan vịnh Hạ Long để thực hiện đầu tư các công trình. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều công trình trọng điểm, mang tính động lực để phát triển kinh tế, tạo điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc của thành phố đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: Mở rộng và nâng cấp nút giao thông Loong Toòng; mở rộng, nâng cấp đường Trần Hưng Đạo; mở rộng QL18 từ nút giao cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đến cầu Bãi Cháy; cải tạo, chỉnh trang đường Nguyễn Văn Cừ; cải tạo, mở rộng tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn; nâng cấp, cải tạo QL279, đường 336, 337...
Nhờ huy động hiệu quả các nguồn lực, TP Hạ Long đã tập trung đầu tư, cải tạo lại những chung cư cũ, đã xuống cấp; nhiều công trình kiến trúc đô thị tạo điểm nhấn mang đẳng cấp quốc tế được hình thành, đã nâng cao vị thế, hình ảnh của Hạ Long đối với du khách trong nước và quốc tế. Nổi bật là: Công viên Đại Dương Hạ Long; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long; Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu; Khu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf đồi Cột 3 đến Cột 8…
Đặc biệt, đứng trước yêu cầu phát triển mới và để Hạ Long trở thành hạt nhân thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 2/10/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TU về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ. Đến ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Sau khi sáp nhập, TP Hạ Long có 1.119,12km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 300.267 người. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, đây có thể nói là "đôi cánh" để TP Hạ Long có thể vươn xa, đạt đến những mục tiêu đột phá ở tầm cao hơn.
Giai đoạn 2016-2020, TP Hạ Long đã đạt 14/17 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết 04, nổi bật như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 14,6%; dịch vụ chiếm 57,6% trong cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân đầu người đạt 12.500 USD; thu NSNN tăng bình quân 42,6%, chiếm gần 50% thu nội địa của tỉnh. Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 190.000 tỷ đồng (bằng 2,2 lần so với giai đoạn 2011-2015), con số này đã thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với Hạ Long, góp phần làm thay đổi nhanh chóng kiến trúc đô thị của thành phố theo hướng văn minh hiện đại. Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đổi mới mạnh mẽ, phương thức lãnh đạo có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả.
Cần một “cú huých” mới
Có thể khẳng định, Nghị quyết 04 đã giúp TP Hạ Long đạt được nhiều thành tựu trên nhiều phương diện, làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị, quan trọng hơn là gia tăng niềm tin, niềm tự hào của nhân dân về hình ảnh thành phố thủ phủ của tỉnh. Tuy nhiên, qua đánh giá, tổng kết của TP Hạ Long cho thấy, bên cạnh những kết quả nổi bật, trong quá trình triển khai Nghị quyết 04 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, như: Nhiều sản phẩm công nghiệp trên địa bàn có giá trị chưa cao, chưa tạo được lợi thế cạnh tranh; thu ngân sách liên tục tăng cao so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn một số sắc thuế, số thu chưa tương xứng với dư địa; công tác quản lý về quy hoạch, đất đai, tài nguyên, đô thị có thời điểm, có việc còn để xảy ra vi phạm; một số KCN được xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay đã bộc lộ những vấn đề bất cập khi công nghệ sản xuất lạc hậu, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Riêng lĩnh vực du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn chưa thật sự phát triển tương xứng. Năm 2019 (thời điểm chưa có dịch Covid-19), TP Hạ Long đón gần 5 triệu lượt khách, con số này vẫn còn rất khiêm tốn nếu so sánh với các thành phố du lịch khác của châu Á, như: Phuket hay Pattaya (Thái Lan) đón 10-11 triệu lượt khách/năm, Bali (Indonesia) với gần 8,5 triệu khách/năm… Trong khi những địa danh này không sở hữu di sản nào được UNESCO 2 lần vinh danh như vịnh Hạ Long, song đều có lượng khách quốc tế vượt qua TP Hạ Long cả về số lượng, thời gian lưu trú và chi tiêu.
Từ cuối năm 2019, TP Hạ Long được mở rộng đơn vị hành chính, không gian phát triển, nhưng đến nay vẫn chưa khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt vốn có của 2 địa phương trước đây. Những thách thức về khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, kết cấu hạ tầng giữa các khu vực, phường, xã tương đối lớn; công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, khó lường.
Thời gian qua, Hạ Long đã tập trung xây dựng nghị quyết về phát triển thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Được biết, theo dự thảo nghị quyết, thành phố đặt mục tiêu tổng quát là: Kế thừa, phát huy thành tựu đã đạt được, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục khai thác hiệu quả 3 trụ cột phát triển (con người, thiên nhiên và văn hóa); phát triển đô thị theo mô hình đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối để xây dựng thành phố sinh thái, đô thị xanh, phát triển bền vững theo hướng giàu đẹp, văn minh, an ninh, an toàn và hiện đại; giữ vững tiêu chí đô thị loại I; trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, thể hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là trung tâm, động lực phát triển của tỉnh Quảng Ninh; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
TP Hạ Long cũng tham mưu với tỉnh về một số cơ chế chính sách mới, như: Thành lập Cơ quan Ban Tuyên giáo - Trung tâm chính trị; giữ nguyên tổng số biên chế khối hành chính, sự nghiệp thuộc UBND thành phố; bố trí, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ dôi dư sau sáp nhập; triển khai thực hiện sáp nhập 5 xã thành 2 xã: Hòa Bình - Vũ Oai; Dân Chủ - Quảng La - Bằng Cả; ưu tiên cân đối nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm thuộc nhiệm vụ chi ngân sách tỉnh trên địa bàn thành phố; cân đối, bổ sung có mục tiêu từ phần 65% điều tiết về tỉnh của số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả tiền 1 lần...
Việc sớm ban hành nghị quyết mới, chắc chắn sẽ tạo thêm "cú huých" mới mạnh mẽ hơn, để thúc đẩy cho thành phố thủ phủ của tỉnh phát triển nhanh chóng, bền vững và xứng tầm.
Hồng Nhung
- TP Hạ Long: Phát triển rừng gỗ lớn
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ngô Hoàng Ngân kiểm tra công tác chuẩn bị khai giảng tại TX Quảng Yên và TP Hạ Long
- TP Hạ Long: Đón học sinh ở ngoài tỉnh trở về chuẩn bị cho năm học mới
- Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hạ Long tặng quà lực lượng phòng, chống dịch TX Đông Triều
Liên kết website
Ý kiến ()